Riêng một miền thượng nước Pháp (Hauts de France) đã có 49 ngàn người tàn tật. Tỷ lệ người tàn tật không có công ăn việc làm luôn gấp đôi mức thất nghiệp trung bình.
Vậy nên, Hiệp hội người bại liệt Pháp (APF) đã phối hợp với Viện giáo dục kỹ năng động cơ IEM mở trường dạy nghề ở Liévin, thu hút cả trăm thanh niên khuyết tật. Ba học viên theo lớp khảo nghiệm điều khiển máy bay không người lái, công việc đang ngày càng giúp ích cho các công ty, công trường xây dựng, đồng ruộng canh tác… và cả công tác an ninh.
Tình cờ xem băng ghi hình máy bay không người lái tác nghiệp trên mái nhà, Giám đốc Mack Witczak nảy ý nghĩ triển khai một ngành nghề mới nhiều khả năng khai thác. Sáng kiến của Mack Witszak được trao giải thưởng Atout Soleil, lễ trao giải vào ngày 5-12 tới, đồng thời công bố quyết định đầu tư trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để biến một lớp dạy nghề khảo nghiệm thành một trường đào tạo chính thức, quy mô, hiện đại.
Benjamin, 17 tuổi, một học viên lớp học nghề khảo nghiệm, hoan hỉ: “Đừng nghĩ rằng ngồi trên xe lăn thì không thể theo đuổi công việc này!”. Trong quá trình đào tạo, Benjamin phải học và thi lý thuyết, phải thực hành điểu khiển từ xa thiết bị bay đủ số giờ quy định, học phân tích dữ liệu hình ảnh thiết bị bay tự động thu thập được…
Để trở thành người điều khiển máy bay không người lái phải có chứng nhận lý thuyết qua kỳ thi của Ủy ban An ninh hàng không dân sự, bằng kỹ năng do cơ sở đào tạo xác nhận theo ba kịch bản: K1 – Bay trên vùng nông thôn, không dân cư, trần bay 150, tầm xa điều khiển 100m; K2 – Bay trực tiếp tầm nhìn cá nhân, trần bay 50m, tầm xa điều khiển 1.000m, với yêu cầu bắt buộc điều khiển kép; K3 – Bay trên khu vực thành thị, trọng lượng thiết bị bay không quá 4kg, trần bay 150m, tầm xa điều khiển 100m.
- Lê Lành theo Le monde, HuffPost