Với nhiều học sinh Việt Nam, đại học vẫn là cánh cửa duy nhất để vào đời và cánh cổng của các trường đại học nước ngoài dĩ nhiên “xịn” hơn trong nước. Vậy đã từng có ai đi du học ở một trường cao đẳng?
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng, “đã tốn công tốn sức đi du học rồi tại sao lại chọn cao đẳng, sao không vào thẳng đại học với một tương lai xán lạn hơn?”.
Nhưng rất nhiều sinh viên – học sinh đã chọn cho mình cánh cổng cao đẳng như là một ngả rẽ khác vào đời. Vì sao?
Tại đảo quốc Singapore mà tôi đang theo học, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học các trường cao đẳng (Polytechnic).
Các trường này mở rộng cửa cho các học sinh đang theo học lớp 12 cũng như các sinh viên đại học Việt Nam với các ngành nghề đa dạng như Công nghệ sinh học, Truyền thông, Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Quản trị kinh doanh…
Đường nào… “cũng sẽ tới La Mã”
Cùng được hưởng 80% hỗ trợ học phí của chính phủ Singapore, nhưng với mức học phí tương đối rẻ (2.000 SGD/học kỳ) so với đại học (4.000 – 4.500 SGD/học kỳ), có lẽ các trường cao đẳng đang trở thành một điểm nóng cho các du học sinh Việt Nam.
Thêm vào đó, do tiêu chí tuyển sinh khá dễ dàng của các trường cao đẳng so với đại học nên nhiều bạn đã chọn vào học một trường cao đẳng trước khi chuyển tiếp vào đại học nhằm có thêm thời gian để mài giũa cả vốn tiếng Anh và kiến thức chuyên môn của mình.
Cao đẳng không phải là con đường vòng để vào đại học, mà chính là một môi trường học tập và rèn luyện tốt cho các học sinh – sinh viên để có thể tự tin hơn trước khi bước vào môi trường cạnh tranh đại học quốc tế.
Không chỉ có du học sinh mới ưa chuộng mô hình cao đẳng, nhiều học sinh bản xứ Singapore cũng giữ cho mình một chỗ ngồi ở trường cao đẳng vì yêu thích môi trường năng động, thực tiễn ở các trường này.
Sau khi tốt nghiệp cấp II, các học sinh Singapore có thể chọn cho mình con đường vào các trường dự bị đại học (Junior College) hoặc vào cao đẳng (Polytechnic) trước khi chính thức bước vào đại học.
Thực tế và thực tiễn
So với các trường dự bị đại học, các trường cao đẳng đặc biệt chú trọng vào phần ứng dụng các kiến thức vào thực tế công việc với hàng loạt các dự án và các kỳ thực tập mà các bạn sinh viên sẽ phải trải qua.
Việc học của các bạn cũng thú vị hơn vì ít gánh nặng lý thuyết và ngập tràn bởi vô vàn các thí nghiệm, các buổi thuyết trình và các trải nghiệm thực tế.
Có thể ví môi trường cao đẳng là một công sở mini – nơi các sinh viên được học và áp dụng các kiến thức bổ ích vào công việc.
Và cũng chính vì đã rất quen thuộc với môi trường làm việc như thế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng đã chọn cho mình một công việc yêu thích mà không cần chuyển tiếp lên đại học.
Thậm chí, nếu có quyết định học tiếp lên đại học, thì quãng thời gian học cao đẳng cũng là một kinh nghiệm quý báu của các sinh viên vì ở chính nơi đây, họ được dạy cho cách tiếp cận vấn đề hiệu quả và sáng tạo nhất.
Môi trường cao đẳng không dạy nhiều kiến thức chuyên môn nhưng mài giũa cho họ một tư duy không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình.
Mỹ Phương – trước đây là sinh viên Cao đẳng Ngee Ann và hiện là sinh viên Đại học công nghệ Nanyang chia sẻ: “Việc học ở cao đẳng nhẹ nhàng hơn ở đại học rất nhiều, các hoạt động ngoài giờ lên lớp rất đa dạng, phong phú và lôi cuốn. Sinh viên được chia thành các lớp nhỏ từ 25 – 30 người, luôn bên cạnh nhau trong các hoạt động chính quy cũng như ngoại khóa. Điều đó đã làm cho mọi người gắn bó và yêu thương nhau hơn. Đại học thì rất khác, các giảng đường rộng lớn, ai ai cũng bận rộn và thiếu hẳn quan tâm đến nhau”.
Có thể nói, các trường cao đẳng ở Singapore là bước đệm tốt cho các học sinh đã quen với môi trường học đường Việt Nam trước khi đến với cánh cổng đại học đầy năng động, hối hả.
