Thời gian qua, khi giá nhà ở đang xuống dần đến ngưỡng chấp nhận được, những người có nhu cầu và có khả năng tài chính bắt đầu tìm cho mình một chỗ an cư. Tuy nhiên, không phải ai có nhu cầu về nhà ở cũng có khả năng tài chính đó. Luôn tồn tại một bộ phận lớn dân nghèo thành thị không có khả năng sở hữu nhà ở và rất khó khăn trong việc tìm kiếm để thuê được một chỗ ở với điều kiện cơ sở vật chất tương đối và giá cả hợp lý. Với những người này, sở hữu một căn hộ nhỏ dù là giá rẻ hoặc thuộc diện nhà ở xã hội cũng là ngoài tầm với. Thế nhưng, các chính sách gần đây dường như chỉ hướng tới việc mọi người dân đều có cơ hội sở hữu nhà ở, nên đã khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội để bán nhằm được hưởng những ưu đãi từ chính sách về thuế, về vay vốn… Người thu nhập thấp chưa có nhà thì được tạo điều kiện vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Có thể nói, những chính sách này đúng nhưng chưa đủ, vì đã bỏ qua một bộ phận lớn người nghèo đô thị không có khả năng mua nhà. Để giải quyết vấn đề này, nên chăng các chính sách cần tập trung hơn nữa vào việc làm sao để mọi người đều có chỗ ở với giá cả hợp lý. Việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho những người có thu nhập thấp phải được ưu tiên. Hiện tại, nhà ở xã hội dành để cho thuê còn quá ít, do chính sách ưu đãi dành cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nghị định 188 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội quy định rõ là chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích sàn nhà ở trong phạm vi dự án để cho thuê, sau thời gian tối thiểu là năm năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê mới được phép bán quỹ nhà ở này. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này nghiêm túc đến đâu là điều đáng bàn.
Đối với nhiều người nghèo đô thị, nhà ở xã hội vẫn nằm ngoài tầm với
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã xây dựng được 98 dự án nhà ở xã hội với khoảng 36 ngàn căn hộ và tiếp tục triển khai 129 dự án với quy mô xây dựng khoảng 55 ngàn căn hộ. Nhà ở xã hội đã ít, nhà ở xã hội dành để cho thuê lại càng ít. Hiện Hà Nội chỉ có ba dự án sử dụng quỹ đất 20% được quy định phải dành cho xây dựng nhà ở xã hội đang tiến hành xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua với quy mô chưa đến 1.500 căn hộ. Tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có hai dự án căn hộ nhà ở xã hội cho thuê mua hoàn thành, với tổng cộng 226 căn. Nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê quá ít tại các đô thị lớn một phần do thiếu các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia, trong khi lãi suất, tiền sử dụng đất, thuế quá cao… Các doanh nghiệp ngại đầu tư vốn vào xây nhà ở xã hội cho thuê do cần có thời gian thu hồi vốn dài, nên chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi nhanh đồng vốn.
Để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi đã dành một chương để quy định về chính sách nhà ở xã hội. Trong đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, miễn, giảm tiền sử dụng đất và có các hình thức hỗ trợ về tài chính để các đối tượng khó khăn có điều kiện cải thiện nhà ở… Đặc biệt, dự thảo cũng quy định yêu cầu chính quyền địa phương phải quy hoạch các khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Chỉ khi những điều này được thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê mới tăng lên và khi ấy, nhiều người nghèo đô thị mới có được chỗ an cư đúng nghĩa.
Hồng Thuận