Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi tiếp ông Paul Greenwood, Phó chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) vào chiều 10-10 đã đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) phối hợp với tập đoàn này đẩy nhanh tiến độ đàm phán trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, sớm khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh.
Tại buổi tiếp, ông Dũng khẳng định Việt Nam đánh giá cao việc Exxon Mobil tham gia khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và nhấn mạnh dự án mỏ khí này có vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Đối với Việt Nam, triển khai dự án Cá Voi Xanh sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí đặt tại khu vực miền Trung. Ông cũng đánh giá cao tình hình triển khai dự án của Exxon Mobil trong việc đạt một số mốc tiến độ quan trọng trong thời gian qua, đồng thời khẳng định cam kết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thể đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh vào năm 2023.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch Paul Greenwood khẳng định dự án khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh có vai trò rất quan trọng đối với Tập đoàn Exxon Mobil trong việc đẩy mạnh hợp tác đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến các sản phẩm dầu khí. Ông Paul Greenwood cũng cho biết thời gian tới sẽ cùng với Petro Vietnam sớm nghiên cứu triển khai các dự án về khai thác, chế biến dầu khí khác tại Việt Nam.
Thời gian qua, Exxon Mobil đã triển khai nhiều phần việc quan trọng trên hiện trường cũng như đàm phán với các cơ quan của Việt Nam về các nội dung chi tiết của dự án.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía đông, do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ làm nhà điều hành. Cá Voi Xanh được cho là mỏ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Khi đưa vào khai thác, dự án này sẽ cung cấp nguồn khí thiên nhiên đặc biệt quan trọng, sử dụng cho các nhu cầu phát điện, hóa dầu, cũng như là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước và tạo việc làm cho lao động trong khu vực.
Mới đây, thủ tướng cũng đã đồng ý quy hoạch xây dựng bốn nhà máy nhiệt điện khí, với tổng công suất 3.000MW sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Trong đó, hai nhà máy được xây tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và hai nhà máy sẽ xây ở khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa phận xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương dành một lượng khí của mỏ khí Cá Voi Xanh cho phát triển ngành công nghiệp hóa dầu.
Được biết đóng góp của ngành dầu khí chiếm tỷ trọng 5,63%/GDP cả nước và chiếm tỷ trọng 20,33%/GDP công nghiệp, đóng góp 0,69 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP. Thế nhưng hiện nay, sản lượng khai thác dầu khí trong nước giảm do hầu hết các mỏ đều đã qua thời điểm “đỉnh” khai thác, đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ theo sơ đồ công nghệ.
Năm nay, chỉ một công trình mới được đưa vào khai thác là giàn Thỏ Trắng 3 của liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Số liệu từ Petro Việt Nam cho thấy, năm 2017, Petro Vietnam có kế hoạch khai thác 13,28 triệu tấn dầu, tăng 1 triệu tấn sau điều chỉnh. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 15,2 triệu tấn năm 2016 và 16,88 triệu tấn năm 2015.
Kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác vào năm 1986 tại mỏ Bạch Hổ, trải qua gần ba thập niên ngành dầu khí được xem là mũi nhọn trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hằng năm đóng góp trung bình 25 – 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Ngành dầu khí có vị trí nhất định trong cộng đồng các quốc gia khai thác dầu khí trên thế giới, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong tổng số 62 hợp đồng dầu khí hiệu lực, có 18 hợp đồng đang khai thác, bảy hợp đồng trong giai đoạn chuẩn bị phát triển, 37 hợp đồng đang tìm kiếm thăm dò.
Trong khi đó, ngành khai khoáng và luyện kim của chúng ta đang có nhiều âu lo về hiệu quả. Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã tiến hành thanh tra dự án Nhà máy Gang Thép Lào Cai và dự án khai thác Quặng mỏ sắt Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt-Trung (VTM). Kết quả thanh tra cho thấy, dự án liên doanh với Trung Quốc này thua lỗ cả ngàn tỉ đồng do vay lãi cao, chậm tiến độ.
Dự án này do liên doanh bao gồm Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Tập đoàn Gang Thép Côn Minh (KISC – Vân Nam, Trung Quốc) thực hiện.
Qua thanh tra cho thấy, nội dung liên doanh và điều lệ của VTM còn một số tồn tại, hạn chế như: việc xuất khẩu quặng sắt Quý Xa giao cho KISC đã làm giảm tính chủ động của VTM trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, quy định toàn bộ dự án đầu tư ra bên ngoài trên 200 nghìn USD và hạng mục kinh doanh nội bộ trên 100 nghìn USD phải được sự nhất trí tuyệt đối của các bên khiến việc thực hiện khó khăn.
Sau khi công ty liên doanh được thành lập, năm 2007 Hội đồng VTM đã phê duyệt hai dự án với tổng mức đầu tư ban đầu gần 175 triệu USD, trong đó dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa có tổng mức đầu tư là 23,5 triệu USD (tương đương 378,6 tỉ đồng) và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai có tổng mức đầu tư 151,4 triệu USD (tương đương 2.440 tỉ đồng).
Hơn hai năm sau, tổng mức đầu tư của hai dự án được điều chỉnh tăng gần gấp đôi, lên 335,6 triệu USD, trong đó dự án mỏ sắt Quý Xa điều chỉnh lên 28,7 triệu USD (510 tỉ đồng) và dự án Nhà máy Gang Thép Lào Cai gần 307 triệu USD (5.464 tỉ đồng).
Tuy nhiên, tổng giá trị quyết toán của hai dự án là 268,6 triệu USD, giảm 67,1 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhà máy còn để xảy ra một số tồn tại. Trong đó có nội dung, giá trị phê duyệt dự án lần đầu là lấy theo giá trị khái toán của Báo cáo Đầu tư tháng 8-2005 do Tập đoàn Gang Thép Côn Minh lập sơ sài, quá trình tổ chức lập và phê duyệt điều chỉnh lại kéo dài và phải bổ sung nhiều hạng mục nêu trên dẫn đến tổng mức đầu tư sau điều chỉnh tăng hơn gấp đôi so với dự án ban đầu đã duyệt.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân làm dự án chậm triển khai, chậm tiến độ dẫn đến phải điều chỉnh dự án, xác định lại tổng mức đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế, tăng mức đầu tư ban đầu như: mất nhiều thời gian trao đổi giữa các bên liên doanh, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư…
Nguyên nhân chính dẫn đến thua kinh doanh là do giá bán sản phẩm phôi thép trên thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh.
Nguyên nhân thua lỗ còn do lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư.
- Gia Minh