Chỉ có sáu trong số 20 hãng hàng không công bố đạt doanh thu tăng trưởng vào quý IV-2018, trong khi có tới 19 hãng hàng không khác thông báo giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước – theo một nghiên cứu được thực hiện bởi CAPA Centre for Aviation. Nguyên nhân giảm lợi nhuận được cho là do sự cạnh tranh giá vé khốc liệt cũng như sự bùng phát hàng không giá rẻ.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch hàng không vẫn chưa đem lại lợi nhuận thật sự cho các hãng hàng không tại Đông Nam Á. Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2019 sẽ còn chứng kiến sự cạnh tranh dữ dội hơn khi các hãng hàng không khu vực thu lợi nhuận sau giai đoạn đầu. Theo nghiên cứu, Đông Nam Á là một thị trường tăng trưởng tốc độ cao nhưng lợi nhuận ít ỏi và dự báo lợi nhuận sẽ còn thấp hơn nữa căn cứ vào diễn biến thị trường ngày càng xấu đi.
Chịu sự cạnh tranh khốc liệt nhưng các hãng hàng không vẫn phải đảm bảo doanh số dẫn đến không thể tăng giá vé dù giá nhiên liệu đang trên đà tăng trở lại. Ông Krittaphon Chantalitanon – Phó chủ tịch lĩnh vực chiến lược thương mại của Thai Airways thừa nhận rằng hãng hàng không này đang rất khó khăn khi phải đối mặt với những cạnh tranh: “Bộ máy vận hành cần phải gọn nhẹ hơn nhưng phải đạt hiệu quả công việc cao hơn. Chúng tôi phải tập trung tìm kiếm những thị trường mới chỉ để giúp duy trì hoạt động kinh doanh”.
Trong đó, Malaysia Airlines sau năm năm triển khai phục hồi khủng hoảng khi máy bay MH307 mất tích năm 2015, dù số tiền đầu tư đã lên đến 1,8 tỉ USD song vẫn chưa đạt được một sự đột phá nào và năm 2019, lãnh đạo hãng hàng không này đã chịu nhiều áp lực để có thể đạt được tăng trưởng như kỳ vọng.
Bức tranh năm 2019 của các hãng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn mang sắc màu ảm đạm cho dù thị trường này đang bùng nổ phát triển. Tổ chức vận tải hàng không quốc tế IATA ước tính rằng khu vực này sẽ đạt thêm 2,35 tỉ lượt hành khách vào năm 2035, đưa tổng dung lượng thị trường toàn cầu đạt 3,9 tỉ hành khách. Hội đồng các sân bay quốc tế cũng đưa ra dự đoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ gia tăng thêm 42% lượng hành khách quốc tế cho đến năm 2040.
Những con số đó có được phần lớn dựa vào sự gia tăng thị phần của các hãng hàng không giá rẻ nhưng lợi nhuận các hãng này thấp so với hàng không truyền thống. Air Asia và Lion Air là hai tập đoàn hàng không giá rẻ khổng lồ chiếm giữ gần 30% thị phần và đang tạo nên áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với những thương hiệu mạnh như Singapore Airlines hay Thai Airways.
Sự tăng trưởng trong ngành vận chuyển hàng không hiện tại được cho là sự kết hợp hai yếu tố: sự tăng trưởng trên phân khúc trung lưu với lợi nhuận được điều chỉnh phù hợp đi cùng sự cạnh tranh giảm giá vé khiến cho cơ hội bay trở nên dễ dàng hơn với nhiều người. Đó cũng chính là lý do khiến cho ngành vận chuyển hàng không tăng trưởng rất nhanh nhưng các hãng hàng không trong khu vực vẫn chưa thể có được lợi nhuận tương xứng.
Nhằm cải thiện tình trạng này, một phương thức đang được áp dụng là cố gắng tạo thêm nhiều dịch vụ đi kèm như giải trí, bữa ăn hay nâng hạng ghế ngồi… để tăng khoản tiền hành khách chi cho chuyến bay. Theo Matt Driskill, biên tập viên tạp chí Asia Aviation, lợi nhuận của bất kỳ hãng hàng không nào cũng rất mong manh, do vậy các hãng hàng không giá rẻ ở châu Á đang khai thác những dịch vụ đi kèm cho hành khách dẫn đến ngày càng xa rời những tiêu chuẩn mà hành khách lẽ ra phải được hưởng.
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25% chi phí vận hành của hãng hàng không, năm nay ngành công nghiệp hàng không toàn cầu dự báo sẽ chi tiêu đến 200 tỉ USD cho nhiên liệu. Một cách thức nhằm giảm rủi ro tăng giá nhiên liệu là các hãng hàng không sẽ ký hợp đồng dài hạn với giá mua cố định tại thời điểm ký kết. Thế nhưng, họ sẽ không thể thu lợi nhuận khi giá nhiên liệu giảm hay có thể uyển chuyển về chính sách giá vé dành cho hành khách.
Một yếu tố khác khiến lợi nhuận của các hãng hàng không giảm chính là sự đầu tư quá đà so với nhu cầu tăng trưởng thực tế. Nhiều hãng hàng không trong khu vực đang bị cuốn vào cuộc đua gia tăng đội bay dẫn đến càng khó khăn hơn để lấp đầy chỗ ngồi trên các chuyến bay, đi cùng lợi nhuận giảm do nhiều chuyến bay vắng khách. Hiện có khoảng 2.050 máy bay thương mại đang được khai thác tại các hãng hàng không ở Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn còn hơn 1.700 chiếc khác trong các đơn đặt hàng. Ba hãng hàng không đang dẫn đầu khu vực về tốc độ gia tăng đội bay là Air Asia, Lion Air và Vietjet Air.