Ngôn ngữ, chữ viết là phương tiện quan trọng để chuyển tải tri thức, văn hóa, đưa các dân tộc lại gần nhau hơn. Trong thời đại giáo dục 4.0, nét chữ hiểu theo nghĩa truyền thống xem ra chẳng còn mấy phù hợp nếu không muốn nói là đã lạc thời.
Lâu nay, giáo dục chúng ta truyền đời câu nói “Nét chữ, nết người”. Chữ càng đúng kiểu dáng, đường nét, kích cỡ, phượng múa rồng bay càng có “nét”; và chủ nhân của nét chữ ấy càng nên nết: chăm chỉ, cẩn trọng, kiên nhẫn, tài hoa… Ngược lại, chữ “như gà bới” thì tư cách người học cũng chẳng ra gì. Cách nghĩ này, công bằng mà nói, đem lại không ít tích cực.Đó là việc rèn luyện cho học sinh những phẩm chất đạo đức như tính cẩn thận, tính kỹ thuật, khiếu thẩm mỹ. Nhưng cũng từ sự thần tượng hóa nét chữ mà không ít cách hiểu, cùng với đó là cách triển khai, đánh giá bất cập. Chữ viết hoa là một minh chứng.
Áp lực dạy học
Nhìn những trang viết đẹp như in, nét thanh nét đậm, nét cong nét lượn trên cả tuyệt vời, ta khó mà kìm được tiếng xuýt xoa khen ngợi, thán phục. Thử hỏi, để có được thành quả ấy, thầy và trò đã vất vả đến thế nào?
Viết đúng đối với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, 2, 3 đã khó, huống chi là viết đẹp, lại là đẹp đối với kiểu chữ viết hoa. Những B, G, K, L, M, R, X… ngay cả người lớn đã khó, nói gì trẻ con. Đã thế, thời lượng trên lớp quá ít, mỗi tiết học chỉ từ 30 – 35 phút, mà thường dạy tới hai, ba chữ. Ngành giáo dục, giáo viên đã rất sáng tạo bằng cách hướng dẫn học sinh dùng ngón tay “viết” tưởng tượng trên mặt bàn, vào khoảng không trước mặt để có hình dung ban đầu, sau đó mới viết vào bảng con, vào vở.
- Xem thêm: Những chữ viết đầu tiên của nhân loại
Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Thiếu giờ, thầy mướt mồ hôi cầm tay chỉ việc, sửa chữa, uốn nắn học sinh; trò mím môi mím lợi, vẹo cổ mỏi tay… Giờ học trở thành phương tiện tra tấn cả trò lẫn thầy. Vậy là các trung tâm luyện chữ viết mọc lên, chuyển học sinh từ chỗ khổ này sang cảnh đày ải khác.
Lực cản hội nhập, vươn tầm
Nhiều thầy cô, phụ huynh than phiền học sinh càng lớn càng viết chữ xấu. Cũng phải thôi, chữ viết hoa – cái nét chữ góp phần tạo nên tính thẩm mĩ của chữ viết tiếng Việt theo quan niệm truyền thống – lên trung học cơ sở, trung học phổ thông đâu còn được chú trọng nữa. Dường như, qua cấp tiểu học, nó đã hoàn thành sứ mạng của mình.
Người dạy không đặt nặng vai trò này, kể cả việc thị phạm cũng như đánh giá bài kiểm tra viết của học sinh. Sự quá tải kiến thức khiến các em chẳng còn thời gian, tâm sức để rèn chữ viết. Vả lại, những bài thu hoạch, bài tập dự án đa phần soạn thảo trên máy tính. Nhiều học sinh phổ thông, sinh viên đại học hiện nay gõ bàn phím nhiều hơn là cầm bút. Chúng ta chỉ còn biết ngậm ngùi mượn lời Kiều: “Rằng… quên mất nết đi rồi”.
- Xem thêm: Chữ viết tay
Học sinh, sinh viên nước ngoài không cần hao sức nhọc tâm với chữ viết hoa như chúng ta. Chẳng lẽ họ mất, giảm “nết” người? Với kiến thức, kĩ năng về chữ viết hoa, khi du học, nhiều bạn trẻ Việt Nam chẳng có đất đâu mà dụng bút. Cái chữ hoa – niềm tự hào của nết người – giờ trở nên thừa thãi. Còn những sinh viên, học viên quốc tế đến Việt Nam, chữ hoa là thứ “kì văn dị tự”, nhớ được mặt chữ là tốt lắm rồi.
Không giống với các chữ viết Latinh khác, chữ viết tiếng Việt còn kèm thêm dấu ghi thanh điệu. Học sinh tiểu học viết đúng vị trí các dấu thanh tương ứng với hệ thống chữ ghi nguyên âm đơn, nguyên âm, viết đúng chính tả, ngữ pháp trong thời gian quy định đã khó, cộng thêm cái chữ viết hoa này thì quả là trần ai khoai củ.
Điều chỉnh cách hiểu để đổi mới cách làm
Ngôn ngữ, chữ viết là phương tiện quan trọng để chuyển tải tri thức, văn hóa, đưa các dân tộc lại gần nhau hơn. Trong thời đại giáo dục 4.0, nét chữ hiểu theo nghĩa truyền thống xem ra chẳng còn mấy phù hợp nếu không muốn nói là đã lạc thời. Nét chữ nên được hiểu là một năng lực quan trọng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đó không chỉ đơn thuần là hình thức chữ viết, quan trọng hơn, đó là khả năng lựa chọn, vận dụng ngôn ngữ bằng nhiều hình thức nói, viết, đa phương thức sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Văn hay chữ tốt; Ăn nên đọi, nói nên lời,… là vậy.
Chương trình phổ thông 2018 không quy định dạy chữ viết hoa ở lớp 1, 2. Lớp 1: “viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng”; lớp 2, ngoài yêu cầu như lớp 1, còn là “viết đúng tên người, tên địa lí phổ biến ở địa phương”. Lên lớp 3, về kĩ thuật viết, chương trình lúc này mới đặt ra yêu cầu “viết đúng chữ viết hoa”. Đây là một định hướng mới so với chương trình hiện hành, rất mở, rất linh hoạt, hiện đại. Theo đó, hai lớp đầu cấp, thậm chí mạnh dạn, quyết liệt hơn, cả cấp tiểu học, chỉ cần bắt buộc dạy và học chữ in hoa (A, B, M, T, X…).
- Xem thêm: Những nét chữ
Chúng ta vẫn có thể giới thiệu chữ viết hoa ở các lớp4, 5 hoặc ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh nhận biết, mở rộng kiến thức về chữ viết dân tộc. Em nào có năng khiếu, đam mê có thể tham gia các chuyên đề/ khóa học nâng cao về viết chữ nghệ thuật, thư pháp tiếng Việt. Điều đó sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tiêu phát triển cá tính người học, tinh thần tiếp thu văn hóa nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế trong phát triển Chương trình phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Ngữ văn nói riêng.