Trần Phương Bình – Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á: Tin mình nên tin người, với làn da ngâm đen, trông anh đậm và chắc. Mái tóc bạc “muối nhiều hơn tiêu” vẫn không làm người đối diện cảm thấy anh là người già quá cái tuổi “nhi bất hoặc”. Diễn giải khá mạch lạc những gì mình nghĩ. Ý tứ chặt chẽ như thể một nguyên lý toán học. Có A tất có B vậy. Trần Phương Bình là vậy. Anh luôn muốn săm soi ngọn nguồn của mọi vấn đề. Một chàng trai từng trải qua những trò chơi ngông – học sinh rồi sinh viên cá biệt lại học giỏi cộng những bộn bề lo toan của một doanh nhân trong môi trường làm ăn nhiều bất trắc, không chỉ có hoa hồng đã rèn giũa nên một Trần Phương Bình vững chải, dễ tin.
____
Có cảm giác anh chưa một lần thất bại trong công việc và cuộc sống riêng?
“Ồ không”- Bình nói. Tôi đã nhiều lần bị phạt việt vị, cả trong công việc lẫn tình yêu. Nhưng có lẽ tôi biết giấu kín nỗi niềm riêng nên mọi người có cảm tưởng vậy. Sự cảm hóa của một nữ đoàn viên – là thần tượng của tôi – tình yêu – người vợ – đồng nghiệp – người bạn tri kỷ – người mẹ của các con tôi – ngay khi tôi còn là một chàng trai luôn tự đắc, ngông nghênh, nhiều phản kháng trên ghế giảng đường đại học với tôi là một… “thất bại”. Một “sự thất bại ngọt ngào” để từ đó tôi có một gia đình hạnh phúc hoàn hảo và mình thì thành một con người khác. Một Trần Phương Bình luôn đam mê, nhạy cảm, năng động và quả quyết trong mọi công việc.
____
Nghĩa là…?
Ra trường tháng 8-1982, tháng sau tôi cưới vơ. Vợ tôi – người phụ nữ – trong bức tranh sơn dầu do họa sĩ Chóe vẽ năm 1996 treo trên tường đối diện bàn làm việc của tôi, (Một cô gái có đôi mắt rực sáng và khuôn mặt thông minh – M.N) – là tài sản vô giá của tôi – người mà một lần tôi đã “qui hàng”. Anh chàng “đại ca” thuở nào thành một nhà giáo mô phạm trên bục giảng trường Trung học Tài chính TP. HCM. Ở đó tôi quan sát tất cả và lo toan cho tất cả học sinh của mình.
Tôi luôn biết rõ khi mình giảng, sinh viên nào hiểu bài, em nào lơ mơ và em nào chẳng hiểu gì. Tôi luôn thay đổi cách giảng bài trên lớp, không đạo mạo theo kiểu hình thức, rập khuôn theo kiểu học vẹt. Giờ giảng của tôi sinh động, tôi luôn tạo mọi thuận lợi cho sinh viên phát huy tính chủ động trong học tập. Tám năm bụi phấn, những tưởng đời mình gắn bó với công việc nghiên cứu và đèn sách, nhưng cuộc đời là vậy – luôn vận động – mình cũng phải vận động theo, không thể cưỡng lại được vòng xoáy ấy.
____
Vòng xoáy đó cuốn lấy anh hay anh chủ động lao vào?
Có lẽ mọi người đều không quên cuối những năm 80, đầu những năm 90, các cơ sở tín dụng ở TP. HCM đổ bể như một nạn dịch với nhiều di chứng. Nước hoa Thanh Hương với Nguyễn Văn Mười Hai; Lâm Cẩu với Đại Thành; ở Phú Nhuận có Phú Gia với Phạm Công Tước… Lòng tin của dân chúng có phần chao đảo trước công cuộc đổi mới chỉ mới manh nha .
Giải quyết hậu quả này thật khó. Đã từng giúp vợ làm kế toán không biên chế ở Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận từ những ngày đầu khi công ty mới thành lập, khá thành công theo phương châm: Những gì tư nhân làm được thì nhà nước cũng làm được. Tôi không chỉ giúp vợ vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt của sự ti tiện ở đời đối với thành công của người khác – nhất là sự thành công đó của một người phụ nữ và những thách thức lớn trong công việc mà đã góp phần làm nên một thương hiệu nữ trang hàng đầu của Việt Nam: PNJ. Và có lẽ PNJ là thành công đầu tiên của tôi trong bước đầu khởi sự doanh nghiệp với tư cách người giúp việc của vợ mình (cười).
Một “sự thất bại ngọt ngào” để từ đó tôi có một gia đình hạnh phúc hoàn hảo và mình thì thành một con người khác.
____
Có mối quan hệ gì giữa PNJ và Ngân hàng Đông Á sau này?
Sự thành công tuy chưa lớn lắm trong những năm tháng đầu tiên ấy của PNJ làm cho mọi người nhìn vào vợ chồng Trần Phương Bình đã khác. Tuy nhiên áp lực thanh tra, kiểm tra, thậm chí là điều tra có tính chất hình sự nữa, diễn ra liên tục với Cao Thị Ngọc Dung.
Nhiều lần vợ tôi nản lòng muốn bỏ cuộc. Lúc đó tôi không còn cách chọn lựa khác, không thể đứng hai chân mà từ giã bục giảng để rẽ hẳn sang nghề kinh doanh. Tôi thường khuyên vợ: Hãy làm việc bằng tất cả sự có thể để chứng minh mình là người như thế nào. Vàng thiệt không sợ lửa. Những lời khuyên của tôi tỏ ra hiệu nghiệm. Chúng tôi cùng nhau nhận công việc ngoài sức tưởng tượng của mình: PNJ giải quyết hậu quả tín dụng Phú Gia.
Nhiều lúc tôi nghĩ: quả là “Kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Một tỉ đồng của PNJ điều sang Phú Gia như muối bỏ biển. tám mươi ký vàng mượn thêm của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ giải quyết được phân nửa số nợ của dân. Sóng dữ cần người cầm lái vững. Một chút sơ sót có thể làm cho con thuyền vốn đã chòng chành lật úp giữa bão táp bủa vây. Chúng tôi mời từng người dân lên vận động họ nhận lại vốn đã gửi và thuyết phục họ nhận mức lãi suất thấp bằng mức của Ngân hàng Nhà nước quy định.
Uy tín của chính quyền được phục hồi dần. Dân cảm thấy tin hơn vì Nhà nước không bỏ mặc họ. 50% số người nhận lại vốn rồi lại gửi tiếp. Trong vòng một năm sau, cách làm hợp lý này đã thực sự giải quyết xong vụ vỡ nợ tín dụng Phú Gia. Và có lẽ đây là trường hợp duy nhất nhân dân không bị mất tiền trong các vụ bể tín dụng ở thành phố mình. Lúc đó, mệt mỏi lắm nhưng thật vui. Đời doanh nhân của tôi thắm thía bài học đầu tiên: dân mình cực kỳ tốt. Dù gì vẫn một niềm tin tràn đầy…
Ngân hàng Đông Á ra đời sau đó không lâu: tháng 7/1992. Dự án lập ngân hàng này do vợ chồng tôi cùng bàn thảo chấp bút. Với chúng tôi, ngân hàng là lĩnh vực mới hoàn toàn, chẳng dính gì tới ngành thương mại mà mình đã từng học.
Tất nhiên đề án khả thi nên thuyết phục được ngay 90% công ty quốc doanh tham gia góp vốn, trong đó PNJ góp 40% cổ phần. Và thế là lần thứ hai tôi lại là phụ tá cho vợ – Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của Ngân hàng Đông Á trong tư cách phó tổng giám đốc. Nhưng theo qui chế của ngành ngân hàng, tôi chỉ có thể giữ vai trò trợ lý tổng giám đốc. Chức danh chẳng là gì, điều quan trọng là lòng tin của khách hàng đối với mình mà thôi.
____
Chỉ với 20 tỉ đồng vốn ban đầu và những người điều hành chưa có kinh nghiệm, bước đột phá nào giúp Đông Á bước đi?
Phương án cho vay nhỏ, lãi suất thấp ở chợ được triển khai: ba chợ ở Phú Nhuận, rồi chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Bình Tây và hàng chục chợ khác trong toàn thành phố. Tiểu thương mừng vui vì không phải chịu nạn tín dụng đen, báo chí khen ngợi cách làm năng động, không sợ khó.
