Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) công bố đầu tuần qua, hiện có ít nhất 370 triệu người châu Phi, chiếm khoảng 34% trong 1,1 tỉ dân số châu lục được xếp vào nhóm khá giả và tầng lớp mới nổi này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều hơn trong khu vực. Dự báo đến năm 2060, số người thuộc nhóm trung lưu sẽ đại diện cho 42% dân số của toàn Lục địa đen. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế châu Phi, được thúc đẩy chủ yếu bởi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng thiên nhiên và cơ sở hạ tầng, sẽ đạt mức 5,1% trong năm nay sau khi đạt mức 4,7% vào năm ngoái và tiếp tục tăng lên 5,8% vào năm 2015. Bản báo cáo được cộng tác với Đại học Oxford của Anh phát hành tại Johannesburg định nghĩa tầng lớp trung lưu tại châu Phi gồm những hộ gia đình có sức mua vào khoảng từ 2,2 USD đến 20 USD mỗi ngày và đặc biệt nhóm người khá giả tỏ ra vượt trội tại những quốc gia có nền kinh tế tư hữu hóa phát triển. Nhóm nước Bắc Phi dẫn đầu với ít nhất 77% dân số được xếp vào hạng khá giả, tiếp theo là khu vực Trung Phi với 36% trong khi khu vực Nam Phi mặc dù có quốc gia giàu nhất châu lục là Nam Phi chỉ xếp thứ ba với 34% dân số trung lưu. Đông Phi xếp chót với chỉ 25% người dân thuộc nhóm khá giả.
Mức độ tiêu thụ và sở hữu vật dụng như tivi, tủ lạnh, xe hơi và chất lượng nhà ở là những “thước đo” được sử dụng để đánh giả mức độ khá giả của người dân tại châu lục nghèo nhất thế giới này. Một số chỉ số đo lường khác gồm mức độ tiếp cận với nguồn điện, nguồn nước sạch và loại hình toilet sử dụng. Dựa trên công tác khảo sát được thực hiện tại 37 quốc gia châu Phi, cuộc nghiên cứu tiến hành trên 800 ngàn hộ gia đình cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể trong hơn mười năm trở lại đây, đặc biệt với sức mua, phát triển kinh tế và giảm thiểu nghèo đói. Chẳng hạn, số hộ gia đình sở hữu xe hơi hoặc xe gắn máy tại Ghana đã tăng 81%, tầng lớp trung lưu tại Sierra Leone đạt trình độ học vấn khá cao còn người dân khá giả tại Nigeria bắt đầu quan tâm đến hoạt động ngân hàng và viễn thông. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được AfDB quan tâm hàng đầu chính là “triệu chứng trung lưu” cho thấy người khá giả vẫn trông chờ quá nhiều vào đồng lương mỗi đầu tháng và trở nên túng thiếu vào cuối tháng vì họ thật sự chưa quen với nền văn hóa tiết kiệm. Vẫn còn quá sớm để người dân khá giả tại châu Phi làm quen với kỷ luật tài chính và học hỏi thêm về cách thức thiết lập ngân sách sinh hoạt.
B. Trịnh theo AFP