Sân khấu Hồng Hạc vừa công diễn vở kịch Ngộ nhận, được đạo diễn Tây Phong dựng từ kịch bản Malentendu cùng tên của văn hào Albert Camus. Đây là vở kịch tốt nghiệp lớp đạo diễn của Phong ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và khi xem nghệ sĩ Việt Linh đã tìm thấy sự chia sẻ về cảm hứng cũng như cách dàn dựng nên đã mời về diễn ở sân khấu Hồng Hạc.
Với một kịch bản ẩn chứa nhiều triết lý và cần nhiều lý giải như Ngộ nhận thì Tây Phong đã chọn góc độ nhấn mạnh về cảm xúc của con người trong bản dựng của mình. Sự ngộ nhận tạo nên những “mớ bòng bong” trong cuộc sống nhưng sự ngộ nhận cũng làm nên những điều phải xảy ra và những cảm xúc thú vị của cuộc sống. Jan – anh con trai sau 20 năm lưu lạc muốn tìm lại gia đình, vì kiêu hãnh hay vì điều gì chẳng rõ, đã không cho bà mẹ biết mình chính là con trai của bà và ôm chầm lấy mẹ như lẽ thông thường. Anh ta hy vọng một cuộc đoàn viên và lại chết dưới bàn tay em gái mình. Đứa em gái Martha nghĩ rằng mình tiêu diệt ông anh nhiều tiền thì sẽ được đi đây đó và sẽ hạnh phúc trọn vẹn với mẹ nhưng làm xong điều mình nghĩ thì cô lại nhận lấy bất hạnh. Còn cô vợ của Jan – Maria – thì không biết rằng sau năm năm cưới nhau thì chồng có thật sự yêu mình hay không. Ông giáo sư, cũng chính là người đầy tớ, đã chế tạo ra những con robot mang trái tim con người. Khi những con robot có quan hệ gia đình: mẹ – con, anh – em, chồng – vợ và mang cảm xúc con người thì chính những cảm xúc đó đã dẫn các con robot đi xa khỏi sự kiểm soát của người đã tạo ra chúng. Đạo diễn đã đem không gian kịch trong văn bản là bối cảnh phòng thí nghiệm ra ngoài quán trọ như muốn nói rằng, chính ở đây những “giao dịch cảm xúc” dễ hình thành. Hình ảnh kết thúc của vở kịch khá thú vị, ông giáo sư ngồi một mình trên cao nhìn xuống, như đấng thượng đế nhìn thấy và có thể hiểu hết mọi sự nhưng không nhúng tay vào chuyện con người, mà thật ra thì cũng không thể dàn xếp được chuyện con người, một khi họ hành xử theo logic của trái tim mỗi người chứ không phải bằng logic của bộ não. Dĩ nhiên, dù Tây Phong muốn nhấn mạnh góc độ nào thì đó vẫn là một Ngộ nhận mang tinh thần của Albert Camus với rất nhiều ẩn ý và những điều phi lý mà khi xem mỗi người đều có thể lý giải theo cách của mình.
So với bản dựng hôm báo cáo tốt nghiệp thì bản dựng của Phong ở Hồng Hạc có một số thay đổi: ê-kíp múa được giảm một nửa cho phù hợp với diện tích sân khấu, tạo nhiều cao trào hơn, thay hai diễn viên đóng vai bà mẹ và Martha, thêm cảnh Martha đem ly nước, thực chất là thuốc độc, vào phòng Jan để khán giả thấy rõ hơn về sự dùng dằng của hai mẹ con Martha và nhất là sự day dứt của người mẹ. Có thể nói sự dùng dằng thường hay có trong mỗi người và chính nó làm nên tính người. Đây là một vở kịch khó cho những người làm nên nó. Các diễn viên trẻ đã rất khó khăn để diễn hình thể của những con robot nhưng biểu cảm gương mặt là của con người, phải vận động và di chuyển liên tục trên sân khấu, riêng chuyện thuộc thoại cũng là một thách thức đối với diễn viên. Đạo diễn thì vận dụng hết sức lực của mình để kết hợp uyển chuyển giữa diễn xuất của diễn viên và các diễn viên múa, khán giả đã ồ, à với màn di chuyển của các nhóm múa đến bục gỗ để nhân vật bà mẹ ngã từ trên bục cao xuống đất. Đạo diễn đã xử lý rất khéo. Còn với Hồng Hạc, khi đầu tư cho vở kịch này thì đúng với con đường đã chọn nhưng vẫn là một thử thách trong việc tìm kiếm khán giả.
Khi Ngộ nhận được đem về Hồng Hạc, đạo diễn và các cộng sự của mình đã mất hai tháng trên sàn tập, tuy nhiên Tây Phong chia sẻ anh muốn điều chỉnh một vài thứ về âm thanh, ánh sáng, cách thoại của diễn viên… Nói thêm một chút về Tây Phong. Trước khi tốt nghiệp đạo diễn, anh đã tốt nghiệp cao học thanh nhạc. Ngoài ra, Phong đã dàn dựng vở nhạc kịch La Vie Parisienne (Đời sống Paris) được giới thiệu đến khán giả ở TP.HCM hồi giữa tháng 11 vừa qua.
- Lâm Hạnh
Xem thêm: