Nghệ thuật chế tác đá quý phát triển ở Pháp từ thế kỷ XVII với tiêu chí các viên đá phải được cố định an toàn nhất và đón được tối đa ánh sáng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghệ thuật nạm đá vẫn tồn tại đầy quyến rũ trong ngành đồng hồ cao cấp nói chung và tại Hublot nói riêng.
Khởi đầu không phải là một thương hiệu đồng hồ trang sức, nhưng Hublot vẫn sở hữu kỹ thuật nạm đá quý đỉnh cao. Chiếc Hublot Big Bang thuộc sở hữu của võ sĩ Floyd Mayweather lừng danh, kim cương được nạm trên tất cả các chi tiết núm vặn và tính năng thay dây one click.
Yêu cầu cơ bản của kỹ nghệ nạm đá quý từ thuở sơ khai tới nay vẫn luôn là an toàn và thẩm mỹ. Trước đây thì các món trang sức vẫn có khả năng bị bong do không chịu được thay đổi nền nhiệt hoặc lực shock. Sau hàng trăm năm phát triển thì các kỹ nghệ đã trở nên hoàn thiện, gói gọn trong ba bước gồm: chọn đá, cắt đá và cuối cùng mới là nạm đá.
Kiệt tác Hublot Haute Joaillerie đạt kỷ lục Guinness là chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới tại Basel World 2012. Tất cả 17 nghệ nhân của Hublot đã miệt mài nạm 1.200 viên kim cương, trị giá 5 triệu đô. The Hour Glass đã mua lại kiệt tác này để trưng bày tại Hublot MBS, Singapore.
Đầu tiên, các nhà thiết kế sẽ tính toán chính xác đến từng micron trên máy tính, họ cũng tiên đoán muốn dùng loại đá gì, diện mạo cuối cùng sẽ ra sao. Khi nhận được bản vẽ thì các nghệ nhân sẽ cân nhắc xem nên dùng kỹ thuật nạm gì, có cần phải thay đổi lại thiết kế hay không.
Bước chọn đá rất quan trọng, đá không chỉ đạt độ tinh khiết mà còn phải đạt yêu cầu kích thước, dáng cắt và màu sắc chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần một sai số nhỏ tổng thể tác phẩm sẽ thất bại. Nghệ nhân Sanz, người đã phối hợp cùng Hublot trong những phiên bản High Jewelry cho biết: “Phần mua kim cương và mua đá quý màu là hai quy trình khác nhau. Có rất nhiều nhà cung cấp kim cương trên thị trường nhưng các nhà cung cấp đá quý màu thì không đa dạng bằng, do vậy các tác phẩm từ đá màu sẽ tốn thời gian để chọn đá hơn”.
Sau đó là bước cắt đá. Nghệ nhân Sanz tiếp tục chia sẻ: “Thường thì chúng tôi mua đá đã cắt rồi để kiểm tra độ tinh khiết một cách chuẩn xác hơn nhưng sau đó vẫn phải cắt lại theo thiết kế. Cắt kim cương thì khó ở độ cứng. Còn cắt đá quý thì phải khéo léo vì có khả năng bị vỡ, đặc biệt emerald rất là giòn. Phần nạm thật ra là phần sau này, nếu sai từ phần chọn đá hoặc cắt đá thì mọi thứ đều hỏng cả. Nạm đá quý cũng là một bộ môn khoa học của sự chính xác, không thể cứ làm sai rồi sửa lại được mà mọi thứ phải chính xác ngay từ những bước đầu tiên cho đến cuối cùng”.
Bộ sưu tập Hublot One Click Haute Joailerie trị giá 1 triệu đô mỗi chiếc, kết hợp ba kỹ nghệ nạm invisible, kiểu rail và họa tiết Clou de Paris.
Một số kỹ nghệ nạm thường thấy trong đồng hồ là kiểu Channel – sử dụng những đường ray để cố định các viên đá xếp khít cạnh nhau, Prong – sử dụng những gọng kìm kim loại ôm lấy đá hay Pave – tạo các ổ siêu nhỏ vừa đúng với kích thước viên đá cần nạm, thành phẩm cuối cùng là một bề mặt lấp lánh và mượt khi chạm tay vào.
Ở cấp độ cao hơn phải kể tới Invisible setting và Baguette setting. Các chân đỡ được giấu khéo léo để khi nhìn vào diện mạo chiếc đồng hồ người ta chỉ thấy vẻ đẹp của các viên đá quý. Những nghệ nhân có thể nạm Invisible setting thường rất giàu kinh nghiệm vì mỗi sai số thường phải trả bằng cái giá đắt. Trong Baguette Setting cũng vậy, nghệ nhân chế tác trên những viên Baguette đắt đỏ nên áp lực về độ chính xác lại càng cao. Hai kỹ nghệ này thường thấy trong những chiếc đồng hồ xếp vào hàng High Jewelry bởi nó tựu hợp cả kỹ thuật thượng thừa lẫn độ quý của các loại đá, tạo thành một “masterpiece”.
Theo lý thuyết thì phần nào của đồng hồ cũng có thể được nạm, từ vỏ, crown, kim, cầu, các đĩa và tất nhiên cả mặt đồng hồ. Năm 2013, Hublot tiếp tục giới thiệu kiệt tác Classic Fusion Skeleton Haute Joaillerie nạm 322 viên kim cương baguette lên cả các thanh cầu của cỗ máy đồng hồ. Nếu tính cả phần dây đeo thì tổng thể chiếc đồng hồ gồm 791 viên kim cương baguette.
Phái mạnh có thể e ngại đôi chút khi cân nhắc đeo một chiếc đồng hồ nạm nhiều đá quý vì e sợ bị hiểu nhầm là nữ tính. Tuy nhiên nhìn lại tiến trình lịch sử thì các vị vua nổi tiếng vẫn luôn sở hữu những món đá quý rất hiếm nạm trên vương miện, vương trượng cho tới những chiếc nhẫn quyền lực, nên điều này cũng là rất bình thường.
Phụ nữ thường đeo kim cương vì yêu vẻ đẹp tự nhiên của loài đá này, còn đàn ông đeo kim cương vì cảm giác mà nó đem lại. Việc sở hữu các masterpiece kết hợp cùng high jewelry mà hàng tỉ con mắt ngưỡng mộ trên trái đất muốn được chiêm ngưỡng một lần chính là hương vị của thành công mà nhiều quý ông muốn tận hưởng.
Sự thật hiển nhiên là những chiếc đồng hồ nạm đá quý dành cho nam giới thường cũng vượt trội cả về độ phức tạp cơ khí, như hai đỉnh cao cùng tụ hợp để phục vụ những quý ông nhắm đến những gì là tốt nhất, hảo hạng nhất.
Hublot Sapphire Rainbow là một trong những ví dụ tôn vinh nghệ thuật cơ khí theo cách tiên phong nhất kết hợp cùng baggette setting đá màu siêu phức tạp.
Vỏ Sapphire của Hublot Unico nói lên tất cả những gì cần nói về cách chơi đồng hồ của chủ nhân bởi nó khoe trọn từng chi tiết của cỗ máy như thể chiếc đồng hồ đi qua một máy quét X-ray không còn gì che giấu. Sapphire là chất liệu quá mới và quá khó chế tác mà hiện Hublot đang dẫn đầu trong tạo màu cho Sapphire. Rủi ro lớn trong quá trình chế tác khiến giá của những chiếc đồng hồ Sapphire luôn cao hơn bình thường.
Phần đá quý dáng cắt Baguette nạm trên vòng bezel đòi hỏi độ chính xác về kích thước, màu sắc ngay từ khâu chọn đá, cắt đá và tay nghề bậc thầy để thao tác trên những viên baguette giá trị cao. Có thể nói Hublot Unico Sapphire Rainbow là hiện thân của hàng trăm năm truyền thống chế tác, sánh đôi cùng những phát minh tiên phong nhất trong làng đồng hồ đương đại, đưa đến những lựa chọn “the best” cho những quý ông đòi hỏi sự hoàn hảo.