Laura Doyle, một nhà nghiên cứu nữ quyền đồng thời cũng là một nhà tâm lý học, sống tại Nam California (Mỹ), đã tung ra một quyển sách độc đáo bàn về cách bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng, mà không ít người cho rằng đó là một khúc quanh mới trong nhận thức về mối quan hệ vợ chồng.
Tác phẩm The Surrendered Wife (Người vợ quy hàng) của bà lập tức trở thành best-seller với số lượng 100.000 quyển bán ra ngay trong tháng đầu tiên.
Những ý tưởng quá ngược dòng và mới lạ của tác giả đã làm nhiều người sửng sốt. Báo chí và các đài truyền hình lớn ở Mỹ hết lời ca tụng tác phẩm của Laura Doyle, nhưng cũng có rất nhiều người, phần lớn là giới nữ quyền, đả kích và chống đối kịch liệt.
Lội ngược dòng
Laura Doyle đề cao sự quay trở về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi: chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành.
Từ vai trò một người phụ nữ cấp tiến, nắm quyền chỉ huy, khống chế, sai khiến chồng thẳng tay, Laura Doyle đã “ăn năn hối cải” – như chính bà tự nhìn nhận.
Tác giả đã hồi tâm và ngộ ra là mình cần phải thay đổi cách cư xử với chồng mới khỏi đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bà thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà không ngớt ra lệnh, chỉ trích, gắt gỏng, ăn nói xỏ xiên, xem ông xã như một đứa trẻ con, bươi móc chuyện nhỏ nhặt, chê bai chồng về mọi sự sơ suất nếu ông làm không đúng như ý bà muốn.
Nhưng than ôi, càng ngày ông xã càng có khuynh hướng tách rời bà. Vợ chồng mất dần đi sự đồng cảm của buổi ban đầu. Tình yêu phai nhạt. Cay đắng chán chường chồng chất thêm lên mãi từ cả hai phía. Viễn ảnh ly dị đang ngấp nghé ngoài cửa.
Từ kinh nghiệm của người khác
Để cứu vãn hạnh phúc đang quá mong manh, bà cố gắng tìm hiểu, học hỏi từ những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc, rút tỉa những kinh nghiệm quý báu của họ và đem áp dụng cho trường hợp của mình.
Lạ thay, sau một thời gian, ông xã ngày càng trở nên vui vẻ, tự tin hơn và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình. Phần bà cũng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa nhiều.
Tình yêu vợ chồng đã được hàn gắn trở lại nhờ bà biết thay đổi tư duy, thái độ và cách ứng xử với chồng.
Bà đã ngộ ra chân lý: phải thay đổi chính bản thân mình chứ không phải mong đợi sự thay đổi ở người khác.
Bà đã trở nên một người vợ quy hàng, phục tùng chồng và quyết định chia sẻ các kinh nghiệm của mình với chị em phụ nữ qua tác phẩm The Surrendered Wife.
Vậy câu hỏi đặt ra là: bảo vệ hạnh phúc bằng cách nào?
Trong cuốn sách bà cho biết mình không còn tìm cách kiểm soát, lấn áp, cằn nhằn, chỉ trích cũng như hạ thấp giá trị chồng mà vui vẻ nghe theo lời chồng trong mọi việc với thái độ tôn trọng. Cụ thể là không xem ông như một đứa trẻ cần được kiểm soát chặt chẽ và không bao giờ ngắt lời hay gắt gỏng. Bà để cho chồng được tự do lựa chọn quần áo nào ông thích mặc, không ép buộc chồng phải ăn món này, uống món nọ như ý mình muốn.
Không đóng vai trò “tài xế phụ” để chỉ dẫn, chê bai, phê phán trong lúc ông đang lái xe vì điều đó thường khiến chồng khó chịu, mất bình tĩnh rất dễ gây tai nạn.
Ngoài ra, học cách đặt lòng tin nơi chồng, từ chuyện gối chăn đến việc quản lý tài chính gia đình.
Chấn động trong xã hội Mỹ
Tác phẩm The Surrendered Wife đã tạo một chấn động mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.
Sau thành công ngoài sức tưởng tượng của The Surrendered Wife, tác giả đã đi khắp nước Mỹ để quảng bá những ý kiến mới, tổ chức những nhóm học tập, những buổi hội thảo, tập hợp những hội đoàn các “người vợ quy hàng” để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình. Phong trào Surrendered Wife lan rộng sang các quốc gia khác như Canada, Anh, Úc, Na Uy, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản…
Nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh những việc như:
– Khuyến khích các bà vợ ngưng tranh cãi, gây sự, cằn nhằn về chuyện tiền nong.
– Dành nhiều thời gian để vui sống, đừng ôm đồm quá nhiều trách nhiệm.
– Luôn nhẹ nhàng bày tỏ những điều mình mong muốn để cho chồng hiểu rõ.
– Vẫn tiếp tục có những buổi hẹn đi chơi riêng tình tứ với ông xã cho đến cuối đời.
– Chia sẻ với chồng nhiệm vụ làm cha mẹ trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái.
– Tận hưởng niềm vui chăn gối bất cứ lúc nào hai người cảm thấy cần nhau.
– Tái lập và vun bồi không khí êm đềm trong mái ấm gia đình.
Thế nhưng The Surrendered Wife cũng gặp nhiều sóng gió. Tác giả phải đối đầu với sự chống đối hết sức dữ dội từ phía các bà, nhất là các nhóm nữ quyền mà trớ trêu thay bà là một thành viên tích cực.
Đường lối cách mạng của Laura Doyle đã đi ngược lại hoàn toàn với những gì Hội nữ quyền đã đề ra từ trước tới nay. Có người còn xem Laura Doyle như là một người vô cùng “phản động”, thậm chí lên án cuốn sách là “một điều sỉ nhục với phụ nữ và đáng tiếc là nó đến từ một người đàn bà”.
Nhưng Laura Doyle lại rất tự tin cho biết: “Quy hàng chỉ có nghĩa là thẳng thắn nhìn nhận người mà mình có thể thay đổi được là chính bản thân. Đây không phải là việc để chồng kiểm soát mình, mà thật ra là chính người vợ phải ngưng ngay việc kiểm soát chồng”.
Bà nói thêm: “Khi mới lập gia đình, tôi có thói quen thường xuyên kiểm soát chồng một cách gắt gao. Hậu quả là từ một cặp vợ chồng trẻ tràn đầy hạnh phúc, bốn năm sau đó chúng tôi đứng trên bờ vực của viễn ảnh ly dị. Nhưng tôi quyết tâm làm mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Thế là tôi đọc sách, nói chuyện với các người vợ đang thật sự hưởng hạnh phúc gia đình. Tôi cũng đã phải theo những khóa tâm lý trị liệu.
Kết quả là tôi đã cứu vãn được hạnh phúc và đem trường hợp cụ thể của mình để viết thành sách hầu chia sẻ với các bạn gái. Trong phần đầu của quyển sách, tôi có đề cập đến ba hạng đàn ông mà người vợ không nên quy hàng, đó là những người chồng vũ phu, người nghiện ngập – rượu chè – cờ bạc và những người không chung thủy”.
- Nguyễn Thượng Chánh