Theo báo cáo triển vọng toàn cầu quý 1 năm 2021 (Global Outlook Report Q1/2021) của bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu các thị trường (Global Economics & Markets Research) thuộc Ngân hàng UOB, tăng trưởng thực của kinh tế Việt Nam đạt mức 2,62% trong Quý 3/2020, tăng so với mức 0,39% của Quý 2/2020 do các hoạt động kinh tế phục hồi một phần từ đầu năm.
Đây là giai đoạn tăng trưởng sau khi có sự sụt giảm vào 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 3 quý đầu năm 2020, GDP tăng 2,12%, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng góp một nửa, ở mức 1,12%, trong khi lĩnh vực dịch vụ hồi phục với mức tăng 0,55%.
Số liệu sản xuất và thương mại gần đây của Việt Nam cho thấy các hoạt động kinh tế đang dần phục hồi. Tuy nhiên, giống như nhiều nền kinh tế trong khu vực, ngành du lịch lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đóng cửa biên giới và cách ly xã hội, cũng như làn sóng liên tiếp các ca nhiễm COVID-19 ở nhiều nước.
Sau khi sụt giảm vào tháng 4 và 5 vì dịch COVID-19 toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng liên tục trong 6 tháng vào tháng 11, tăng 8,8% so với năm trước, tăng 12,1% so với tháng 10, theo số liệu từ Tổng cục thống kê của Việt Nam. Nhập khẩu tăng liên tiếp trong 4 tháng, trong tháng 11 đạt mức tăng 13,4% so với năm trước.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tăng 5,2% so với năm trước, đạt mức 254,3 tỷ đôla Mỹ, trong khi nhập khẩu tăng 1% so với năm trước, đạt 234,1 tỷ đôla Mỹ, tạo ra thăng dư thương mại kỷ lục là 20,2 tỷ đôla Mỹ trong 11 tháng của năm 2020, gần gấp đôi mức 10,4 tỷ đôla Mỹ trong cả năm 2019.
Thặng dư thương mại tăng sẽ thúc đẩy vị thế của Việt Nam về ngoại hối ở mức lành mạnh là 2,3% tổng GDP trong năm nay. Giả sử ngoại hối tiếp tục tăng trong tháng 12, cả xuất khẩu và nhập khẩu sẽ vượt mức cao nhất của năm 2019.
Sản lượng sản xuất tăng 9,2% so với năm ngoái trong tháng 11, so với mức tăng 5,4% so với năm ngoái hồi tháng 10, là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp, mặc dù thấp hơn nhiều mức tăng trưởng hai con số của các năm vừa qua. Doanh số bán lẻ cũng tăng tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 2,03% so với năm ngoái trong tháng 11, so với 1,3% của tháng 10, sau 5 tháng sụt giảm liên tiếp.
Nhìn chung, chúng ta tiếp tục kỳ vọng các hoạt động kinh doanh mở lại trong quý 4/2020 nhưng tốc độ sẽ bị giới hạn bởi diễn biến cụ thể của dịch COVID-19. Sự không đồng đều về tốc độ phục hồi sẽ tiếp tục, ví dụ sẽ nhanh hơn ở các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, trong khi những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào con người như du lịch, bán lẻ, giải trí sẽ phục hồi chậm hơn. Trong khi chúng ta có thể kỳ vọng sự chênh lệch tốc độ phục hồi sẽ bớt dần, mọi chuyện còn phụ thuộc vào tốc độ triển khai vaccine COVID-19 trên toàn cầu.
Theo đó, ngân hàng UOB đã đưa ra dự đoán của riêng mình là Việt Nam đạt mức tăng GDP trong quý 4/2020 là 4% so với năm trước, tăng GDP cả năm 2020 đạt 2,7% và sẽ đạt 7,1% vào năm 2021. Mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Việt Nam theo kế hoạch là 2-3% cho năm 2020 và 6% cho năm 2021.