Tạ Thị Ngọc Thảo – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Đầu tư TTNT, có một “từ trường” rất mạnh, một “điện năng” cảm hóa và yêu thương. Nụ cười làm sao ấy, rạng rỡ, thanh thản, ấm áp lạ lùng. Khi chị cười, mắt cũng cười theo. Trong chiếc đầm hoa xanh mềm mại, chị đón tôi bằng nụ cười như thế, khác hẳn với vẻ sắc lạnh và trầm tư mà tôi đã thấy chị lần đầu trong một buổi gặp gỡ của báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần…
Giọng chị trầm và nhỏ, nhưng ẩn chứa một sức nặng nội tâm. Chị nổi tiếng là người sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm trong giới kinh doanh địa ốc; chị còn là tác giả của nhiều bài viết về kinh tế “không giống ai”, giản dị, thực tế, với một chút ngang tàng rất khẳng khái, “đi” nhanh nhất đến trái tim.
Vào đúng lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, kinh doanh, chị lại tự “thoát ra” để nhìn lại mình, và quyết định chuyển hướng sang những lĩnh vực kinh doanh lạ lẫm chưa ai dám làm, mà trong cuốn sách sắp xuất bản của mình, chị gọi đó là “Kinh tế – Nhân văn”.
____
Những bài viết của chị đã thực sự gây ấn tượng với người đọc, nhưng khi tên chị mới xuất hiện trên báo DNSG Cuối tuần, không ít bạn bè đã “nghi ngờ” về khả năng viết của chị. Chị có thể nói về việc học của mình?
Tôi là một người ham học, nhưng lại không có điều kiện học. Tôi chỉ có một bằng duy nhất, đó là bằng tốt nghiệp lớp 12, không giỏi ngoại ngữ, máy vi tính sử dụng còn dở, nhưng tôi đọc bất cứ cái gì và trong bất cứ thời điểm nào có cái để học, để đọc. Tôi có một tuổi thơ nghèo khó, liên tục lo cái ăn. Mẹ tôi là một chủ hãng dệt, nhưng bà mất khi tôi mới năm tuổi đầu, tôi cũng chẳng biết tiền bạc trong nhà đi đâu hết, chỉ biết mình còn lại có một mình.
Không ai cho ăn, ngày ngày cô bé con phải đến hội từ thiện xin một ổ bánh mì và một bình toong nước, rồi đi từ nhà ra mộ mẹ xa năm sáu cây số, chơi bán đồ hàng với mẹ, tối về với tay lên bàn thờ lấy ảnh mẹ xuống ôm trong lòng và ngủ thiếp đi… Cho đến một hôm vì trèo mà bị gãy chân, lúc ấy hàng xóm mới thấy không ổn, họ túm gáy và gửi vào chùa… Trong hoàn cảnh như thế, cái ăn luôn ám ảnh tôi. Nói có thể mọi người cười, đến bây giờ trong xe của tôi lúc nào cũng phải có bánh và nước. Ngay cả khi đi nước ngoài, bánh và nước luôn phải để ở đầu giường thì tôi mới yên tâm mà ngủ được, mới tin rằng mình sẽ không bị đói nữa.
Học được lớp 12 là may rồi, suốt một quãng thời gian từ nhỏ đến lớn chỉ lo kiếm tiền miệt mài… Bù đầu với đất đai, kiếm tiền như quán tính, không biết gì là hoa nở, là chim kêu. Cho đến giai đoạn có một chính sách thay đổi, tôi mới khựng lại, bắt đầu ngồi xuống kiểm kê tài sản, mới thấy hình như đủ… (cười). Lúc ấy tôi mới suy nghĩ, mình chỉ có một đứa con, anh em không có, vậy tiền nhiều để làm gì? Trong lúc mình không có một phút để nghe một bài nhạc, ngắm một cánh hoa… thế là tôi “tỉnh” người lại, tôi ngộ ra: Biết đủ là đủ. Và tôi dừng lại.
____
Nhưng dường như chị không dừng lại? Chị lại chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư “Công viên nghĩa trang” và “Phố mùa thu”… Những lĩnh vực kinh doanh… chưa ai làm, nhưng đầy thách thức và hẳn nhiên lợi nhuận không thể nhiều?
Ban đầu, tôi định gom hết tài sản làm từ thiện, chỉ giữ lại vài ba căn nhà khi cần bán đi để chi dùng. Nhưng tôi hiểu đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình nếu không được dùng đúng mục đích, hoặc chi tiêu một cách vô trách nhiệm thì rất đau lòng. Chỉ còn một cách chính mình phải đem cả cuộc đời còn lại để làm. Tôi bắt đầu cho tiền đi ngược ra xã hội bằng những dự án làm cho mình vui và xã hội vui.
Công viên nghĩa trang cao cấp Vĩnh Xuân là một chương trình lo cho người chết một cách toàn vẹn nhất, ở đó người sống có thể duyệt chương trình chết của mình. Nghĩa trang của tôi không ảm đạm, sẽ có nhiều hoa cỏ và bóng mát, có chỗ để lo cả việc giỗ chạp và có nơi để dành cho cô dâu chú rể nào muốn đến lạy người quá cố trong ngày vui của mình. Còn dự án “Phố mùa thu” thì dành cho những người từ 50 tuổi trở lên, có lẽ bắt nguồn từ hoàn cảnh sống thiếu gia đình, nên tôi hay quan sát cuộc sống của những người có tuổi và tôi phát hiện họ rất buồn…
Tôi nghĩ: “Phải làm sao để họ được tiếp tục sống và cống hiến, chứ không phải là chỉ tồn tại để chờ chết”. Chữ “phố” chính là biểu hiện của sự sống. Người cao tuổi sẽ được học tất cả những gì mà trước đây họ không có điều kiện để học, còn người dạy là những người Thầy đã về hưu, khi không còn bận rộn nữa, họ sẽ dạy rất thanh thản. Điều đó sẽ làm cho những người cao tuổi vui sống, biết đâu sẽ có đám cưới bạc (Cười rạng rỡ).
Cuối năm nay, công ty tôi khai trương một dự án rất “tỉnh táo”, đó là Trung tâm mua bán vàng và ngoại tệ Thiên Thời để phục vụ cho hoạt động thanh toán nhà và đất. Tôi tin rằng trung tâm này sẽ đẻ ra lợi nhuận để “nuôi” hai dự án kia. Logo của Thiên Thời là một đồng xu cổ, chính giữa là chữ tâm, dưới là con đường có dòng chữ: càng lăn càng lớn.
Tính ẩn dụ của logo là: “Tiền giao cho một người có tâm, thì càng lăn càng lớn…”. Đây là một hình thức kinh doanh mới mà tôi rất ngỡ ngàng, với kinh phí cả trăm tỉ. Trước đây, tôi chỉ kinh doanh bằng tiền của mình, bây giờ thì phải tính chuyện vay ngân hàng, tôi lo lắm. Dù vậy, tôi vẫn tin vì “tôi đã biến được từ cái không thể thành có thể như ngày nay, huống gì bây giờ tôi đã có nhiều thứ để lận lưng làm vốn”. Tuy vậy, tôi cũng đã lường trước rủi ro “mất hết thì cũng được” nên rất thanh thản.
____
Lăn lộn nhiều năm với thị trường bất động sản, chị có ưu tư nhiều không khi quyết định rời bỏ nó?
Tôi cho rằng môi trường đầu tư và kinh doanh bất động sản hiện nay chưa thuận lợi, muốn làm ăn đàng hoàng trong lúc này cũng rất khó. Một thị trường chưa được công nhận là thị trường, mua bán cái chưa được công nhận là hàng hóa, thì chỉ có rủi ro thôi, “thương nhờ ghét chịu”. Mà sự nghiệp doanh nhân trong ngành bất động sản đâu có thể nào dựa vào “thương nhờ ghét chịu”.
Tôi là một trong những người đầu tiên “phân lô hộ lẻ”, rồi bán hàng thửa hàng thửa đất, tiền “quay” rất nhanh. Làm được đường, được cống, đưa điện nước vào trong khu mình quy hoạch, tôi hãnh diện lắm. Nhưng sau một thời gian đi học tập, quan sát ở nước ngoài, tôi mới hiểu chính tôi đã góp phần làm cho những quỹ đất hiếm bị băm nhỏ bởi những dự án phân lô hộ lẻ.
Tôi giật mình khi biết Trung Quốc đã đập bỏ 24.000km2 những khu phân lô hộ lẻ, khu đô thị cũ để quy hoạch và kiến trúc lại bộ mặt đô thị. Cứ nghĩ rằng những dự án của mình đóng góp phần nào cho xã hội, không ngờ làm cho rối thêm. Tôi đã mất bao đêm không ngủ để đi tới quyết định phải dừng lại. Nhưng đến khi môi trường đầu tư và kinh doanh bất động sản được minh bạch và sòng phẳng, tôi sẽ quay trở lại.
Những người quen biết hay gọi tôi một cách trìu mến là “con mọi” khi thấy tôi hành xử và suy nghĩ không giống ai.
____
Vì sao một người kinh doanh như chị lại viết được? Trong khi rất nhiều nhà báo, nhà văn bước vào kinh doanh lại không còn viết được nữa?
Viết là một cách học ngắn nhất. Nói bạn đừng cười, mỗi khi viết xong một bài báo tôi hạnh phúc như vừa ký xong một hợp đồng, một niềm vui ngầm ngầm rất lạ. Đã thế, lại phát hiện ra nhiều điều mới mẻ vì để viết được một bài có khi phải tra cứu đến hơn 10 quyển sách. Viết, cũng là một cách hệ thống lại tư duy, hệ thống lại quá trình kinh doanh của mình để rút ra thành lý luận. Tôi nghĩ, doanh nhân muốn viết phải có vốn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), phải đạt đến cái ngưỡng nào đó trong sự nghiệp và có bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh. Doanh nhân “già” như tôi dám dành thời gian để viết báo, đọc và học là sang lắm. Bây giờ, tôi mới dám “xài sang” như vậy, chứ trước đây thì không dám.
Sắp tới, vào dịp 30-4-2005, tôi sẽ ra mắt người đọc quyển sách đầu tiên của mình có tên là “Doanh nhân viết”. Quyển sách này sẽ giới thiệu đến người đọc một cách trung thực nhất quá trình hình thành của một tư duy, quá trình vừa làm, vừa học, vừa quan sát xã hội của một doanh nhân trong thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường. Tôi không bao giờ dám nghĩ có ngày mình viết được báo và xuất bản sách. Vì vậy, tôi xem quyển sách này như “bằng tốt nghiệp” mà mình tự cấp cho mình và hơn nữa bằng này được xã hội công nhận là “bằng thiệt”.
____
Giới kinh doanh nghe tên bà Thảo nhiều người “ lạnh gáy”. Chị nổi tiếng là người dữ dội, sắc sảo, đụng chuyện là đập bàn liền, nhưng ở nhà chị lại là một người khác hẳn, dịu dàng nữ tính hơn.
Trước đây thì đúng, bây giờ thì hiền bớt rồi. Tôi là một người mà tư duy và quan niệm sống không có một nề nếp, lề lối, khuôn mẫu đúc sẵn bởi tôi nhận được sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội rất ít. Những người quen biết hay gọi tôi một cách trìu mến là “con mọi” khi thấy tôi hành xử và suy nghĩ không giống ai. Đặc tính “mọi” của tôi được thể hiện qua lối suy nghĩ, cách nhìn vấn đề, xử lý tình huống và phản ứng các sự kiện trong xã hội.
Khoảng gần năm năm nay tôi mới bắt đầu được học vì có người chịu bỏ công dạy tôi. Thầy Dưỡng – Phan Chánh Dưỡng là người đầu tiên nói cho tôi nghe thế nào là nhân – lễ – tín – nghĩa ở đời trước khi truyền cho tôi kiến thức. Nhiều người đã khen tôi lúc này đỡ “mọi” hơn trước, nhưng Thầy Dưỡng thì trong cách dạy lại rất tôn trọng “đặc tính mọi” của tôi; vì ông chủ trương không áp dụng “nhân bản vô tính” trong giáo dục.
Sau khi tin rằng mình không đói nữa, tôi lại bắt đầu áy náy về việc ít học và không có bằng cấp của mình. Hiểu được điều đó, Thầy Dưỡng an ủi: “Bằng cấp chỉ là cái vé vào cửa, có nhiều người vào cửa được rồi lại không có ghế ngồi; còn cô, qua được cửa và đã có ghế ngồi ngon lành thì việc gì phải lộn ra cửa để mua vé?”. Nghe thế thì cũng đỡ tủi thân.
