Trần Kim Thành – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Kinh Đô, không giống như những gì tôi hình dung: quần thẳng nếp, áo sơ-mi hàng hiệu tay dài kín cổ, cà-vạt model…, anh đối diện với tôi trong bộ sơ mi ngắn tay, thân thiện và cởi mở. Anh nói tiếng Việt bằng giọng của người Hoa Sài Gòn nhưng ngôn từ khá chính xác.
Những khái niệm trừu tượng trong quản trị kinh doanh hay những câu chuyện đời đều được anh diễn giải một cách dung dị. Sự dung dị và chừng mực của người trí thức. Bạn bè doanh nhân trong Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ cũng nói về anh như vậy: Một con người luôn biết mình là ai và mình cần phải làm gì. Có người còn bảo anh là người làm thiệt.
Một số anh em trí thức (phần lớn có bằng MBA về quản trị kinh doanh Mỹ, Úc…) làm việc trong các bộ phận nghiên cứu phát triển hoặc PR của Kinh Đô nhận xét: Anh là tâm điểm của công ty. Trầm tĩnh, luôn luôn lắng nghe và quyết đoán. Còn chính Trần Kim Thành thì bảo: “Tôi là người kỹ tính, hướng nội, làm việc chậm, trong kinh doanh cũng như công việc khác, luôn lượng rõ mọi tình huống rồi mới bắt đầu…”. Thế mới biết những bước đi của Kinh Đô trong 10 năm thành lập từ 1993 là chắc chắn như thế nào.
Trần Kim Thành cho biết, anh không được học nhiều, chỉ hết năm thứ hai khoa Lý trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Năm đó đất nước còn lao đao chưa thoát khỏi thời bao cấp, nạn ngăn sông cấm chợ còn phổ biến. Hầu hết các bữa ăn gia đình thường cơm trộn bo bo. Một số trường dạy tiếng Hoa ở thành phố đóng cửa.
Thực tế này tác động mạnh vào gia đình Trần Kim Thành. Cha anh, một thương gia xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ của Đức, chủ hiệu bánh mì Đô Thành từ năm 1967 cũng có lúc nao núng. Công việc làm ăn đình đốn. Nhưng đi đâu, về đâu là cả một toan tính lựa chọn. Tất cả chỉ vì đàn con bảy đứa chưa trưởng thành. Người ta thường nói họa vô đơn chí, năm đó cha anh đau nặng rồi mất sớm.
Kinh tế gia đình tồi tệ hơn. Thương mẹ một mình vất vả sớm hôm, là con trai lớn, Trần Kim Thành lo gánh vác việc nhà thay cha. Ý nghĩ đầu tiên trong anh là phải làm để sống. Đó là bằng mọi cách vực dậy hiệu bánh Đô Thành của cha. Mấy anh em dồn sức mỗi ngày làm việc quần quật mười mấy tiếng đồng hồ được 200 – 300 bánh bía, bánh ngọt. Làm tới đâu bán hết tới đó. Ít lâu sau cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Một số đại lý bán hàng cho Đô Thành từ thuở hàn vi ấy giờ đây vẫn gắn bó với Kinh Đô.
Và thật thú vị khi biết rằng hai người trong số đó, chị Vương Vũ Linh và Vương Ngọc Xiềm đã trở thành “hai nửa yêu thương” của hai anh em Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên. Không chỉ có thế, sự tác hợp tuyệt vời của duyên số và tình yêu đã đưa họ thành cột trụ vững chắc của đại gia đình Kinh Đô. Gọi là đại gia đình vì nơi đây không chỉ tập trung vốn của một dòng họ cho kinh doanh mà còn có một ý tưởng khác: Kinh Đô của mọi nhà.
____
Anh có thể nói thêm về ý tưởng này ?
Tôi có một khoảng đời gần mười năm kể từ 1983 không thể nào quên. Khi chúng tôi loay hoay trên con thuyền chòng chành tìm kế sinh nhai cho một gia đình tám miệng ăn không người cầm lái, bà Ba Thi tìm gặp và mời hai anh em tôi vào làm nhân viên kỹ thuật cho Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh. Nguyên phụ trách các khu vực nội thành, tôi cung cấp hàng cho các cửa hàng bánh thuộc 18 quận huyện trong thành phố.
Không chỉ làm thuê cho công ty, Đô Thành còn là cơ sở gia công cho công ty. Bánh Đô Thành ra tận Hà Nội vào những năm thóc cao gạo kém đó. Thời kỳ ấy chúng tôi làm việc mỗi ngày 16 tiếng đồng hồ: 8 giờ ở công ty, 8 giờ ở gia đình. Làm xong bánh, chính mình là người chở trên chiếc xe mobylette cà tàng đi bỏ mối khắp nơi. Cực lắm nhưng cũng vui lắm vì Đô Thành góp sức làm no lòng người khi đói kém.
Năm 1991, trước khi đi định cư ở nước ngoài, mẹ tôi dặn hai anh em phải làm chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nghe lời mẹ đồng thời ngó trước ngó sau, thấy tình thế đất nước đổi thay, đổi mới chỉ mới mấy năm, đời sống người dân tuy chưa giàu nhưng đã khác xưa nên hai anh em bàn tính kế hoạch sáp nhập mấy lò bánh lại. Vẫn chiến lược kinh doanh như thế: bánh ngon, giá rẻ cho tất cả mọi thành viên trong các gia đình. Hai năm sau đó, 1993, với số vốn kha khá tích lũy được trong những ngày làm thuê, Kinh Đô ra đời theo tiêu chí rõ ràng như vậy với 70 công nhân.
Tôi là người kỹ tính, hướng nội, làm việc chậm, trong kinh doanh cũng như công việc khác, luôn lượng rõ mọi tình huống rồi mới bắt đầu.
____
Có vẻ như công việc kinh doanh của anh toàn thuận lợi và may mắn?
Không hẳn như vậy. Thiếu vốn nên việc xoay trở khó khăn lắm. Nhưng trong đầu tôi luôn có hình ảnh sống động của một số doanh nhân Sài Gòn trước đây. Nhà sản xuất mì Vị Hương Tố, bột ngọt Thiên Hương, kem đánh răng Hynos rất thành công trong sản xuất sản phẩm và chiến lược quảng bá thương hiệu. Ngày trước, phương tiện còn thiếu thốn mà người ta đã làm giỏi thế. Ngày nay, phương tiện hiện đại gấp vạn lần, chỉ cần học cách của họ là có thể thành công. Khi thành lập công ty xong, tôi và Nguyên ăn dầm nằm dề ở Đài Loan đến nỗi visa phải kéo dài đến 6 – 7 tháng.
Những năm chín mươi, công nghệ bánh ngọt thế giới đã hiện đại lắm rồi, nhưng phải có 1 triệu USD thì mới dám mơ mộng. Cả dòng họ lúc ấy chỉ góp cho chúng tôi được 400.000 USD để nhập dây chuyền sản xuất bánh snack. Vẫn là lấy công làm lời, nhà máy hoạt động hết công suất. Lời ít nhưng số lượng nhiều nên tích lũy khá. Rồi cứ thế, lấy ngắn nuôi dài. Bánh snack nuôi bánh cookie nhân mứt. Bánh khô, bánh tươi, bánh trung thu, kẹo rồi chocolate, bánh crack nhãn hiệu AFC và sắp tới là kem Wall, kem Kido…
Hai nhà máy sản xuất hiện đại vào loại nhất nhì khu vực ở hai đầu đất nước cho thấy Kinh Đô phát triển nhanh chóng và khá vững chắc. Phương châm của chúng tôi là luôn đứng vững trên hai chân. Thị trường trong nước đủ mạnh, nghiên cứu thị trường nước ngoài chắc chắn thì mới xuất hàng đi. Phát triển tới đâu, các phương thức quảng bá thương hiệu, phân phối hiện đại và chuyên nghiệp theo tới đó. Nhìn hệ thống 20 bakery sang trọng và chuyên nghiệp trên cả nước, chắc mọi người khó hình dung cách đây 10 năm, Kinh Đô chỉ có bốn đại lý chính thức ở chợ Bình Tây.
Ngay chuyện bán hàng đi Mỹ cũng vậy. Chúng tôi đã có tới 5 năm nghiên cứu và thích ứng với quy chuẩn thị trường, liên kết được với hệ thống phân phối lớn nhất của Mỹ là Wal-Mart mới bắt đầu xuất hàng đi. Cho đến giờ này, Mỹ là nơi chiếm 80% hàng xuất dự kiến là 10 triệu USD trong năm 2003 của Kinh Đô. Và nếu không có gì thay đổi, Kinh Đô sẽ xây dựng một nhà máy tại Mỹ trong năm tới…
____
Có khi nào anh cảm thấy lo lắng trước sự phát triển quá nhanh của Kinh Đô?
Tuy không được học chính quy về quản trị kinh doanh, cũng không có bằng cấp về ngành công nghệ chế biến thực phẩm, nhưng những gì học được trong thực tế đủ cho tôi tin rằng Kinh Đô đang đi đúng hướng. Tôi và Nguyên từng tham quan nghiên cứu trên 200 nhà máy sản xuất bánh kẹo hiện đại nhất của gần 30 quốc gia tiên tiến trên thế giới. Học hỏi những thành công và thất bại của họ, soi rọi, kiểm chứng những gì mình đang làm, trong môi trường kinh doanh mình đang sống.
