Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy sen thì nhớ đồng quê Tháp Mười (Ca dao)
Theo tập quán cư trú tự bao đời nay của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, dừa thường được trồng vài ba cây trước sân và trồng nhiều hơn sau vườn nhà, cạnh mé ao, đìa… Gần như tất cả các phần của cây dừa đều được tận dụng để phục vụ cho đời sống con người. Khi trong vườn dừa có cây bị con đuông tấn công, hoặc những cây èo uột, ít trái người ta buộc phải đốn bỏ. Lúc đó, người ta lại được dịp “xây” cổ hũ (hoặc củ hũ) dừa để chế biến nhiều món ăn ngon.
“Xây” củ hũ tức là dùng dao bén chặt, cắt lấy phần non từ sát phần thân đến đọt dừa. Sau khi lột sạch phần lớp áo già bên ngoài, củ hũ dừa lộ ra, đám con nít bẻ thành từng miếng ăn sống ngon lành. Còn người lớn có được miếng củ hũ dừa tươi làm mồi lai rai thì không gì bằng. Nhưng ngon hơn là chế biến củ hũ dừa thành nhiều món ăn. Dễ nhất là xắt sợi nhuyễn xào với tép bạc hoặc lòng gà, vịt, heo làm sạch. Bắc chảo nóng, phi mỡ tỏi thơm rồi trút tép hay lòng vô xào trước. Thịt săn, nêm nếm vừa ăn mới cho củ hũ dừa vào đảo đều, nhắc xuống. Xúc ra dĩa, rắc ít tiêu xay và rau thơm xắt nhuyễn, ăn cùng chén nước mắm chanh ớt hoặc nước tương ngon kèm trái ớt hiểm. Món ăn vừa ngọt vừa thơm, cơm ăn hết nồi cũng chưa muốn thôi.
Củ hũ dừa xắt sợi còn được dùng làm nhân bánh xèo (thay vì dùng củ sắn hay bông điên điển, đọt năng) cùng với thịt vịt, gà hoặc tôm, tép… Bánh xèo nhân củ hũ dừa có hương vị rất riêng biệt. Với những người thích vị vừa chua vừa ngọt thì đã có món củ hũ dừa bóp gỏi. Xắt củ hũ dừa thành miếng vuông vừa ăn rồi trộn gỏi với nước cốt chanh pha chút nước mắm ngon, đường cát. Có thể thêm ít lát thịt ba rọi luộc chín, tép luộc lột vỏ, rau răm, ngò gai xắt nhuyễn. Gỏi củ hũ dừa thường ăn kèm với bánh phồng tôm nướng giòn và nước mắm dầm ớt hiểm. Cũng có thể dùng củ hũ dừa nấu canh với tép, sườn heo hoặc chả cá viên. Món nào cũng hấp dẫn khẩu vị, ngon lành.
Minh Thương (DNSGCT)