Trung thu năm nay cũng vậy, các bé đang say sưa cùng lão phù thủy Chồn Hôi, hoàng tử Hướng Dương, công chúa Hoa Hồng, Ngỗng ngộ nghĩnh… ở tận “trời Âu” cùng những điệu ba lê trong vở kịch Hoàng tử gấu và hạt đậu thần. Và người cần mẫn mỗi năm viết ba, bốn kịch bản cho các cháu thiếu nhi, dẫn dắt chúng “đi khắp nơi trong thế giới cổ xưa” (dù ít được khán giả nhí biết đến) chính là nghệ sĩ Quang Thảo.
Viết kịch bản Ngày xửa ngày xưa cho dịp Tết Trung thu là việc Quang Thảo thích thú nhất. Mỗi lần như vậy, anh lại nhớ về những mùa Trung thu của mình hồi nhỏ còn ở quê, cái hồi cùng bạn bè cả xóm tập trung ngồi vót nan tre làm lồng đèn, đốt đèn dầu mù u thay nến, rồi nhớ luôn những lần ngồi khóc vì vô tình để lồng đèn bị cháy và cả những đêm xách lồng đèn theo bà ngoại đi chùa. Anh nhớ cảm giác mình cùng bọn trẻ trong xóm thấy bánh trung thu như một vật quý mỗi khi được ai cho. Cũng vì nỗi nhớ này mà mỗi dịp Trung thu anh thường về quê tặng bánh trung thu cho các bé và kể cho chúng nghe về những đêm trăng tuổi thơ của mình, nên nói Quang Thảo viết kịch bản phục vụ thiếu nhi hay phục vụ nỗi nhớ của mình thì đều không sai. Mỗi kịch bản Ngày xửa ngày xưa, Quang Thảo không có tham vọng mang đến cho thiếu nhi một bài học lớn mà chủ yếu kể cho các bé nghe một câu chuyện, đưa các bé cùng phiêu lưu vào một vùng đất mới, đồng thời lồng vào đó tình yêu thương gia đình, sự đoàn kết giúp đỡ. Để khi lớn lên, Ngày xửa ngày xưa trở thành kỷ niệm của các bé và tên chú Quang Thảo cũng nằm trong những kỷ niệm đó. Anh chia sẻ: “Làm kịch cho thiếu nhi dễ mà khó. Dễ là vì các bé dễ tin lắm, cho nên ta thỏa sức tưởng tượng, viết những điều người lớn cho là phi lý, đưa các bé đi bất cứ chốn nào, vào bất cứ thời đại nào. Nhưng cũng vì sự dễ tin ấy mà Quang Thảo luôn tự nhắc mình không được làm bậy”. Trong kịch bản của mình, tính bạo lực được tiết chế tối đa, những trận đánh giáp lá cà giữa hai phe bao giờ cũng ngộ nghĩnh, buồn cười và không lấy điều xấu, điều ác để trừng trị lại cái xấu, cái ác. Viết kịch bản cho thiếu nhi là thời khắc anh được mơ mộng, được tưởng tượng, được sống trong thế giới cổ tích của bà tiên, ông bụt, hoàng tử, công chúa, loài vật… là lúc thấy mình hiền hòa nhất. “Vậy nên, mỗi khi Ngày xửa ngày xưa được công diễn cảm xúc của mình kỳ lạ lắm”, Quang Thảo nói. Vì tình yêu dành cho con trẻ nhiều nên anh áy náy khi thấy thế giới tuổi thơ đang dần bị lãng quên. Quá ít những tác phẩm mới và sân chơi lành mạnh hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Dịp Trung thu, Quang Thảo mong mỗi nhà, mỗi xóm tạo được sân chơi ngay trong nhà, trong xóm của mình. “Ước gì được thấy hình ảnh ông bố, bà mẹ dạy con cái làm lồng đèn mỗi tối trước Trung thu nhỉ? Sao mỗi gia đình không tự tạo ra sân chơi cho mình, chia ra làm hai đội: bố và con trai, mẹ và con gái để thi xem đội nào làm lồng đèn đẹp hơn?”, Quang Thảo vẫn thường băn khoăn như thế.
Vậy khi thoát ra khỏi thế giới tuổi thơ, trở về với thế giới người lớn nhiều phức tạp thì Quang Thảo có còn nghĩ về những điều thơ mộng như vậy không? Là người lãng mạn, nhìn điều gì cũng thấy đẹp nhưng vẫn thường bị ám ảnh bởi những tin xấu trên báo chí. Quang Thảo cười hiền: “Chắc tại tâm mình còn nhiều xao động. Có lẽ nhờ vậy mà mình còn làm nghề được”. Những ai có dịp trò chuyện với Quang Thảo thì nghĩ: “Với tâm hồn lãng đãng như vậy, không trở thành nghệ sĩ là điều tiếc”. Nhận ra “chất” diễn viên của Thảo nên nghệ sĩ Ái Như đã mời anh về cộng tác ở sân khấu mình dù trước đó anh chỉ viết kịch bản chứ chưa diễn sân khấu bao giờ. Không chỉ vậy, Ái Như còn giao cho Quang Thảo những vai chính, tạo cho anh nhiều… áp lực đầy thích thú được khám phá bản thân mình. Anh đã vượt qua được những áp lực đó, chinh phục khán giả với các vai diễn Phương ở vở (Hãy khóc đi em), Út Hơn (Tục Lụy), Trần Thuyên (Chuyện bây giờ mới kể) và đã trở thành kép chính của sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Lâm Hạnh
Ảnh Đình Vũ