Nguyễn Ngọc Tư từ lâu đã thành danh trên văn đàn với những “đặc sản” truyện ngắn mang đậm phong vị miền Tây Nam bộ. Chị cũng là nhà văn nổi tiếng kiệm lời và kín đáo, đối lập với văn chương hiện diện mạnh mẽ trên văn đàn suốt mấy thập niên qua và tên tuổi đã vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam. Năm 2012, Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tiểu thuyết đầu tay Sông, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Sau gần một thập niên, chị trở lại với tiểu thuyết mang một tên gọi gợi mở: Biên sử nước.
Ngại truyền thông và ít khi bày tỏ quan điểm, lần xuất hiện gần đây nhất của Nguyễn Ngọc Tư nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Biên sử nước (tháng 11.2020) cũng chỉ dừng lại ở ký tặng sách chứ không giao lưu. Cuộc trò chuyện riêng với Người Đô Thị dưới đây, có lẽ là một trong những lần hiếm hoi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói nhiều về mình.
___Độc giả yêu thích văn chương đã quen với Nguyễn Ngọc Tư ở địa hạt truyện ngắn và tản văn. Tám năm trôi qua, kể từ khi tiểu thuyết đầu tiên của chị (Sông) được xuất bản. Chị có thể cho độc giả biết tại sao có khoảng nghỉ dài như vậy ở địa hạt tiểu thuyết?
Tôi còn không biết là đã tám năm (cười). Khoảng thời gian nghe thì dài, có thể gây giật mình, nhưng lúc nào tôi cũng có việc phải làm, bận tay chân hoặc bận lòng, nên không hay ngẩng lên đếm thời gian.
Tôi không hay ngoái lại, kiểm đếm, bởi nghĩ chuyện mình làm chi sắp tới quan trọng hơn mình đã làm được gì đã qua. Tại sao là tiểu thuyết thì do ý tưởng quyết định thể loại. Sẽ có một vài dự định cùng lúc, nhưng tôi ưu tiên cho thứ chín muồi nhất.
___Tiểu thuyết này được chị hoàn thành trong thời gian bao lâu?
Khó nói một cách chính xác, tôi viết ngắt quãng giữa mấy tản văn, hay truyện ngắn, giữa những việc nhà vây bủa. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu mình có cả quãng thời gian đủ dài, không bị việc không tên cắt vụn để viết thì tôi có chọn kết cấu này không, thứ kết cấu dù bị đứt quãng do phải bỏ đi làm việc khác, lúc quay lại cũng không bị ảnh hưởng nhiều đến cái gọi là “mạch”.
___Từ Sông đến Biên sử nước, dường như có một điều có thể tạm gọi là “ám ảnh nước” trong các tiểu thuyết của chị?
Ờ tôi nghi vậy, truyện ngắn, tản văn, hay thơ cũng sông cũng nước. Chắc phải tìm cách trốn khỏi nó. Nhưng từ nghĩ tới làm và làm được, là một khoảng xa. Một đời thì đủ không, cái này tôi đang tính.
Không thể lột xác thành người viết khác với giọng điệu khác thì kiệm lời cũng là cách tôi nghĩ mình có chút thay đổi. Tôi sợ mình chán chính mình, đến không thể cứu vãn.
___Biên sử nước có dung lượng ngắn hơn Sông nhiều, các truyện ngắn của chị gần đây cũng ít thấy truyện nào có dung lượng như Cánh đồng bất tận hay Gió lẻ ngày trước. Phải chăng chị đang hướng tới sự tinh gọn trong văn chương?
Tôi cạn chữ rồi chăng? (cười). Không thể lột xác thành người viết khác với giọng điệu khác thì kiệm lời cũng là cách tôi nghĩ mình có chút thay đổi. Tôi sợ mình chán chính mình, đến không thể cứu vãn. Tôi muốn mình lạnh hơn, tôi muốn mình bớt du dương đi, tôi muốn mình gọn lại. Muốn quá dễ, làm mới khó. Như bạn thấy, tôi chưa làm được là mấy.
