Những lần trò chuyện với nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật – họa sĩ Nguyễn Quân bao giờ cũng đầy hứng thú. Thông minh, hùng biện, có khả năng kiến giải nhiều vấn đề về văn hóa nói chung, thêm vào đó là sự hóm hỉnh, tài dùng chữ, Nguyễn Quân có thể nói hàng giờ về một vấn đề ông quan tâm và hiểu tường tận.
Tất nhiên lĩnh vực ông thông thạo nhất vẫn là mỹ thuật mà ông đã theo đuổi bốn thập niên qua. Gặp ông trong ngôi nhà mới xây lại khá bề thế với màu sơn trắng phủ kín mặt tiền (mà Nguyễn Quân gọi hài hước là “nhà trắng”), trong những ngày ông đang chuẩn bị cho chuyến đi làm việc tại Indonesia, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.
Sau những công trình nghiên cứu về mỹ thuật và mỹ thuật Việt, được thể hiện qua một loạt trước tác, gần đây nhất là Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX – tất cả đều có ích đối với người đọc quan tâm đến mỹ thuật cũng như có giá trị lâu dài về mặt học thuật đối với lĩnh vực tạo hình – ông sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu mỹ thuật? Hướng nghiên cứu ông đang và sẽ tiến hành?
Công việc nghiên cứu của tôi là nghiên cứu độc lập, tức không có cơ quan, trường, viện với nghiên cứu viên và sinh viên, tất nhiên có nhiều khó khăn khó vượt qua được, dù có lợi thế là “tự do”. Tôi dự định viết, năm nay và năm tới một loạt bài về bản thân ngành nghiên cứu phê bình nghệ thuật ở ta vốn đã có lịch sử của mình nhưng cũng nhiều hạn chế.
Đã tới lúc cần “nâng cấp”, cần phải ra khỏi giai đoạn khoa học mô tả (hoặc làm MC cho các sự kiện, tác giả, tác phẩm nghệ thuật…), thoát khỏi sự phụ thuộc vào những thứ ngoài nghệ thuật như chính trị, tôn giáo, hệ tư tưởng, thị trường hay truyền thông để trở thành một môn khoa học nhân văn thực thụ với các phương pháp nghiên cứu “tiên tiến”.
Song song với nội dung trên, tôi phải hiểu kỹ hơn các điều kiện nào đã làm xuất hiện nghệ thuật hiện đại – modernism – từ một phần tư đầu của thế kỷ XX và nghệ thuật đương đại – contemporary) – từ thập niên cuối thế kỷ XX ở Việt Nam với tư cách là những dòng chảy và thành tựu văn hóa quan trọng bậc nhất…
Được biết ông sắp sang Indonesia để tham gia một dự án về mỹ thuật – đó là dự án gì và ông sẽ đóng góp vào dự án những nội dung nào?
Bandung sẽ là cuộc họp cuối của “ban điều phối” chương trình có tên Kết nối Lịch sử mỹ thuật (Connecting Art Histories) ở các nước Đông Nam Á do Viện Power
Institute của Đại học Sydney (Úc) chủ trì và xin tài trợ. Đây là lần đầu tiên có chuyện chi tiền cho nghiên cứu phê bình.
Câu hỏi sẽ là nghệ thuật hiện đại và đương đại ở khu vực Đông Nam Á xuất hiện, phát triển như thế nào, có những gì chung giữa các nước này và những nét riêng là gì, đặc điểm, vị trí, vị thế… tình cảnh của nó ra sao.
Tôi thấy nghệ thuật ở khu vực này trong quá khứ có nền đất chung suốt 2.000 năm và hiện tại có bầu không khí chung của một cộng đồng kinh tế – xã hội đặc sắc. Cũng là lần đầu tiên kết nối các nhà nghiên cứu phê bình lịch sử nghệ thuật các nước Đông Nam Á với nhau và trao đổi thông tin, đào tạo và tranh luận học thuật. Dự án này triển khai từ năm 2013 đến năm 2016 và là cơ hội hợp tác quốc tế rất tốt cho các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật trẻ nước ta.