Tuy vậy, tôi vẫn ăn cắp giờ nghỉ của mình để lén nghiên cứu đề tài “Thị trường bất động sản Việt Nam – Sự hình thành và định hướng phát triển” với hy vọng là để bảo vệ một cái bằng gì đó. Nhưng vừa qua tôi được biết là “trước khi có một cái bằng gì đó thì phải có bằng đại học và bằng cấp về ngoại ngữ. Đương nhiên là tôi không có! Nhưng không vì thế mà tôi chịu thua. Nếu có ai đó trong nước sẵn lòng giúp tôi thực hiện được mơ ước này, tôi cảm ơn lắm.
Thật ra, những người trong giới kinh doanh mà quá chú trọng khoe khoang hình thức, kể cả trong giao tiếp, đao to búa lớn trong lời nói, điện thoại liên tục reo giống như tôi trước đây thì chỉ là dân mua bán nhỏ. Dân mua bán lớn có một tác phong khác hẳn, họ nói rất nhỏ, đi rất nhẹ, từ tốn, mềm mỏng như một chính khách và… “lạnh như tiền”. Nhìn họ, không bao giờ thấy sự tất bật, cũng không có dấu hiệu của stress, thậm chí có phá sản hay nhà cháy đến nơi thì họ vẫn đĩnh đạc bởi họ hoàn toàn tin rằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào họ vẫn gầy dựng lại được sự nghiệp.
____
Người ta thường nói: “Đến với bà Thảo là an toàn”. Dường như chị đã hình thành một kiểu kinh doanh mang phong cách Tạ Thị Ngọc Thảo?
Tôi không tạo ra thương hiệu của mình mà chính văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp đã được thương trường chọn lọc. Một khi cái tên đã trở thành thương hiệu thì buộc ta phải có một cách sống để giữ vững thương hiệu đó. Nó bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như đúng hẹn, đúng hợp đồng, lời nói như đinh đóng cột… Sản phẩm của công ty tôi bán ra bao giờ cũng mắc hơn người khác, nhưng họ đến để mua sự an toàn, mua uy tín và mua sự nhanh chóng, tiện lợi.
Trong làm ăn lớn nhiều khi ngọt ngào không phải đã hay, chỉ cần ít lời, nhưng cụ thể. TTNT – tên của công ty tôi còn được giới kinh doanh hiểu là: Tín, Tâm, Nhẫn và Tình. Đội ngũ kế thừa ở công ty tôi, các em có rất nhiều bằng cấp và học vị nhưng tuổi đời chưa tới 30. Tôi lo đội ngũ kế thừa của mình tự mãn – dù các em chưa có biểu hiện đó – tôi liền mướn người viết một khẩu hiệu “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” rồi cho treo ở chỗ nhiều người thấy nhất. Công ty tôi vừa xây xong một văn phòng làm việc. Những người đến tham quan hỏi: “Tại sao có nhiều góc chơi như vậy?”. Tôi trả lời: “Chúng tôi bận quá nên chủ trương chơi tại chỗ làm”. Nếu không tranh thủ như thế thì các cộng sự của tôi sẽ lao vào làm mà quên chơi.
Sự trưởng thành của tôi khá nghiệt ngã, tôi luôn buộc mình phải tiến lên phía trước chỉ vì tôi không có đường lui, không có cửa về.
____
Trải qua cả một tuổi thơ cơ cực, lăn xả trong thương trường như vậy, tại sao chị vẫn giữ được một lòng kiêu hãnh, một sự tự tôn rất lớn trong mình?
Bạn có nhìn thấy bức tượng Đức Thiền sư Huệ Khả trong nhà tôi không? Ông chân thấp chân cao, mắt mù, lưng gù, cụt một tay đấy… chỉ có mỗi một nụ cười chiến thắng là trọn vẹn. Từ no đói, khát khao, thiếu hụt, nghèo hèn, ngày hôm nay mình trưởng thành thì đáng hãnh diện chứ. Tôi hay gọi ông là “bạn trai của mình”, nhiều khi buồn không thể cho ai biết, tôi tâm sự với ông và soi mình vào.