___Nhân nhắc về sự tinh gọn. Trong tiểu thuyết lần này, chương “tiên về trời khác”, các nhân vật ăn chữ thừa trong sách, có nhắc đến tiểu thuyết Ông thị trưởng ở Furnes của Georges Simenon với sự khâm phục…
À, chỗ đó là nhân vật khâm phục về Simenon, đâu phải tôi (cười). Nếu khâm phục về sự kiệm lời, như ai đó miêu tả là “thứ văn còm nhom, không tí mỡ”, thì không phải chỉ mình Georges Simenon. Chúng ta còn có Franz Kafka, Samuel Beckett.
___Simenon nổi tiếng viết nhanh và khỏe. Độc giả cũng quen với nhịp xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, trung bình mỗi năm một tác phẩm truyện ngắn hoặc tản văn. Chị có thể chia sẻ bí quyết giúp chị giữ được nhịp sáng tác đều đặn như vậy?
Tôi duy trì viết bởi một đòi hỏi không sang trọng cho lắm: kiếm tiền. Ngay cả khi tôi không muốn viết chi hết, như bạn biết, công việc này cũng nhọc mệt, thì tôi nghĩ tới những khoản tiền cần xài sắp tới. Cho một chuyến đi chơi, cho chiếc điện thoại – món quà dành cho con trai khi vào đại học, cho quần áo tết mấy nhỏ. Những lúc ấy, não buộc phải làm việc.
___Nhiều độc giả nhận định Nguyễn Ngọc Tư đang lặp lại chính mình, cũng có nhiều độc giả nhận xét Nguyễn Ngọc Tư quá “lạ” so với buổi ban đầu. Chị từng ví văn chương của mình như sầu riêng và cũng đã lâu rồi kể từ “tự bạch” đó. Với Biên sử nước, vẫn là hương sầu riêng hay đã sang một hương vị khác?
Chắc lúc đó tôi bối rối trước những phản ứng xuôi ngược ghét thương của độc giả nên mới đem sầu riêng ra đỡ. Bởi hương vị nhiệt đới đặc biệt (hoặc kỳ cục, đối với một số người), bởi sự đậm đặc tính vùng miền, bởi thứ tình cảm yêu/ghét cực đoan của đám đông trước nó. Giờ tôi là tôi. Nếu còn liên tưởng mình với trái sầu riêng, là bởi bộ vỏ đầy gai nhọn của nó.
___Chị có thể chia sẻ một chút về những dự án văn chương của chị trong thời điểm hiện tại. Chị có dự định cho một tiểu thuyết khác hay lần xuất hiện tới sẽ là một tập truyện ngắn hoặc tản văn?
À, biết đâu sau câu trả lời này, một thứ khác xuất hiện, thôi thúc hơn và chín nhanh hơn. Khó mà biết chắc lắm, nhất là trong thời bất định này. Tôi và bạn bè đã bỏ lỡ nhiều cuộc hẹn, bởi những lý do mà chúng tôi không ngờ tới. Vậy nên tôi không dám hẹn gì, với cái ngày mai mà tôi còn chưa biết dạng hình nó ra sao.
___Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện!
Biên sử nước (Phanbook và NXB Phụ Nữ phát hành tháng 10.2020) chỉ hơn trăm trang nhưng phản chiếu biết bao nhiêu mảnh đời sống của con người miền Tây sông nước.
Sẽ có nhận xét Nguyễn Ngọc Tư lặp lại chính mình nhưng nếu quan sát chặng đường dài nhà văn đã đi kể từ Cánh đồng bất tận, sẽ thấy một hành trình đi từ một nhà văn mang đậm phong thổ đồng bằng với con người đặc sệt miền Tây dần đến những nhân vật phổ quát hơn.
Mở đầu Biên sử nước là hình ảnh người đàn bà bồng con đi tìm trái tim Đức Ngài để chữa bách bệnh, và kết thúc cũng bằng hình ảnh người đàn bà bồng con đi tìm trái tim Đức Ngài, như một vòng tròn khép kín của những phận người, phận đời, quanh quẩn ở một vùng đất đang bị đe doạ nhấn chìm dưới nước.
Vẫn là Nguyễn Ngọc Tư của một cõi miền Tây quen thuộc, nhưng miền Tây đó đã đổi thay và văn chương của Nguyễn Ngọc Tư cũng thay đổi. Điều đó thể hiện qua Biên sử nước, cuốn tiểu thuyết ngay từ lúc phát hành đã đứng giữa những dư luận trái chiều: quen thuộc và lạ lẫm, yêu thích và thất vọng, chấp nhận và khước từ.
– Ảnh Trung Dũng