Nhìn rộng ra khu vực Đông Nam Á, trước sự bùng nổ của mỹ thuật Indonesia, sự phát triển mạnh các hoạt động nghệ thuật tạo hình ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, theo ông có phải mỹ thuật Việt Nam đang “nghẽn mạch”? Liệu chúng ta có thể tìm lại được thời “hoàng kim” của mỹ thuật đổi mới và bằng cách nào?
Quả là “nghẽn mạch” nếu chỉ nhìn vào hoạt động của các thiết chế bao cấp với tranh ấy trên tường, tượng ấy trên bục, tượng đài ấy nơi công cộng cùng các sản phẩm mỹ thuật du lịch, trang trí nội thất… ở các shop, gallery thương mại. Nhưng ở các trung tâm độc lập (phi trung tâm) nghệ thuật thị giác vẫn rất sôi động với các sự kiện, hợp tác, dự án… và không ít các tác giả “mới lạ”.
Ví dụ: tháng Mười này đã có một trại sáng tác quốc tế lớn tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa Mường ở Hòa Bình với hơn 60 nghệ sĩ đến từ gần 20 nước!
Tôi không nghĩ nghệ thuật ta “nghẽn mạch” vì nó chỉ đang khác đi quá nhanh so với cái nhìn và cách nhìn của công chúng. Tuy nhiên trong dòng thác lạm phát số lượng, sự bắt chước, sự giống nhau… còn quá hiếm các sáng tạo thực sự khác biệt!
Kết nối tập thể, chia sẻ ý tưởng và không gian, tương tác trong thực hành nghệ thuật, tính chất trình diễn (bắt buộc phải có) của nghệ thuật thị giác ngày nay, sự “thương lượng – dung hòa” với các bên quản lý – thị trường – truyền thông… có thể “ám sát” một cá nhân sáng tạo.
Nghệ sĩ thị giác hôm nay hầu như là sản phẩm của các quan hệ văn hóa phức hợp của một thế giới nghe nhìn trình diễn, hiếm khi họ được là một mình, cô độc, cô đơn một cách lãng mạn hay thăng hoa như “thuở xưa”. Không nghẽn mạch nhưng có vẻ trì trệ – bình bình – tà tà, mang tính “tỉnh lẻ” và “ngoại biên”.
Một cái “nhưng” nữa là: không hiếm các tác phẩm hay, tranh tượng đẹp xứng được sưu tầm. Ai cũng thấy nghệ thuật Việt Nam đặc sắc không thua gì các nước xung quanh. ASEAN đúng là “thống nhất trong đa dạng”. Cái ta khác với một số nước ASEAN là không có giới sưu tầm, trong khi giới này ở các nước kể trên lớn mạnh rất nhanh.
Một nền nghệ thuật dân tộc đứng trên ba cột trụ: Giới tác giả-tác phẩm, Giới nhà sưu tầm và Giới nghiên cứu phê bình. Doanh nhân ta đã giàu lên nhanh, chơi đủ các thứ từ tê giác tới gốc cây, đá quý và đồ cổ… nhưng theo tôi họ cần thuê các curator (giám tuyển) và người nghiên cứu phê bình, lập các quỹ văn hóa để sưu tầm nghệ thuật. Đó là một đầu tư mạo hiểm (tuy không mạo hiểm bằng đầu tư bất động sản) nhưng cũng là trách nhiệm văn hóa, thậm chí về lâu dài còn “lưu danh thiên cổ” nữa!
Thời gian gần đây, ông thường viết và có khi đứng ra giới thiệu cho các triển lãm, đặc biệt là với các cuộc trưng bày “có vấn đề” cũng như với các nghệ sĩ trẻ có những tìm kiếm hay cách thể hiện khác biệt. Ông có hy vọng gì vào một lớp trẻ hôm nay như từng đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ của những Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu… của thời kỳ đầu đổi mới?
Một cách vui sống có ý nghĩa là “chơi” với giới trẻ. Để có cảm xúc mới và động não thì phải chơi với những cái “có vấn đề”. Bản thân tranh tôi và bản thân tôi cũng được một số “quan văn nghệ”, nhà phê bình, sưu tập liệt vào mục “có vấn đề”. Tôi rất hãnh diện vì còn được các tác giả trẻ “hỏi han” tới. Thái độ luôn đúng đối với người trẻ là hy vọng.
