Nằm cách thành phố Lào Cai gần trăm cây số, cao nguyên Si Ma Cai nằm cheo leo trên vùng núi đá hiểm trở nhiều thế kỷ được bao bọc bởi rừng cấm đang dần trở nên gần gũi với dân phượt. Trên những con đường mới mở chạy vào thôn bản, bên cạnh xe máy vẫn còn đó những chú ngựa thồ mập lùn là phương tiện di chuyển chính của người dân.
Thị trấn Si Ma Cai nhìn từ trên cao
Quầy bán thổ cẩm luôn thu hút đông chị em
Tết Giáp Ngọ vừa rồi, Lễ hội Gầu Tào Si Ma Cai được tổ chức trong ba ngày, từ mùng Ba đến mùng Năm tháng Giêng. Đây còn gọi là Lễ hội chơi núi mùa xuân, bắt nguồn từ mong ước có con của mỗi gia đình người dân tộc Mông. Phần lễ chính năm nay được gia đình nhà ông Ly A Tỏa, thôn Cán Chư Sử thực hiện qua việc dựng cây nêu trên một quả đồi cao để cầu phúc cho gia đình.Cây nêu là một cây mai rừng cao và đẹp. Sau lễ, phần hội tiếp diễn với các màn ca hát và đặc biệt là các trò chơi đã gắn bó với người miền cao từ lâu như: Đánh yến, múa khèn, hát đối đáp, hát ống, leo cột, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… Hết thời gian mở hội, thầy cúng và người già có uy tín làm lễ hạ cây nêu.Thân cây nêu được gia chủ đem về làm giát gường, chùm giấy hình nhân mang về treo trong buồng với mục đích cầu mong hồng phúc cho gia đình. Bầu rượu trên đỉnh cây nêu được đổtung ra bốn hướng với mục đích mong muốn năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi nảy nở…
Đường vào thị trấn
Các bà, các chị trong một thôn nhỏ
Trong tiết trời lạnh ngắt, mùi rượu ngô thơm đậm, ấm áp được ủ bởi men lá và hạt hồng mi khiến du khách chưa uống mà đã muốn lâng lâng.Ngoài rượu được nấu bởi kỹ thuật truyền thống, đến đây, ai cũng được giới thiệu thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt gà đen thơm ngon.Thịt lợn hun khói chế biến cùng với dưa cải cay cũng là món ăn đặc trưng của Si Ma Cai. Thế nhưng ăn thắng cố mới thú vị nhất! Chỉ với hai mươi ngàn đồng, thực khách có được một bát đầy nước hay đầy thịt tùy thích, hơn thế nữa, người bán ở đây còn để khách thoải mái chọn lấy trong chảo những phần nào mà mình muốn ăn nhất.
Quầy bán ớt khô ở chợ phiên
Ngoài lễ hội, ngày vui nhất ở Si Ma Cai là chợ phiên họp vào sáng sớm cho đến chiều Chủ nhật hằng tuần. Mặt trời chưa kịp thức giấc, những thiếu nữ Mông đã xuống chợ với váy áo rực rỡ cùng chiếc dù làm duyên trên tay. Chợ phiên còn là dịp để phụ nữ các bản làng có dịp khoe tài may vá, thêu thùa qua những tấm thổ cẩm tuyệt đẹp. Khởi hành từ trung tâm huyện, đi khoảng 800m thì đến ngôi chợ nằm ở lưng chừng dốc.Món hàng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những xâu ớt khô màu đỏ hoặc đen dày nặng.Ớt được xâu lại rồi treo lên gác bếp hun khói cho đến khi khô quắt, bồ hóng bám đen mới hạ xuống.Ớt khô đem rang lên giã với muối rồi vắt ít chanh vào tạo thành thứ nước chấm rất kích thích vị giác. Gần quầy ớt là quầy bánh đúc được làm từ bột ngô.Bánh này cắt nhỏ ra trộn với thứ nước chấm vừa nói, chan thêm một ít nước dùng là thành món ăn sáng ngon lành. Ngoài ra, bắt mắt, bắt… mũi nhất chợ Si Ma Cai là những bó nhang do người Mông làm ra bằng chất liệu lấy từ núi rừng, có hương thơm dễ chịu chỉ với giá gần 10.000 đồng/bó.
Si Ma Cai trong ngày lễ Gầu Tào mùa xuân
Dạo chợ chán, du khách tẩn mẩn đến ngắm nhìn từng ngôi nhà trình tường.Nói đến kiến trúc xưa ở Si Ma Cai là nói đến nhà làm bằng tường đất nện (trình tường). Nhà trình tường của người Mông Si Ma Cai được làm công phu, có kiến trúc khá mỹ thuật, cột được làm bằng gỗ, mái lợp ngói, tường làm bằng đất nên mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Nghe đâu khi công việc làm nhà bắt đầu thì cả thôn đến giúp hoặc làm đổi công.Nhờ quy trình làm kỳ công nên nhà trình tường rất bền. Mùa xuân đến, hoa nở rợp trước những ngôi nhà xám đen màu thời gian giữa núi rừng xanh ngắt tạo nên cảnh đẹp chỉ có ở miền Tây Bắc xa xôi.
Hồng Linh