Theo dự đoán, năm 2019 này ngành hàng không thương mại thế giới sẽ có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2014. Giá nhiên liệu và chi phí nhân công tăng cao cùng với không khí địa chính trị căng thẳng ở Venezuela và Trung Đông,
cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, dòng máy bay Boeing 737 MAX gặp sự cố phải dừng bay và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hàng không thế giới là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tăng trưởng. Mọi kỳ vọng về tương lai tốt đẹp hơn đang tập trung vào sự kiện có sức ảnh hưởng như triển lãm hàng không Paris Air Show 2019.
Chi phí của các hãng hàng không trong năm 2019 dự kiến sẽ tăng 7,4% trong khi doanh số dự kiến chỉ có thể tăng ở mức 6,5% đồng thời lợi nhuận tính trên mỗi hành khách mà hãng hàng không đạt được có thể sẽ giảm 11% (từ 6,85 USD năm 2018 còn 6,12 USD năm 2019) là những nguyên nhân khiến các hãng hàng không do dự trong việc đầu tư mua sắm máy bay mới và Paris Air Show 2019 được xem là cơ hội để các nhà sản xuất máy bay kích thích nhu cầu mua sắm này.
Với lịch sử hình thành hơn một thế kỷ, triển lãm hàng không Paris đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp hàng không thế giới, thu hút sự quan tâm của hầu hết các công ty, chuyên gia trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Được tổ chức định kỳ hai năm một lần, Paris Air Show được coi là một nguồn lực to lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ khi có thể tập hợp được tất cả những nhà sản xuất, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không toàn cầu đến giới thiệu, trưng bày và mua bán sản phẩm trong một tuần diễn ra sự kiện tại sân bay Le Bourget.
Thông thường có khoảng 50% các gian hàng tại triển lãm Paris Air Show thuộc các công ty của Pháp, số còn lại phần lớn là của các công ty đến từ Mỹ, cùng sự tham gia của các công ty Anh, Ý và Đức.
Paris Air Show 2017 đã đạt được 150 tỉ USD những đơn đặt hàng. Từ ngày 17 đến 23-6, tại Paris Air Show 2019, bên cạnh những buổi thuyết trình và hội thảo chuyên ngành, còn có Paris Air Lab – dành cho khách tham quan và công chúng – một không gian trưng bày vừa mang tính lịch sử vừa định hướng tương lai và sẽ là một xu hướng triển lãm thương mại trong thời gian tới.
Paris Air Lab được đặt tại sảnh Concorde của Bảo tàng không gian vũ trụ tại Le Bourget với tâm điểm là hai mẫu máy bay siêu âm huyền thoại Concorde cùng những sản phẩm mới nhất từ các công ty hàng không hàng đầu thế giới cũng như các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Paris Air Show thực sự là một cơ hội hiếm hoi để có thể tìm kiếm các hợp đồng mới nhờ dễ dàng tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn; trong khi sự quan tâm lớn nhất tập trung vào những đơn đặt hàng mà Boeing và Airbus có thể nhận được trong triển lãm năm nay, sau khi dòng B737 MAX hiện vẫn đang trong thời gian ngừng bay và hãng Boeing không nhận được đơn đặt hàng nào trong tháng 4-2019.
Đầu tháng 5, Airbus đã thông báo sự tăng trưởng mạnh của hãng trong quý I-2019, chủ yếu nhờ vào doanh số của dòng A320neo.
Dù vậy, trong cuộc đua những mẫu máy bay thế hệ mới đáp ứng sự lựa chọn của các hãng hàng không, Airbus hiện vẫn chưa theo kịp Boeing trong việc tạo nên mẫu máy bay đạt hiệu quả tối đa về chi phí vận hành và đem lại lợi nhuận cao.
Trong quý I-2019, Airbus đã giao 162 máy bay cho các hãng hàng không, trong đó có 126 chiếc A320neo, đem lại cho hãng 12,5 tỉ euro lợi nhuận.
Mặc dù Airbus cho rằng sự tạm dừng sản xuất B737 Max của Boeing không giúp gia tăng doanh số cho A320neo, nhưng thực tế cho thấy nhiều hãng hàng không sau khi hủy đặt hàng B737 Max đã tỏ ra quan tâm đến A320neo.
Về phía Boeing, dù đang gặp khó khăn sau sự cố B737 Max, nhưng vẫn có nhiều kỳ vọng lạc quan tại Paris Air Show 2019 khi hãng dự định sẽ trình làng mẫu máy bay mới nhất B797 được coi là một mẫu máy bay lý tưởng, được các hãng hàng không mong chờ.
Mọi bất ngờ đều có thể diễn ra tại Paris Airshow và liệu Boeing sẽ có được một cú bứt phá qua mặt Airbus là điều đang được giới quan sát trông chờ.
Theo giám đốc điều hành IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế), ngành công nghiệp hàng không toàn cầu với 290 hãng hàng không, ban đầu được kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận 28 tỉ USD trong năm nay, nhưng con số này đã được điều chỉnh giảm bớt 7,5 tỉ USD do tình hình không còn được khả quan như dự đoán.
Tuy nhiên, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không vẫn đang trong giai đoạn bùng nổ dẫn đến nhu cầu mua sắm máy bay từ các hãng hàng không, đặc biệt tại Trung Quốc.
Và theo dự đoán của IATA, năm 2019 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp ngành công nghiệp hàng không thế giới tăng lợi nhuận, trong khi chu kỳ giảm đã diễn ra trong nhiều thập niên trước.