Tiếng lành đồn xa, số tiền quay vòng trong dịch vụ này lên đến 500 tỉ đồng mỗi năm. Bề rộng tín dụng chợ giúp Đông Á tích lũy kinh nghiệm đầu tiên trong cách quảng bá thương hiệu và dịch vụ của mình. Sau chợ, chúng tôi triển khai ngay dịch vụ cho vay trả góp mua sắm trong cán bộ viên chức nhà nước. Độ an toàn vốn vay cao và thêm lần nữa tiếng vang lại rất tốt.
____
Nhưng đó vẫn chỉ là dịch vụ nhanh, nóng. Giải pháp căn cơ của Đông Á là gì?
Thật ra tôi không phải là người phát minh ra được điều gì khác lạ nhưng tôi là người có đức tin. Tôi tin ở tấm lòng và sự trong sáng của chính mình. Tôi nghĩ những gì người khác làm được mình đều có thể làm được. Điều quan trọng nhất đối với hoạt động của ngân hàng là sự đồng hành cùng khách hàng trên tất cả những thành công và thất bại của họ. Sự chia sẻ với khách hàng quyết định chữ tín của ngân hàng.
Đông Á xem phương thức này như một bửu bối trong kinh doanh. Không chỉ với vai trò Mạnh thường quân, chỗ dựa về nguồn vốn, Đông Á còn là nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp trong bước khởi đầu. Kinh Đô, Bút bi Thiên Long, Toàn Mỹ… và những thương hiệu mạnh khác đều là khách hàng của Đông Á từ khi còn rất nhỏ. Bên cạnh doanh nghiệp mới, Đông Á không từ nan những khách hàng đang trong thời kỳ mà doanh nghiệp họ đang nguy khốn nhất.
Có thể kể ba trường hợp điển hình: Liksin, Cofidex và Nam Á. Ba đơn vị này đều bị các ngân hàng khác quay lưng. Liksin đầu tư quá tầm, không còn vốn lưu động để hoạt động. Đông Á vào cuộc chỉ với 500 triệu đồng cho vay đã cứu lấy một công ty bao bì loại nhất nhì nước ta. Cofidex cũng vậy. Sau khi nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng tiềm lực của công ty, nhu cầu thị trường, Đông Á cho vay 400 triệu đồng và những cam kết giám đốc không được quyền tự do chi tiền, rút tiền. Vốn đến đúng lúc không chỉ cứu Cofidex mà còn đưa nó trở thành chim đầu đàn trong ngành xuất khẩu thủy sản của thành phố.
Một trường hợp khác làm cho tôi lâm vào tình thế khó khăn bị cho là phạm luật. Đó là trường hợp của Công ty Giày dép xuất khẩu Nam Á. Họ nợ ngân hàng 900 triệu đồng, Đông Á kiện và đã thắng. Được gán nợ một ngôi nhà. Nợ lưu cửu của họ ở Ngân hàng Nông nghiệp lên tới 2,95 tỉ đồng, giám đốc bị cách chức. Một bí thư phường được điều động thay.
Nghe phương án kinh doanh của giám đốc mới khá thuyết phục, cộng với việc khảo sát thực tế tay nghề của 400 công nhân ở đây rất cao, chúng tôi quyết cho Nam Á vay đủ trả nợ và thêm 150 triệu đồng vốn lưu động. Một tháng sau Nam Á xuất lô hàng đầu tiên, có lãi và bắt đầu trả nợ. 30 tháng sau họ đã trả hết nợ và bây giờ, doanh số xuất khẩu của Nam Á lên tới 5 triệu USD/ năm. Nhưng tôi lại rất khốn đốn trong trường hợp này. Khi có đơn kiện tôi vi phạm quy chế: không được cho vay trả nợ, thanh tra hết cấp này tới cấp nọ, có người còn hăm đưa tôi ra tòa hình sự.
Tôi trả lời với các đồng chí ấy rằng: tôi sẽ bán nhà trả nợ thay nếu Nam Á không trả được nợ. Tôi vẫn biết làm việc này sai quy định, nhưng tôi đã hành xử đúng trong thực tế. Tôi tin mình không vụ lợi nên không sợ. Trong điều hành của tôi cũng vậy, tôi luôn tôn trọng ý kiến tập thể, nhưng không phải mọi trường hợp ý kiến tập thể đều đúng. Do đó khi cần, tôi đều quyết trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ thực tế mà không sợ điều gì. Tôi nghĩ đấy cũng là tính cách, là tinh thần doanh nhân.
