Để hoàn thành quyển sách Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals (tạm dịch: Những thói quen hằng ngày tạo nên sự giàu có), Thomas Corley đã phải mất năm năm cho việc phỏng vấn, phân tích, đánh giá 233 người giàu (thu nhập hơn 160.000 USD/năm – khoảng 3,6 tỉ đồng – hoặc có tổng tài sản trên 3,2 triệu USD) cùng với 128 người nghèo (thu nhập dưới 35.000 USD/năm – gần 800 triệu đồng – hoặc có tổng tài sản dưới 5.000 USD).
Và trong bài viết mới đây của Thomas Corley trên tờ Business Insider, ông đã liệt kê những điểm khác nhau lớn nhất giữa hai nhóm trên, mà theo ông, là nguyên nhân chính khiến hai nhóm người, dù có thể có xuất phát điểm tương đồng, nhưng lại đi theo hai hướng trái ngược.
Bạn có yêu quý công việc của mình không?
Đa số người giàu trả lời có (85%), trong khi con số này ở nhóm nghèo là 2%.
Theo Thomas Corley, sở dĩ có sự khác biệt lớn như vậy giữa hai nhóm, đó là bởi nhóm giàu luôn hiểu mình rất rõ, còn nhóm nghèo lại không có được điều này.
“Hầu hết người giàu trong nghiên cứu của tôi thích công việc họ đang làm. Bởi với họ, đó không phải là một tai nạn, sự may mắn hay tình cờ nào cả. Họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, gồm thời gian, công sức, tiền bạc… để có thể tìm ra đam mê, tìm ra những điều họ muốn thực hiện và quyết tâm theo đuổi chúng đến cùng. Cũng vì thế, với công việc, nhóm người giàu luôn thể hiện sự sáng tạo đáng kinh ngạc cùng sự nỗ lực bền bỉ vượt hẳn người thường”.
Bạn có yêu quý việc đọc?
Nhóm giàu có yêu thích việc đọc sách (86%) nhưng không phải là cách đọc cho vui, đọc giải trí giết thời gian. Họ đọc nghiêm túc, đọc để học và có thời gian biểu rõ ràng cho việc đọc. Trong khi chỉ 26% nhóm nghèo làm được việc này.
“Người giàu là những độc giả tham lam. Với họ, đọc là để phát triển và cải thiện bản thân, chứ không phải là để giải trí hay giết thời gian. Cũng chính vì lý do này, người giàu không phân biệt sách giấy, sách điện tử, hay sách nói. Cụ thể, khi tôi hỏi cả hai nhóm người có thường xuyên nghe sách nói khi rảnh trong giờ làm việc hay không, 63% người giàu (trong số 233 người khảo sát) trả lời là có, trong khi chỉ 5% người nghèo (trong số 128 người khảo sát) xác nhận việc này”.
Bạn có biết hôm nay mình sẽ làm gì hay không?
Sự khác biệt tiếp theo giữa hai nhóm là ở cách họ lập kế hoạch và tin vào nó. Cụ thể, 81% người giàu luôn duy trì danh sách những việc cần hoàn thành, cần thực hiện trong ngày, trong khi con số này ở nhóm nghèo chỉ là 19%.
“Người giàu luôn có kế hoạch cho mọi thứ. Họ ít khi bị rơi vào tình trạng phải tự hỏi không biết hôm nay mình sẽ làm gì. Ngoài ra, người giàu cũng rất chú trọng đến việc tập trung hoàn thành mục tiêu của mình. Có 62% người giàu xem lại mục tiêu mà họ đã đặt ra mỗi ngày (con số này ở nhóm nghèo là 2%) và 67% người giàu thậm chí còn viết ra giấy mục tiêu của mình”.
Bạn có tin vào số phận hay không?
Khi Thomas Corley đặt ra câu hỏi này cho cả hai nhóm, có 90% người nghèo nói có, trong khi con số này ở nhóm giàu chỉ là 10%.
“Người nghèo có khá nhiều cách để lý giải cho sự thất bại của mình. Họ có thể dễ dàng tin vào may mắn, vào di truyền, vào số phận…, trong khi hầu hết người giàu chỉ tin vào chính họ. Người giàu luôn có thái độ khá cực đoan, rằng họ chính là trung tâm, là lý do của mọi thành quả họ nhận được. Điều này giải thích vì sao người giàu ít tin vào những thứ như xổ số. Cụ thể, trong khi 77% người nghèo thường xuyên mua xổ số và hy vọng vào việc đổi đời sau một đêm, thì tỷ lệ này ở người giàu chỉ là 6%”.
Bạn có tin vào giá trị của những mối quan hệ?
Giá trị các mối quan hệ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của cá nhân. Đây là kết luận nhận được sự đồng tình của 88% người giàu. Trong khi chỉ 17% người nghèo đồng tình với ý kiến trên.
Thomas Corley cũng nhận định, người giàu thường chi khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức… để giữ cho các mối quan hệ của họ không rơi vào quên lãng.
“Người giàu thường gọi điện, gửi thiệp để chúc mừng nhau nhân dịp sinh nhật, lễ tết, hoặc mời nhau đến các sự kiện, buổi tiệc, giới thiệu nhau với những người thú vị, những người thành công, hoặc đơn giản gọi điện chỉ để chào hỏi, hỏi thăm sức khỏe và tình hình công việc của nhau. Đối với người giàu, các mối quan hệ giúp họ nâng cao năng lực bản thân và mở rộng các cơ hội tạo ra tiền bạc. Vì thế, người giàu rất thích gặp gỡ và kết bạn với những người mới (68% người giàu thích gặp gỡ người mới, trong khi chỉ 11% người nghèo thích điều này)”.
Ngoài ra, Thomas Corley cũng ghi nhận một điều khá thú vị, đó là 95% người giàu tin rằng, trở nên được yêu thích là một phần tối quan trọng giúp họ xây dựng được các mối quan hệ, trong khi con số này ở nhóm người nghèo chỉ là 9%.
- Tuấn Thành