Một nhà tâm lý có nói: ”Phụ nữ đến từ sao Kim, còn đàn ông đến từ sao Hỏa” để chứng minh rằng, không có một cặp vợ chồng nào có thể khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ cãi nhau hoặc giận dỗi nhau”. Chính sự khác biệt mang tính logic này đã tạo sự khác biệt trong lối suy nghĩ giữa đàn ông và phụ nữ. Đó cũng là cội nguồn của những mối bất hòa, xung đột được họ thể hiện bằng những cuộc khẩu chiến bất tận.
Thông thường là những cuộc cãi vã xoay quanh vấn đề tài chính, con cái, công việc, sinh hoạt trong gia đình… nhưng chúng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Sau đó, cả hai lại cảm thấy căng thẳng, thậm chí bị xúc phạm trước thái độ, lời lẽ của đối phương ngay trong cuộc cãi vã và quên bẵng ngay những vấn đề bị cho là vặt vãnh như trên.
Nói chung, các cặp vợ chồng càng cãi nhau thì họ càng trở nên tức tối hơn, dẫn đến khẩu chiến dữ dội vì chính nó chứ chẳng phải vì những vấn đề tưởng như là nguyên nhân. Trường hợp này, cách nói chuyện giữa hai người đáng bị kết án nhiều nhất. Vì không có bất đồng nào là không thể giàn xếp ổn thỏa được, chỉ cần cả hai biết tìm ra cách diễn đạt hợp lý và biết đặt mình vào vị trí của đối phương.
Muốn trách móc hoặc chỉ trích nhau, tại sao không áp dụng theo kiểu: tất cả mọi bực tức cũng xuất phát từ sự quan tâm muốn dành cho người kia mà thôi? Tránh để cho người chồng hoặc vợ có suy nghĩ bạn chỉ vì muốn ưu tiên cho quyền lợi của bản thân hoặc xem cái “tôi” lớn hơn người kia hoặc hơn cả gia đình. Cách nói đúng sẽ làm giảm bớt hoặc tăng cao những mâu thuẫn giữa hai người.
Chẳng hạn, khi người chồng đi làm về trễ, người vợ thường có thói quen hỏi: ”Tại sao giờ này anh mới về? Thường được người người chồng hiểu theo nghĩa “Anh chẳng có trách nhiệm gì trong cái gia đình này. Cùng đi làm việc như nhau nhưng bao giờ tôi cũng về đúng giờ, còn anh…” hoặc “Làm như chỉ có công việc của anh là quan trọng, còn của người khác là đồ bỏ hay sao ấy!”.
Đồng thời, khi người chồng trả lời: ”Xe cộ giờ này thường kẹt ghê lắm!” hoặc có thể gay gắt hơn: ”Lúc này công việc bề bộn lắm, anh không thể về sớm được!” thì ngay lập tức người vợ có thể hiểu rằng: ”Tại sao cô luôn cáu kỉnh như thế? Đi làm chứ có phải đi chơi đâu mà ngày nào cũng phải về đúng giờ giấc”. Thay vì phải “vòng vo tam quốc” như thế, bạn hãy đi thẳng vào vấn đề để tìm cách giải tỏa tâm lý cho chính bản thân:” Đã quá giờ mà chưa thấy anh về, trong nhà ai cũng lo lắng. Cả nhà phải chờ đợi anh, lỡ hết cả kế hoạch của một buổi tối vui vẻ.
Các con cứ hỏi anh mãi, em không biết trả lời với chúng ra sao. Đáng lẽ anh phải gọi điện báo cho em biết hôm nay về muộn chứ”. Cách nói nghe dễ “lọt tai” này sẽ được người chồng hiểu rằng: ”Bà xã lo lắng cũng phải thôi, cũng chỉ vì lo cho mình phải bỏ lỡ dịp vui cuối tuần. Không có mặt mình thì làm sao mà vui được. Mình là quan trọng nhất mà”.
- Xem thêm: Tìm lại sự cảm thông sau tổn thương
Nói tóm lại, để giảm thiểu tối đa bùng nổ khẩu chiến, các nhà tâm lý thường khuyên chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như sau: Đối với đàn ông, họ rất dễ nổi nóng khi phải trực diện với sự giận dỗi của người vợ, cho dù nguyên nhân phần lỗi thuộc về họ.
Do vậy, trường hợp này người vợ cần tránh nói những câu đại loại như: ”Chẳng hiểu đầu óc để đâu mà tôi lại chọn anh làm chồng nhỉ?” hoặc “Tại sao tôi lại lấy anh?”, vì nó sẽ mở đầu cho những sự việc khác tệ hại hơn, chẳng hạn như những chuyện ở tận quá khứ lại có dịp kéo về, càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai người. Ngoài ra, đàn ông thường ít khi thốt lên lời xin lỗi vì không bao giờ họ cho mình là sai. Do vậy, người vợ cần đi thẳng vào vấn đề câu chuyện bằng cách bày tỏ sự quan tâm, lo lắng cho người chồng thay vì cứ tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân.