Ngàn vạn lần không thể xem nhẹ dã tâm dục vọng của con người, một khi thấy lợi ích trước mắt hấp dẫn, lương tri dễ dàng sẽ bị vứt qua một bên.
Thiên địa tuần hoàn, hết ngày tới đêm, hết mưa tới nắng,… và con người nương theo đó để tìm ra quy luật sống, không ai có thể thay đổi được, dù không ít người rất muốn thay đổi theo ý chủ quan của mình. Khi ngồi trên ngôi cao, ai cũng muốn “vạn tuế”, “thiên tuế”; bần dân bách tính muôn đời thì muốn “phúc lộc thọ”, nhưng nào có được. Do vậy mà tín ngưỡng, tôn giáo ra đời và tồn tại.
Nhà Mạc với đạo Phật và đào tạo nhân tài
Nhân Đại lễ cúng giỗ lần thứ 479 năm Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) băng hà (22.8.1541 – 22.8 năm Canh Tý 2020), Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Hải Phòng, tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo thời nhà Mạc”, tại từ đường họ Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Một số tham luận cho biết tính từ khi Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng, lên ngôi (1527) đến khi Đông Kinh thất thủ, Mạc Mậu Hợp bị giết (1592), nhà Mạc tồn tại 65 năm. Chỉ chừng ấy năm, nhưng việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông cúng dường Tam bảo của nhà Mạc nhiều hơn nhà Hậu Lê không biết bao nhiêu lần. PGS-TS Đinh Khắc Thuân, đã dành nhiều năm nghiên cứu Văn bia thời Mạc, và đã dịch hơn 180 văn bia ở các đình, chùa thời nhà Mạc.
Qua các văn bia này, cho thấy một số không ít trong giới quý tộc hoàng gia triều Mạc đã đi theo đạo Phật, có những người sùng tín. Đa số những người này thuộc giới nữ, như các thái hậu, hoàng hậu, trưởng công chúa… Họ đã cống hiến ruộng đất, tiền bạc vào các chùa chiền làm của Tam bảo, nhưng cũng có nhiều nam giới như quân công, tướng lĩnh làm việc công đức này.
Nổi bật có Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản là vợ vua Mạc Phúc Hải, mẹ vua Mạc Phúc Nguyên và bà nội vua Mạc Mậu Hợp đã cúng 30 mẫu ruộng và 6.000 lá vàng cho nhiều chùa chiền, được suy tôn là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật bà sống trên trần gian”, được tạc tượng thờ. Bản thân một số vị vua Mạc, như Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp cũng cúng nhiều tiền bạc cho chùa… Nhưng qua những văn bia ấy, tôi thấy triều thần nhà Mạc xây chùa, tô tượng, đúc chuông, chủ yếu là cầu phúc theo quan niệm dân gian “có phúc có phần”, thậm chí có ảnh hưởng tinh thần Nho giáo chứ không phải Phật giáo chính truyền.
Đơn cử: Văn bia quán Viên Dương (1589) mở đầu, ghi: “Nghĩ rằng Phật ở cõi Tịnh độ là để ban phúc cho người” (Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, NXB KHXH, H, 1996, trang 313). Bia chùa Viên Quang ghi: “Giáo lý nhà Phật khiến người đời tính kính để được báo phúc” (sđd, trang 195)…
Chương mở đầu của Kinh Dịch có viết: “Gia đình nào hành thiện, ắt sẽ dư nhiều phúc báo, để lại cho con cháu”. Theo luật nhân quả của nhà Phật, ai làm nấy hưởng, ai làm nấy chịu. Đó chính là sự công bằng tuyệt đối, gọi là biệt nghiệp, tức là nghiệp riêng của từng người. Trồng ớt thì ăn quả cay; trồng cam được hưởng quả ngọt. Luật nhân quả không có người thi hành bắt bớ, phạt vạ hoặc giam cầm ai cả, nhưng rất công bằng, không thiên vị một ai, và không ai can thiệp được dù suốt ngày cầu cúng hết chùa nọ tới đền kia.
Những năm đầu, cụ thể, năm Nhâm Thìn (1532), nhà Mạc đã thực sự ổn định được tình hình và cuộc sống của người dân chắc chưa có lúc nào tốt hơn: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc của nhà mình.
Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (Đại Việt sử ký toàn thư, T. 3, NXB KHXH, H, 2004, trang 119); về văn học cũng khá nổi bật. Văn học nhà Mạc chia làm 3 thể loại chính: Hiến chương: tiêu biểu là Giáp Hải (tác phẩm Ứng đáp bang giao); Thơ ca: tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nhậm Đại, Nguyễn Giản Thanh, Phạm Thiện, Hoàng Sĩ Khải, Nguyễn Hàng.
Thể loại thơ vịnh thời Mạc khá phát triển với những chủ đề mới, thay cho thể loại ca tụng triều đình phổ biến dưới triều Lê Thánh Tông là mảng thơ phú điền viên, ẩn dật với thiên nhiên; Truyện ký: tiêu biểu là Dương Văn An (tác phẩm Ô châu cận lục) và Nguyễn Dữ (tác phẩm Truyền kỳ mạn lục).
Về việc tuyển chọn nhân tài, thì nhà Mạc đã tổ chức 19 khoa thi Hội, nhưng có đến 23 lần thi, vì có năm, ngoài kỳ thi Hội bình thường, còn có thêm kỳ thi “Đặc chế khoa chọn kẻ sĩ” (1565), “Thi Hội các nhân sĩ trong nước” (1583), “Thi Hội các cử nhân trong nước” (1589), “Thi Hội các cử nhân trong nước” (1592).
Thiên tử và thần
Theo một số tham luận tại hội thảo, thì bước vào cuối thập niên đầu sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, từ đường họ Mạc được trùng tu trên nền đất cũ tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), do “Hậu duệ tưởng nhớ/ Phục dựng Dương Kinh/ Khang trang Chính điện”… (Bia Tưởng niệm Vương Triều Mạc).
Từng bước, con cháu họ Mạc tìm lại được giếng thiêng bên góc phải, phía trước từ đường đã bị vùi lấp theo thời gian. Theo văn hóa tâm linh truyền thống, giếng này chính là “mắt rồng”, và nửa đêm ngày 18.2 năm Bính Thân (2016), con cháu họ Mạc đã khơi lại được giếng cổ sâu 4,7m. Vật liệu kè giếng, làm thành giếng toàn bằng đá trắng.
Trước từ đường có tấm bình phong bằng đá được chạm khắc khá tỉ mỉ, có 2 câu chữ Hán: “Tản thần tuyển đế vi tâm phạn/ Đà linh nam thế bá thánh minh”. Nhìn cách sắp đặt giống như câu đối, nhưng nếu là câu đối thì câu đối kém, nếu là 2 câu thơ thì thơ chẳng hay.
Tại hội thảo, có đại biểu đại diện một nhóm nghiên cứu cho biết nghĩa 2 câu này là: “Thần Tản Viên nhiệm mầu nhập vào, sai phái bậc hào kiệt ở phương Đông là Mạc Đăng Dung làm Hoàng đế vì có đạo nghĩa và tấm lòng hướng Phật/ Linh khí thần sông Đà che chở nước Nam, cứ triều đại nào suy bại (thần) lại trừ bỏ kẻ vương bá, thay bằng một bậc thánh nhân sáng suốt”. Đại biểu ấy cho biết đã có bài viết gửi hội thảo. Tôi liền đọc qua mới biết nhóm nghiên cứu khẳng định 2 câu ấy là sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “soạn cách đây 500 năm khi Cụ đang đau yếu, sắp sửa về già, nay mới phát lộ”.
Nếu diễn dịch kiểu vậy, tôi thấy áp dụng vào cho bất kỳ người nào mở triều đại đều đúng cả. Nhưng nói thần Tản Viên sai Mạc Đăng Dung làm vua vì có “tấm lòng hướng Phật”, thì tại sao hoàng gia cũng như triều thần nhà Mạc xây chùa, tô tượng, đúc chuông,… như các văn bia còn lưu lại mà triều nhà Mạc tồn tại ngắn ngủi như thế, còn nhà Hậu Lê (từ Lê Lợi đến Lê Chiêu Thống), “chèn ép Phật giáo” sao lại kéo dài những 356 năm?
Ngày nay, ai quan tâm đến thần Tản Viên đều biết ông hiện là thành hoàng đang được thờ ở đình, đền nhiều làng người Việt, nhiều nhất là ở các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tản Viên Sơn Thần chính là thần núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì, ngọn núi chủ cao nhất trong vùng. Câu chuyện về Sơn Thần Tản Viên được ghi chép trong 2 tác phẩm chuyên viết về đề tài tâm linh khá sớm ở nước Việt là Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái.
Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh trong dân gian cũng từ đây mà ra. Nhưng “thần” làm gì “có quyền” muốn cho ai làm vua thì cho. Người ngồi trên ngai vàng dù chỉ một ngày cũng là “chân mệnh thiên tử”, là “con trời”. Sách Trung Dung của Nho giáo có nói về khái niệm Thiên tử như sau: “Đức vi Thánh nhân, tôn vi Thiên tử”, ý chỉ Đế vương là con của trời, dân chúng phải tôn kính và phục tùng, từ đó cụm từ này được dùng để gọi các Đế vương có quyền hành tối cao.
Chiếu chỉ của Thiên tử gọi là Thánh chỉ, mang nội hàm “Đức vi Thánh nhân”. Sang thời nhà Minh, nhà Thanh, khi nhà vua ban hành mệnh lệnh đều chế định một cụm từ: “Phụng Thiên Thừa Vận Hoàng đế”, biểu thị hoàng đế tôn quý cũng chỉ là “con trời” (Thiên tử), nên tuân theo mệnh trời mà ban phát chiếu chỉ.
Ở Việt Nam, cụm từ “Thiên tử” có tính chất tương tự như ở Trung Hoa. Qua nhiều năm xây dựng văn hiến, Việt Nam mô phỏng chế độ Trung Hoa, coi sứ mệnh của Thiên tử là tùy vào sự đức độ và phục chúng. Triều nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn đều mô phỏng hệ thống triều cống của Trung Hoa đối với các nước chư hầu, như Chiêm Thành, Cao Miên,… để chứng minh sự tối cao của các vị vua Việt Nam tương tự Thiên tử Trung Hoa vậy.
Ở Việt Nam, vua mới được quyền ban sắc chỉ phong tước (sắc phong) cho các thần linh ở làng xã. Loại phong tước này là do nhà vua nhân danh Thiên tử tiến hành phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng, đền miếu… và chỉ định nhiệm vụ cho các vị thần phải làm những gì, con dân địa phương phải làm những gì, và bắt buộc đôi bên phải “chấp hành mệnh lệnh” (Khâm tai!).
Các sắc phong thần phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua, nó thể hiện rằng nhà vua là con trời xuống dân gian để cai quản con dân nên không chỉ trị vì muôn dân trong thế giới trần tục mà còn cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh. Do vậy, nói “Thần Tản Viên nhiệm mầu nhập vào, sai phái bậc hào kiệt ở phương Đông là Mạc Đăng Dung làm Hoàng đế” thì… “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.
Người được lòng dân ắt được thiên hạ
Lịch sử cho thấy người được lòng dân ắt được thiên hạ. Khi lòng dân không còn tín phục thì triều đại ấy phải sụp đổ. Nhà Lê sơ từ Lê Lợi đến Lê Cung Hoàng (1428-1527) không còn được nhân dân tín phục bị Mạc Đăng Dung phế bỏ, lên làm vua. Nhưng chuyện đời từ việc nhỏ đến việc lớn, nếu tiếp nhận thành quả mà không trải qua sự trui rèn trong gian khổ, thì khó mà bảo vệ thành quả tốt khi gặp phải đe dọa từ bên ngoài, bởi ai cũng sợ chết; ai cũng có những tính toán chi ly để bảo vệ tính mạng của mình, của người thân mình.
Từ đó, dễ nảy sinh dị tâm, dễ buông tay những mong sống hết một kiếp người. Và lớp hậu duệ của Mạc Đăng Dung ngày càng sa sút, dùng người không tin người làm cho một số đại thần quay về với nhà Lê, lòng dân ly tán. Loạn từ trong nhà loạn ra mà tồn tại mới là chuyện lạ. Lịch sử con ghi, “con trưởng Mạc Kính Điển là Đoan Hùng Vương Kính Chỉ ngầm tư thông với vợ lẽ của Kính Điển. Việc bị phát giác, Kính Chỉ phải giáng làm thứ nhân.