Các học sinh sẽ không cảm thấy căng thẳng và quá tải với khối lượng công việc và kiến thức rộng lớn của đại học vì ở các trường cao đẳng, chỉ cần nắm vững kiến thức phổ thông ở Việt Nam cộng với một chút cần cù, một chút siêng năng là có thể hoàn thành tốt chương trình học.
Chọn trường như thế nào?
Nhưng, liệu bạn phù hợp với trường cao đẳng nào ở Singapore? Trên đảo quốc này, có khá nhiều trường cao đẳng công lập, mỗi trường có một đặc điểm và thế mạnh riêng.
Cao đẳng Singapore đã được thành lập từ lâu, có truyền thống lâu đời và đã khẳng định tên tuổi của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy vậy, Cao đẳng Ngee Ann mới là điểm nóng với số lượng đơn đăng ký hàng đầu và đương nhiên, tỷ lệ chọi cũng cao nhất. Thế mạnh của Cao đẳng Ngee Ann là một trường trẻ, năng động với các trang thiết bị tối tân.
Không thua kém là Cao đẳng Republic với một phương pháp học mới, tăng cường tương tác giữa sinh viên với sinh viên và với giáo viên.
Các sinh viên được giao một đề tài nghiên cứu vào mỗi đầu ngày và có một ngày để hoàn thành các nghiên cứu, đánh giá về vấn đề đó trước khi được giáo viên đánh giá và góp ý vào cuối ngày.
Cách học này rất gần gũi với môi trường làm việc thực tế, giúp cho sinh viên có một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong việc đánh giá, nhìn nhận một vấn đề và rất được các nhà tuyển dụng yêu thích.
Và cuối cùng, điểm dừng chân cho các bạn yêu thích công nghệ và kỹ thuật chính là Cao đẳng Nanyang – nơi các sinh viên có thể thỏa thích theo đuổi ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu hay một kỹ sư có năng lực.
- Xem thêm: Có nên du học ở “high school”?
Điểm trừ cho các trường cao đẳng là việc thiếu thốn một chỗ sinh hoạt cho sinh viên. Các trường đại học với vốn đầu tư lớn của chính phủ thường tự xây dựng cho mình một hệ thống ký túc xá lớn và hiện đại cho sinh viên ngay trong khuôn viên của trường.
Vì thế, các tân sinh viên thường ít phải bận tâm về vấn đề nhà cửa, sinh hoạt trong những ngày đầu tiên bỡ ngỡ ở xứ người.
Ngược lại, sinh viên của các trường cao đẳng phải sớm tự tìm cho mình một chỗ ở ổn định, phải tự lo toan hết các vấn đề phát sinh như điện, nước, Internet và đi lại.
Thông tin về cách thức thi tuyển, ngành học, học phí có thể được tìm kiếm dễ dàng trên website của các trường cao đẳng.
Sự giúp đỡ của cộng đồng
Khó khăn, nhưng không phải là không thể khắc phục vì vẫn có các bậc đàn anh đàn chị đi trước sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo.
Thường thì 6 – 7 sinh viên sẽ họp lại tạo thành một “nhà” – ăn chung, sinh hoạt chung, giúp đỡ lẫn nhau và sẻ chia buồn vui.
Sớm xa nhà, thiếu sự bảo bọc và kiểm soát của gia đình, các sinh viên ắt hẳn cũng va vấp nhiều lần. Nhưng chính qua những va vấp, những sai sót đó mà họ nhanh chóng trưởng thành.
Sinh viên xa nhà dễ hư hỏng, bỏ bê việc học và trượt dài vào những cuộc vui. Điều quan trọng là, sau những phút trượt dài ấy, sẽ có những bàn tay của bạn bè kéo mình đứng dậy và cùng bước tiếp.
Với sinh viên xa nhà, những bạn cùng nhà – “housemate” thật sự là những người thân luôn ở bên để giúp mình vững bước.
Vì thế nên các bậc phụ huynh chắc cũng chẳng phải lo lắng gì khi cho con mình một thân một mình đi học ở một nơi xa như thế này. Các bạn rồi sẽ trưởng thành hơn với những kiến thức thu lượm được ở nhà trường và thực tế cuộc sống.
- Xem thêm: Chuẩn bị bằng cấp gì trước khi du học?
Tóm lại, cuộc sống và học tập ở bậc cao đẳng là một môi trường hoàn toàn khác hẳn với đại học. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để va chạm với thực tế cuộc sống và công việc, sẽ có nhiều những va vấp và nhanh chóng trưởng thành. Cao đẳng là một ngả rẽ năng động hơn, thực tiễn hơn cho các bạn tự tin bước vào đời.