Có lẽ chưa bao giờ lời nhận xét của nhiều người “Nói đến kịch Kim Cương là nói đến nước mắt” lại chính xác như trong ba đêm diễn ra chương trình Tạ ơn đời của NSND Kim Cương tại Nhà hát TP vừa qua (ngày 6, 7 và 8-8). Nước mắt chảy dài từ sân khấu ra tới tiền sảnh nhà hát, từ lúc sàn diễn còn đỏ đèn cho đến khi màn nhung đã khép lại phía sau. Người diễn khóc đã đành, người xem cũng không ngăn được dòng lệ, bởi ân tình dạt dào buổi tạ ơn đồng thời là nỗi đau tê buốt ngày chia xa. Mười lăm năm sau ngày cất bảng hiệu, kỳ nữ Kim Cương – một tài danh kịch nghệ từng được xem là bậc nhất miền Nam – đã chính thức nói lời chia tay sân khấu bằng ba đêm diễn mang ý nghĩa tạ ơn.
Tạ ơn mẹ
Lời tạ ơn đầu tiên, chị gửi đến cho “người ơn” lớn nhất là mẹ mình – NSND Bảy Nam, vì “không có má thì không có Kim Cương, không có NSND… gì hết” – chị nói. Vì “má đã cho Kim Cương một thân xác để làm người, một nghề nghiệp để đến được với khán giả và một tấm lòng để sống với đời”. Chị cố tình chọn những ngày trung tuần tháng Tám để làm chương trình “tạ ơn” bởi thời điểm này cũng là lần giỗ thứ tám của NSND Bảy Nam. Nỗi đau mất mẹ tưởng sẽ nguôi ngoai theo năm tháng như người ta thường nói, nhưng với Kim Cương, “bài thuốc” thời gian dường như bất lực. Cứ nhắc đến má, nước mắt chị lại ràn rụa, từ lúc đưa ca sĩ Cẩm Ly đến nhà soạn giả Viễn Châu học ca bài vọng cổ ông viết riêng cho chị, nói lên tâm trạng người con ngày vắng mẹ trên sân khấu, cho đến khi tiết mục lên sàn tập. Mượn lời trong ca khúc Đường xa vạn dặm (Trịnh Công Sơn) để nói lên lòng nhớ thương người mẹ đã đi xa ở phần mở đầu, nhưng thật ra, NSND Kim Cương đã “mời” má tham gia cùng chị trong suốt chương trình. Bà đã xuất hiện ở cảnh trước vở Lá sầu riêng trong vai bà Tư cùng cô Diệu – Kim Cương thời trẻ trên màn hình, “làm mồi” cho cảnh diễn ở màn sau trên sân khấu, khi bà Diệu đã vào tuổi xế chiều.
Bà Bảy Nam cũng đã đem lại cho khán giả những giây phút đắng lòng với video clip ghi lại cảnh lúc bà tuổi ngoài 90, lần bước xót xa sờ từng chiếc ghế trống trong khán phòng, rươm rướm nói lời chia tay khán giả. “Một đứa trẻ mất mẹ, chỉ thiếu sữa, nhưng người lớn mất mẹ, sẽ thiếu cả một quãng đường đời đầy kỷ niệm”. Sự trải nghiệm trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng chính là tâm trạng của Kim Cương trong suốt những năm qua, và nó lại hiện rõ hơn bao giờ hết ngay chính trong những đêm diễn cuối cùng này, bởi với chị, người mẹ ấy không chỉ là má, mà còn là người thầy, là đồng nghiệp… đã đi cùng chị từ trong cuộc sống đến chuyện làm nghề ròng rã hơn nửa thế kỷ.
Tạ ơn bạn diễn
Mới đây, khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Kim Cương đã không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi khi nhớ về những cộng sự của mình ở đoàn kịch Kim Cương ngày nào, bởi chị nghĩ “nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một tướng thành công phải trả giá bằng vạn bộ xương khô). Danh hiệu chị có được hôm nay chính là từ sự đóng góp của bạn diễn, anh em hậu đài, và cả khán giả, trong suốt mấy chục năm. Trong ba đêm diễn vừa qua, chị rất muốn mời họ trở lại sân khấu lần cuối cùng chị, nhưng nhiều người đã không còn nữa như Bà Năm Sa Đéc, Túy Hoa, Vân Hùng, Ngọc Đức, Anh Thư, Trương Long, Khả Năng, Lê Công Tuấn Anh… số ít còn lại lâm vào cảnh bệnh hoạn, yếu sức. Quy luật khắc nghiệt của thời gian chỉ “chừa” lại cho sân khấu Kim Cương vài người có thể đến với chị trong những đêm vừa qua, như nghệ sĩ Diễm Kiều, Bảo Anh, Hữu Châu, Long Hải,… Trong số này, Diễm Kiều là người gắn bó với đoàn lâu hơn cả, còn người làm cho chị “ấm” lòng nhất là Hữu Châu. Ngày rụt rè bước vào sân khấu Kim Cương, Hữu Châu dưới con mắt bà trưởng đoàn ngày ấy chỉ mới là “cậu con nít mới ra trường”, nhưng nay anh đã trở thành một tên tuổi lớn, vừa được phong Nghệ sĩ Ưu tú và đã tình nguyện lãnh “ấn tiên phong” trong việc tổ chức chương trình Tạ ơn đời này.