Lấy con thứ là Kính Phu làm Đường A Vương và trao cho binh quyền. Đến khi Kính Điển chết, họ Mạc lấy Kính Chỉ làm Hùng Lễ công nhưng không trao binh quyền” (Đại Việt sử ký toàn thư, T. 3, sđd, trang 142); năm Canh Dần, [Quang Hưng] năm thứ 13 [1590], “Bấy giờ, nhà Trung nghĩa tướng Hoằng quận công của họ Mạc chứa giấu phu nhân của Đường An Vương Mạc Kính Chỉ. Việc bị phát giác, Hoằng quận công và phu nhân đều bị giết” (sđd, trang 173).
Tình trạng tiếm ngôi xảy ra trong nội bộ gia tộc. “Trước đây, tông thất họ Mạc là Hùng Lễ công Mạc Kính Chỉ trốn ở Đông Triều. Đến đây lại thu nhặt tàn quân chiếm cứ huyện Thanh Liêm, tiếm ngôi ở xã Nam Gián, huyện Chí Linh, đặt niên hiệu là Bảo Định, lại đổi là Khang Hựu. Từ đấy, tông thất họ Mạc là bọn Mạc Kính Phu, Mạc Kính Thành, Mạc Kính Thận và trai gái lớn nhỏ vài trăm người đều hưởng ứng. Các văn thần võ sĩ cũ của họ Mạc rủ nhau theo về. Làm tạm hành tại, yết bảng chiêu mộ dân đinh. Chỉ trong chốc lát các huyện đều hưởng ứng, quân có đến 7 vạn người” (sđd, trang 183-184).
Còn chút hơi tàn, năm Quý Tỵ (1593), “Tháng 3, Mạc Ngọc Liễn trốn lên phương Bắc, ngầm tìm người tông thất họ Mạc, tìm được người con của Mạc Kính Điển là Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung ở châu Văn Lan, lập làm người nối nghiệp họ Mạc, đặt niên hiệu là Càn Thống năm thứ 1” (sđd, trang 186). Nhưng phước nhà đã cạn, năm Giáp Ngọ, [Quang Hưng] năm thứ 17 [1594], “Tháng 7, ngày mồng 2, Phò mã đô úy thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn đem quân chiếm giữ châu Vạn Ninh, bị ốm chết. Con là bọn phò mã Sơn Đông chạy sang Long Châu phục theo Mạc Kính Cung.
Khi Mạc Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại khuyên Mạc Kính Cung rằng: “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn, không gì nặng bằng”. Đến đây thì chết” (sđd, trang 193). Nhà Mạc chính thức giải thể. Theo nhà Phật, biết sai mà sửa, hướng thiện rất lớn, nên Mạc Ngọc Liễn xứng đáng để nhân dân tôn trọng.
Tôi là người được sinh ra, lớn lên từ gốc rạ và sống trong thời chiến loạn; bây giờ, đã mấp mém đẳng tuổi “xưa nay hiếm”, nên khi nhìn lại sự việc, thấy rằng với dân chúng bình thường, ăn no mặc ấm là mục đích lớn nhất của đời người cần nỗ lực theo đuổi; nếu hơi giàu một chút đã cảm thấy thực hạnh phúc. Về phần ý nghĩa sinh mạng, giá trị nhân sinh,… căn bản không mấy người suy nghĩ. Cho dù chiến tranh xảy ra, chỉ cần chiến hỏa không lan tràn tới đe dọa cuộc sống của họ thì cuộc sống bình yên của họ không thay đổi bao nhiêu.
Đọc lại lịch sử, nhất là lịch sử thời nhà Mạc, tôi càng thấy rằng ngàn vạn lần không thể xem nhẹ dã tâm dục vọng của con người, một khi thấy lợi ích trước mắt hấp dẫn, lương tri dễ dàng sẽ bị vứt qua một bên. Lòng người là thứ phức tạp nhất trên đời, không ai đảm bảo trăm phần trăm hiểu rõ lòng dạ một người khác. Và đó là bài học lịch sử có giá trị.
- Xem thêm: Một thoáng Hà Giang…