Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tuần qua đã công bố bản báo cáo năm 2015 với nhận định là ở những xã hội mà sự chênh lệch thu nhập lớn thì nền dân chủ có nguy cơ bị hạn chế, công nhân bị khai thác và bóc lột, mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo không phát huy hiệu quả. Báo cáo chỉ rõ số người thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 là 74 triệu người, chiếm 13% lực lượng lao động toàn thế giới (ở riêng độ tuổi này). Tuy nhiên, theo William Reese, Giám đốc điều hành của Tổ chức Thanh niên Quốc tế, con số thanh niên thất nghiệp trên thực tế còn cao hơn nhiều so với báo cáo của ILO, thậm chí gấp 6-7 lần. Reese cho rằng số liệu của ILO là kết quả của việc tiếp cận với những người đang tìm việc và không tính tới những người đang ở trong tình trạng chưa được sử dụng hết hay được trả lương rất thấp ở những nước nghèo.
Về nguyên nhân, ILO cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 vẫn còn những tác động kéo dài, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Trong những năm tới đây, sự chênh lệch giàu – nghèo, tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp sẽ khiến số người trẻ thất nghiệp tiếp tục tăng và giới nữ là thành phần chịu ảnh hưởng nặng hơn. Được biết mức tăng trưởng của kinh tế thế giới diễn ra rất chậm chạp, từ 2,2% năm 2012 tăng lên 2,3% năm 2013, 2,5% năm 2014 và vẫn còn dưới mức bình quân 4% của thời kỳ tiền khủng hoảng. Giáo dục học đường đã không theo kịp đà phát triển của kinh tế, không trang bị cho thanh niên học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội một khi họ vào đời. Châu Âu với nhiều nước công nghiệp hóa lại là khu vực đang bị nạn thất nghiệp hoành hành, với tỷ lệ người thất nghiệp lên đến con số 52% ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. ILO dự đoán trong giai đoạn 2014-2019, số người trẻ thất nghiệp sẽ tăng thêm 8% ở nhiều nơi thuộc châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi. Đến năm 2019, dự kiến tổng số người trẻ thất nghiệp sẽ ở mức 212 triệu người.
Tuy nhiên, theo Ekkehard Ernst, một chuyên viên thuộc ILO, số người thất nghiệp gia tăng không phải lúc nào, ở đâu cũng là dấu hiệu của một nền kinh tế nghèo nàn. Tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, nó là dấu hiệu của một nền kinh tế đang được hiện đại hóa, khi người công nhân từ bỏ những công việc ổn định với đồng lương thấp ở khu vực nông thôn để đi tìm những công việc được trả lương cao hơn ở khu vực đô thị. Hình thức thất nghiệp này sẽ dẫn đến sự tái quân bình nền kinh tế, là động lực giúp cho nền kinh tế được nâng cao. Tiến sĩ Marjorie Wood thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách cho rằng sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa các thành phần trong xã hội sẽ tác động lên mọi mặt của đời sống, từ chính trị đến xã hội. Cải tổ việc giáo dục học đường để đào tạo kỹ năng cho thanh niên và từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các thành phần trong xã hội sẽ là hai trong những giải pháp cần thiết để giảm thiểu nạn thất nghiệp trong giới trẻ.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)