Một “cậu bé” Tâm ngày nào còn khóc ré lên vì sợ khi được kỳ nữ Kim Cương mời đóng vai Sang (lúc nhỏ) trong vở Lá sầu riêng, nay đã là một NSƯT Thành Lộc nổi danh “phù thủy” sân khấu, đã xuất sắc trong vai trò người dẫn chương trình, vừa chững chạc, vừa hóm hỉnh, khuấy động không khí trọn vẹn cả ba đêm diễn. Và khi nói về sự tạ ơn, có một điều không thể không nhắc đến, dù đoàn kịch đã ngưng diễn từ lâu, nhưng những năm trước đây, khi còn sức, cứ đến 28 Tết, “chị Hai” Kim Cương lại chạy gạo, thịt cho anh em trong đoàn. Và từ bấy đến nay, dù làm gì, ở đâu, những thành viên cũ cũng thể hiện được tinh thần đạo đức, tính kỷ luật truyền thống của đoàn kịch Kim Cương mà họ từng được trui rèn. Đó chính là điều đem lại cho chị sự tự hào và niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Tất cả họ, đã cùng chị – người thuyền trưởng – đưa con thuyền sân khấu Kim Cương đi qua nhiều năm tháng, vượt qua bao thác ghềnh để đem đến cho đời những vở diễn đậm tính nhân văn, làm nên thương hiệu một đoàn kịch đặc trưng của miền Nam, sống mãi trong lòng người hâm mộ cả nước.
Tạ ơn khán giả
Điều làm NSND Kim Cương băn khoăn nhất khi quyết định thực hiện chương trình Tạ ơn đời là không biết lấy đâu ra kinh phí. Đã từng mạnh dạn đi xin tiền cho hoạt động từ thiện hàng tỉ đồng, nhưng xin cho mình, dù để làm chương trình chia tay nhiều ý nghĩa, chị cũng rất ngại ngùng. Thế nhưng, những khán giả thân thương đã tình nguyện chia sớt gánh nặng này của chị mà không đòi hỏi một điều kiện gì. Trước khi đêm thứ nhất mở màn, vé đã được bán sạch, đến nỗi, chị đã phải năn nỉ đi mua lại để mời người thân. Ở đêm thứ ba, khi chương trình được các phương tiện thông tin truyền tải rộng rãi, đông đảo khán giả ở tỉnh mới hay và họ đã thuê xe đến tận nhà hát nhưng rồi đành phải ra về.
NSND Kim Cương trào nước mắt vì bất ngờ, không nghĩ khán giả vẫn còn thương mình nhiều như vậy. Chị nói, đó chính là gia tài lớn nhất. Khán phòng trong suốt ba đêm đều chật kín và hết lòng khóc cười cùng Kim Cương. Đúng như chị từng tự tin khi dựng chương trình, khán giả sẽ đến để xem Kim Cương diễn chứ không phải để thấy Kim Cương bao nhiêu tuổi! Làm gì cũng được, miễn Kim Cương ra sân khấu là tiếng vỗ tay lại vang lên cổ vũ. Chị cảm nhận rất rõ, chính khán giả đã làm nên cuộc đời của Kim Cương. Và chính khán giả, bằng thái độ nồng nhiệt, trân trọng trong suốt chương trình, cũng đã ngầm gửi đến kỳ nữ Kim Cương của mình lời tạ ơn. Tạ ơn vì Kim Cương đã là một Kim Cương, người mang lại cho công chúng cái đẹp từ những vai diễn trên sân khấu cho đến cách sống tỏa hương tình người trong cuộc đời. Tạ ơn đời, tạ ơn nhau. Chính điều đó đã làm cho nước mắt trên sân khấu và dưới khán phòng ở buổi chia tay, cùng hòa quyện trong một niềm xúc cảm, trân quý và tiếc xót…
- Bài Cát Vũ, Ảnh Trần Tiến Dũng