Đồng thời với việc mở rộng sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng đến đội ngũ các nhà nghiên cứu phát triển của công ty. Tầm nhìn xa và rộng, biết dự báo chính xác là yếu tố quan trọng nhất của nhà kinh doanh. Những công nhân kỹ thuật cũng vậy. Các phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO với những nhà tư vấn chuyên nghiệp như Price Waterhouse cooper, phần mềm quản lý tài nguyên Solomon đã giúp tôi rất nhiều. Chúng tôi giao việc và tin cậy hoàn toàn vào nhân viên của mình. Mình thương người, người không phụ mình. Mình giúp người, người sẽ giúp mình. Đó là phương cách ứng xử của chúng tôi.
____
Ngay cả việc mua lại thương hiệu kem Wall cũng là toan tính chủ động của Kinh Đô?
Kem Wall là một thương hiệu nổi tiếng với công nghệ sản xuất hiện đại ở khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, nếu biết khai thác tốt, giảm chi phí một chút, chắc chắn sẽ thành công. Vào thời điểm nhà sản xuất kem Wall muốn đàm phán chuyển nhượng thì việc mua lại thương hiệu và công nghệ là bình thường. Những cuộc chuyển nhượng như vậy trên thế giới nhiều lắm. Kinh Đô mua lại kem Wall là nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của công ty. Xứ mình nóng, kem ngon giá hợp lý sẽ là tiềm năng kinh doanh lớn.
Trong đầu tôi luôn có hình ảnh sống động của một số doanh nhân Sài Gòn trước đây. Họ đã rất thành công trong sản xuất sản phẩm và chiến lược quảng bá thương hiệu.
____
Anh có thể cho biết giá chuyển nhượng?
Tôi không có gì bí mật nhưng đối tác chuyển nhượng không muốn công bố điều này. Tôi chỉ có thể nói là khá rẻ… (cười).
____
Rồi Kinh Đô sẽ quảng bá rầm rộ cho kem Wall?
Chúng tôi sẽ quảng bá cho thương hiệu Kinh Đô. Cách đây vài năm, tôi may mắn tham dự lớp đào tạo ngắn hạn “Nhà quản trị quốc tế cao cấp”, hai tháng học ở Việt Nam, hơn ba tuần ở Mỹ. Những buổi học của chúng tôi ở Mỹ chỉ có xem vô số những phim quảng cáo. Vừa xem vừa phân tích nội dung, kỹ thuật lẫn mỹ thuật của phim. Nhiều ấn tượng khó phai từ cách học này.
Ý tưởng mẩu quảng cáo bánh trung thu Kinh Đô năm trước được đầu tư kỹ, phát sóng đồng loạt trong và ngoài nước bắt nguồn từ đây. Hiệu quả quảng cáo thật rõ ràng. Trung thu năm đó, Kinh Đô “cháy hàng” – nghĩa là bánh trung thu không đủ bán. Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ có những chiến dịch quảng cáo mạnh cho thương hiệu của mình, nhưng xin cho tôi giữ bí mật thời điểm…
Câu chuyện của Trần Kim Thành trải dài nhiều năm tháng. Thăng trầm trong đời sống riêng và thành công trong kinh doanh nhiều vô kể. Theo một lối thông thường, tôi hỏi anh có bí quyết gì không. Trần Kim Thành cười hiền: “Đơn giản lắm: tôi đọc rất nhiều sách kinh tế, sách quản trị kinh doanh, đọc tất cả không loại trừ lĩnh vực nào, các nhà quản trị tiêu biểu và các khuynh hướng quản trị hiện đại trên thế giới. Đọc để vượt qua chính mình. Cho tới hôm nay, cuốn sách gối đầu giường của tôi là: 100 năm cuộc chiến makerting. Để thắng trong kinh doanh là phải biết tiếp thị và phải thắng đối thủ bằng các chiêu tiếp thị. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm, thương hiệu mạnh là điều quyết định. Ở Kinh Đô, người lo nguyên liệu đầu vào đáng tin cậy đến… 200% nên không có gì để sợ. Lại nữa, mỗi khi có một sản phẩm xuất xưởng thì người ăn thử đầu tiên là anh em chúng tôi”.
Có lẽ vì thế mà trong tham luận tại diễn đàn “Việt Nam sẵn sàng gia nhập WTO” diễn ra tại TP. HCM vào cuối tháng 5/2003, Trần Kim Thành đã đề nghị: Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp thị quảng bá thương hiệu như một dự án đầu tư dài hạn và cho phép doanh nghiệp khấu hao thu hồi vốn đầu tư này.
____
Nghĩa là công việc của anh hoàn toàn tốt, có khi nào anh bực mình hay cãi vã gì với người thân hay nhân viên công ty?
Có, nhưng không nhiều. Nóng xong lại lành ngay, khi biết rõ sự vô lý của mình.
Nghe Trần Kim Thành kể chuyện giải quyết sự cố không phải nhỏ lắm này một cách tỉnh táo, hiệu quả, tôi chợt hiểu vì sao nhân viên của anh gọi anh là tâm điểm của công ty.