Một phóng sự trên tạp chí L’Express mới đây cho thấy một năm sau tai nạn sập mái nhà của xưởng may gần thủ đô Dacca của Bangladesh khiến 1.200 công nhân thiệt mạng, điều kiện lao động và chuẩn mực an toàn của hàng trăm ngàn công nhân dệt may tại nước này vẫn không hề được cải thiện.
Sau tai nạn thương tâm nói trên, để tránh mang tiếng, Dacca và giới chủ các xưởng gia công Bangladesh cùng với các nhãn hiệu nổi tiếng về may mặc của thế giới cho biết đã bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân, thế nhưng những tiêu chuẩn để được bồi thường thì lại chẳng được công bố rõ ràng. Đáng nói là Luật tư pháp Bangladesh đã không dám đụng đến chủ nhân của Rana Plaza cho dù tòa nhà đó được xây dựng trái phép.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình hình khi biết rằng may gia công là một trong những hoạt động kinh tế đem về nhiều ngoại tệ nhất cho kinh tế Bangladesh, cũng như biết rằng các ông trùm trong ngành đã dùng tiền mua chuộc giới chính khách để họ được tự do làm ăn mà không hề bị sách nhiễu, để Quốc hội chẳng bao giờ thông qua được một bộ luật lao động đàng hoàng có lợi một chút cho công nhân.
Tờ báo đưa ra kết luận không khoan nhượng: khó mà hy vọng điều kiện của công nhân dệt may Bangladesh sớm được cải thiện khi mà mấy “ông lớn” trong ngành chỉ nghĩ tới chuyện tậu nhà lầu, sắm xe hơi sang trọng và gom góp tiền của để cho con cái đi du học nước ngoài.
Các tập đoàn đa quốc gia trong ngành may mặc thì chỉ lo o bế giới cổ đông và lo hạ giá thành để bành trướng thêm trên thị trường quần áo. Trong khi đó, người tiêu dùng chỉ nghĩ tới túi tiền của họ và chỉ thích mua hàng rẻ mà thôi.
Bangladesh là nơi sản xuất quần jeans, áo thun cho khoảng hơn 20 tập đoàn dệt may tên tuổi quốc tế, từ Mango đến Benetton, H&M, hay Walmart. Áo quần mang nhãn hiệu của các siêu thị Pháp như Carrefour hay Auchans đều do bàn tay của người thợ may Bangladesh làm ra. Lý do chính là vì nhân công tại Bangladesh rẻ hơn so với ở Việt Nam, Campuchia hay Trung Quốc.
H.T