Đời doanh nhân của tôi thắm thía bài học đầu tiên: dân mình cực kỳ tốt. Dù gì vẫn một niềm tin tràn đầy…
____
Và bây giờ khi đã hoạt động lành mạnh trở lại, các doanh nghiệp một thời thua lỗ ấy vẫn là khách hàng thân thiết của Đông Á, Trần Phương Bình vẫn là ân nhân của họ?
Tôi không quan niệm khi ngân hàng cho một doanh nghiệp nào đó vay vốn là ban ơn, nên không có chuyện hàm ơn. Tôi nghĩ đơn giản ngân hàng có nghĩa vụ có mặt đúng lúc bên cạnh doanh nghiệp nhất là lúc họ khó khăn. Sự đúng lúc của Đông Á trong nhiều năm qua đã cứu hàng loạt doanh nghiệp, giúp họ đứng vững và phát triển đến ngày hôm nay. Với chúng tôi, đó thực sự là một niềm vui. Nhưng khi một vài doanh nghiệp đủ lớn mạnh, mơ tưởng chuyện gì khác thì dẫu có là khách hàng quan trọng đến mấy thì chúng tôi cũng đành chấp nhận giã từ. Điều này cũng có nghĩa là Đông Á biết đến đúng lúc và biết giã từ kịp thời.
____
Anh có thể tự xếp loại Ngân hàng Đông Á?
Khi đặt ra tiêu chuẩn để tái cấu trúc lại ngân hàng thương mai cổ phần, Ngân hàng Nhà nước phân chia mấy loại; yếu kém phải giải thể; yếu kém cần hỗ trợ để củng cố và loại cuối cùng là tự củng cố, tự phát triển. Đông Á thuộc loại thứ ba.
____
Nghĩa là Đông Á đã sẵn có một chiến lược của 10 năm tới?
Ai cũng biết thị trường ngân hàng Việt Nam rộng mênh mông nhưng vẫn diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt không theo qui luật nào. Mơ ước của Đông Á và cũng là phương châm của chúng tôi là: đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách hàng, mở rộng khách hàng nhưng không phải bằng mọi giá.
____
Còn với cá nhân Trần Phương Bình, anh là một doanh nhân như thế nào? Tính cách nào theo anh là quan trọng nhất?
Tôi nghĩ không ai sinh ra đã có tư chất làm doanh nhân. Cha truyền con nối trong nghề kinh doanh cũng không nhiều. Phần lớn do sự đưa đẩy của số phận và cuộc sống mà thành. Tôi cũng vậy. Chia sẻ những nhọc nhằn trên đôi vai gầy của vợ rồi thành nghiệp. Cái nghiệp doanh nhân đa phần cay đắng. Vinh quang chỉ dành cho người khác nhưng nó có sức hấp dẫn lạ kỳ. Đam mê, tự tin và quyết đoán, thậm chí độc đoán nữa thì mới là doanh nhân. Nếu không có những tư chất này, chắc tôi đã thất bại từ lâu.
____
Nếu phải chọn lự lại từ đầu thì Trần Phương Bình sẽ…?
Người xưa từng nói: “Tứ thập nhi bất hoặc” nên câu hỏi trên có vẻ không phù hợp với tôi. 10 năm qua với tôi là tốt, 10 năm tới chắc cũng vậy bởi tôi đã chuẩn bị cho mình xong một đội ngũ kế thừa. Quy luật của muôn đời là tuổi cao sức yếu, đầu óc giảm sút. Tuy đã tích lũy được kinh nghiệm nhưng không còn mơ mộng, không dám mạo hiểm, không dám chấp nhận rủi ro. Có những lúc bất chợt nhìn lại hình ảnh mình khi mới bước vào ngân hàng, trẻ, tóc đen nhánh, lòng phơi phới. 10 năm sau, tôi không khỏi giật mình. Tóc tôi không còn nhiều sợi đen. Có điều gì làm tôi hối hận? Nhiều lúc tôi tự hỏi và tự lục tìm câu trả lời. Tôi mãn nguyện với câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…