Thời điểm gần kết thúc phiên sáng 21-12, sự dao động mạnh của chỉ số quanh mốc tham chiếu cùng với việc thanh khoản giảm sút khiến cho người ta có dự cảm VN-Index sẽ quay đầu giảm điểm trong phiên chiều. Và điều đó đã xảy ra. Đặc biệt, những lệnh bán cấp tập vào phiên ATC khiến cho nhiều cổ phiếu và các chỉ số “rơi” khá mạnh. Nhiều mã chứng khoán không còn giữ được sắc xanh của buổi sáng, thậm chí mất luôn mốc tham chiếu. Các nhóm cổ phiếu từng là động lực của các phiên trước như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… đều không duy trì được đà tăng. Trong nhóm VN-30, chỉ còn 9 mã tăng giá, bằng một nửa số mã giảm giá. Trên toàn HSX, số mã giảm giá áp đảo (163) so với số mã tăng giá (110), VN-Index giảm 7,45 điểm, chỉ còn 946,06 điểm (-0,78%). Hoàn toàn ngược với ngày 20-12, các chỉ số chính (VN-Index, VN30-Index, HNX-Index, HNX30-Index, UPCOM-Index và VNX-ALLSHARE-Index) đều giảm.
Sau ba phiên tăng trần liên tiếp, ngày 21-12 ROS đã giảm giá, với mức giảm 7.200 đồng/cổ phiếu (mất gần 4,3% giá trị). SAB giảm mạnh gần về giá sàn ở đầu phiên sáng, sau đó hồi phục đôi chút, có lúc kéo lên được gần mốc tham chiếu. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại đã quyết định đến việc tăng – giảm của SAB. Hơn 70,7% trong tổng số 583.060 cổ phiếu SAB giao dịch ngày 21-12 được bán ra bởi khối ngoại! Dưới áp lực bán ồ ạt như vậy, cổ phiếu này lại bị đẩy về gần với giá sàn vào cuối ngày. Mức giảm của SAB là 18.300 đồng/cổ phiếu (giảm 6,84%). Với việc nguồn cung giá rẻ của cổ phiếu này không còn nhiều, trong những phiên giao dịch kế tiếp, SAB sẽ rất khó giảm mạnh.
Thanh khoản ngày 21-12 nhờ các lệnh bán ATC cuối ngày đã tăng lên đáng kể. Tuy giảm về lượng cổ phiếu giao dịch (213,618 triệu) so với ngày 20-12 (220,568 triệu) nhưng lại hơn về giá trị tương ứng (5.840,648 tỉ đồng so với 5.405,446 tỉ đồng của ngày 20-12). Thị trường đang giằng co chờ xu hướng mới, với các phiên tăng – giảm điểm xen kẽ của VN-Index.