Lần thứ hai tính từ đầu năm 2015 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vừa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ thêm 1%. Theo đó tỷ giá mới áp dụng cho ngày 7-5 được điều chỉnh từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Trong lần điều chỉnh tỷ giá hồi tháng 1-2015 cũng ở mức 1%, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá tối đa là 2% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ không còn khoảng trống cho việc điều chỉnh tỷ giá trong bảy tháng tới.
Giới chức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong thời gian qua đã cảnh báo việc phá giá tiền đồng có thể làm tăng nợ nước ngoài.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng HSBC trong báo cáo mới nhất cho rằng Việt Nam nên phá giá tiền đồng để tránh thâm hụt kép về tài chính lẫn thương mại trong năm nay. Trong “Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4”, HSBC cho rằng các khoản nợ từ bên ngoài của Việt Nam hiện hầu hết là vay ưu đãi, trong đó gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%.
Trong khi đó, ngân hàng này cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ ở mức 5,6% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 14%, và sẽ lên đến mức 5,8% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 10%. Gánh nợ công trong nước vì vậy sẽ tăng nhanh hơn và tiến sát đến mức giới hạn 65% của chính phủ.
Việc giảm giá nội tệ hoặc giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá có thể thực hiện nhưng cần đảm bảo cân bằng kinh tế vĩ mô. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố sẽ không thay đổi tỷ giá so với đồng đôla Mỹ quá 2% trong năm nay và điều này dựa trên hai nguyên nhân chính – một là nhìn dưới góc độ tác động đến kinh tế vĩ mô, từ lạm phát tới xuất khẩu cũng như thương mại nói chung và hai là việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam.
Gia Minh (DNSGCT)