Hội họa thời đổi mới là một bước ngoặt trong văn hóa ở ta. Nó như đoạn kết của nghệ thuật hiện đại Việt và dọn đường, gợi ý cho nghệ thuật đương đại Việt dù nhìn lại nó có vẻ như không “dính dáng gì” tới nghệ thuật đương đại cũng như với nghệ thuật Đông Dương những năm 1930-1940 hoặc hiện thực xã hội chủ nghĩa những năm 1960-1980.
Ông có thể nói thêm đôi nét về nghệ thuật contemporary Việt?
Nghệ thuật đương đại đến với các nước ASEAN khoảng thập niên 1970-1980 và vào Việt Nam những năm 1990. Đầu năm 1990 khi dịch chữ installation thành “sắp đặt” và perfomance thành “trình diễn”, tôi đã tự hỏi bao giờ những loại hình này mới tới nước ta.
Gần như ngay lập tức có trình diễn của Trương Tân trong lớp học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội cùng các tranh chủ đề đồng tính, có các con búp bê – chất độc da cam ngồi trên hoa sen của Lê Quang Đỉnh (Sàn Art) bày ở chợ Bến Thành, các hoạt động của Trần Lương ở nhà sàn Đức, ở Viện Goethe, ở mỏ than Mạo Khê, các trình diễn giàu tính sân khấu đông đúc của Đào Anh Khánh, các sắp đặt đầy tính dân gian của Bảo Toàn, Đặng Thị Khuê… và sau đó là trình diễn, sắp đặt, video art… của hàng loạt nghệ sĩ trẻ hơn, từ Nguyễn Minh Thành tới Ly Hoàng Ly, Nguyễn Minh Phương, Bùi Công Khánh, Đinh Công Đạt và anh em Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải (Huế), Minh Phước, Văn Thạo tới Huy An, Nguyễn Văn Hè…
Năm 2011 có các sự kiện “nhìn lại” nghệ thuật đương đại châu Á và ASEAN tại Singapore và Hàn Quốc với sự hiện diện ấn tượng của các nghệ sĩ thị giác nước ta, tác phẩm Người cơm của Trần Lương được dùng làm poster và in bìa, như là biểu tượng của 20 năm phát triển nghệ thuật đương đại khu vực Đông Nam Á. Tác phẩm của Lê Quang Đỉnh được bảo tàng MoMA danh tiếng mua và anh nhận một giải thưởng của Hà Lan cho đóng góp nghệ thuật cộng đồng.
Chỉ 20 năm tôi đã có thể đưa ra gợi ý các nhà phê bình nghiên cứu viết một cuốn lịch sử 20 năm nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nếu có một bộ phận văn hóa nghệ thuật nào phát triển lạ lùng, nhanh mạnh gây ảnh hưởng nhất ở ta hai thập niên qua theo tôi đó chính là nghệ thuật đương đại chứ không phải âm nhạc, điện ảnh, sân khấu hay thơ văn!
Bên cạnh viết và vẽ, ông còn giảng bài tại Đại học Nghệ thuật Huế; đâu là những nội dung được ông truyền đạt cho sinh viên và so với thời gian dạy ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có gì khác biệt?
Trước đây ở trường Hà Nội tôi dạy nhiều môn: Nghệ thuật học, Tập viết, Lịch sử mỹ thuật Việt Nam, hướng dẫn luận văn… Ở Huế tôi chỉ làm một môn Mỹ thuật học nhờ Hiệu trưởng TS Phan Thanh Bình chấp nhận tôi dạy theo giáo trình của chính mình. Nhìn chung ở tất cả các trường mỹ thuật của ta đều cần tăng cường, nâng cấp, dành ưu thế, ưu tiên cho phần đào tạo trí thức – đào tạo sáng tạo, giảm bớt đọc – chép kiến thức và cầm tay – chỉ việc về kỹ năng. Đồng thời phải hợp tác quốc tế sâu và rộng nữa.
Xin cảm ơn ông.