Ông làm tôi thấy cái khổ của mình chẳng nhằm gì. Vả lại tôi không có thói quen dựa dẫm vì muốn dựa cũng không có chỗ để dựa. Sự trưởng thành của tôi khá nghiệt ngã, tôi luôn buộc mình phải tiến lên phía trước chỉ vì tôi không có đường lui, không có cửa về nên chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại. Từng bước đi tới như thế làm tôi trở nên dày dạn kinh nghiệm và quyết đoán trên thương trường.
____
Vậy chị “dựa” vào điều gì để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu?
Tôi dựa lại vào những người thầy của mình, bạn bè và các cộng sự trong công ty. Công ty là gia đình thứ nhất của tôi. Tôi vui khi hàng tuần được giảng lại cho nhân viên mình một đề tài nào đó, dạy theo cách “mẹ truyền cho con”. Tôi ý thức rằng: nếu không dạy cho các em lớn thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi. Tôi đã đào tạo xong bốn giám đốc kế cận, toàn bộ đều dưới 30 tuổi, có từ một đến hai bằng đại học, hai đến ba ngoại ngữ; một đội ngũ tương hợp, hiểu được cái tâm của tôi và chấp nhận vào cuộc với tôi.
Đó là tài sản lớn nhất, là tương lai sáng lạn của công ty. Từng ngày nhìn thấy dự án hình thành, nhìn các đàn em trưởng thành, tạo được nhiều công ăn việc làm là tôi vui… Các em trong công ty rất “cưng chiều” tôi và tôi cũng rất hay nhõng nhẽo với họ. Khi gặp những trường hợp công ty cần đến tôi lộ mặt để giải quyết, các em phải năn nỉ tôi mới chịu làm giúp họ.
____
Một ngày của chị kết thúc như thế nào? Chị hưởng thụ cuộc sống ra sao?
Đến đúng thời điểm này, cuộc đời của tôi có thể chỉ cần hai câu để khắc họa: “Niên niên nan quá, niên niên quá”, “Sự sự bất thông, sự sự thông”. Đây là hai câu đối tôi đang treo ở nhà, ngày ngày nhìn vào tôi hiểu cuộc đời tôi “nhiều năm gian nan, nhưng rồi những năm ấy đã qua. Nhiều sự không thông nhưng rồi những sự ấy cũng thông”. Tôi bằng lòng và tự hào với những gì tôi đã làm được dù những cái “được” và “có” của tôi có thể chưa bằng ai.
Hàng ngày, tôi thường dành một tiếng đồng hồ cho luyện khí công giúp mình điềm đạm, tỉnh táo; một tiếng cho bơi lội để giữ gìn sức khỏe và vóc dáng cân đối; sau đó là học hành, nghiên cứu, đọc sách, nghe nhạc. Bây giờ mới có điều kiện học, nên tôi ham học lắm và tự học là chính, học bất cứ đề tài gì tôi thích. Có những lúc ngồi trầm tư cả mấy tiếng đồng hồ, tưởng là ngồi yên nhưng cái đầu liên tục vận động, sau đó là toát mồ hôi ra. Nhiều khi nhìn không thấy gì, ăn không biết ngon. Thực ra khái niệm hưởng thụ cũng vô cùng. Với tôi, một làn hương trầm thoang thoảng, một cuốn sách hay cũng thấy “đã”. Tôi ngủ từ 8 giờ tối, ba giờ sáng thức dậy, nhìn tôi có thể thấy một chiếc đồng hồ sinh học rất chính xác.
____
Theo chị, thế hệ doanh nhân biết thoát ra để hướng về một nền kinh tế nhân văn như chị đã nhiều chưa?
Tôi đã nhìn thấy. Đặc tính của doanh nhân Việt Nam là khi sự nghiệp đã ổn định thì họ bắt đầu quan sát xã hội và quan tâm đến mọi người. Thường thì, họ dành những gì đã tích lũy được trong quá trình kinh doanh để làm cho cộng đồng vui trước và cho bản thân mình vui sau. Tuy nhiên cũng đừng đòi hỏi nhiều ở họ vì nền kinh tế thị trường của mình chỉ là bước đầu, nên bề dày của doanh nhân chưa nhiều và doanh nghiệp lớn cũng chưa có bao nhiêu. Xã hội hãy tôn trọng và tạo điều kiện hỗ trợ những người làm kinh tế nhân văn, để họ không cảm thấy mình đơn độc.