Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế của chúng ta chậm phát triển là năng suất lao động vẫn còn thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu ra giữa tuần qua nhân Diễn đàn Phát triển Kinh tế Việt Nam. Theo ông Cung, dù năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn cách biệt khá lớn.
Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016; với Malaysia từ 6,6 lần xuống còn 5,7 lần, với Thái Lan từ 2,9 lần xuống còn 2,7.
Nguyên nhân chính dẫn tới năng suất thấp là do bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, không có nhiều chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, từ khu vực phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức, không có sự thúc ép cải cách công nghệ, máy móc và trình độ tay nghề; nền kinh tế vẫn thâm dụng tài nguyên, nhiên liệu và nhân công cao, trong khi chưa coi tiến bộ khoa học là chìa khóa, động lực chính của nền kinh tế…
Tốc độ gia tăng giá trị của kinh tế tư nhân tương đối cao, liên tục cải thiện trong các năm gần đây nhưng không thu hút thêm lao động, không tạo thêm công ăn việc làm tương xứng. Khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả thấp nhưng quy mô kinh tế nhà nước không giảm đáng kể. Doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn cao, năng suất vốn lại thấp nhất trong khu vực và thâm dụng vốn không gắn với đầu tư đổi mới công nghệ…
Có cùng suy nghĩ như trên, ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, trong năm năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được mức hồi phục tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng tiếp tục có quan ngại tăng trưởng năng suất lao động yếu.
Cụ thể, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam thì Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. Mức tăng trưởng năng suất lao động thấp như vậy sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước này – ông Ousmane nhận định.
Sau khi lắng nghe nhiều báo cáo của nhiều chuyên gia về thực trạng năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng bằng vốn, lao động giản đơn trong khi việc đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam. Chúng ta cần sự hỗ trợ, sự tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp tìm ra giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang lan tỏa nhanh chóng. Nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ nâng cao năng suất người lao động, mà còn năng suất vốn. Cải thiện năng suất là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cải cách năng suất đi liền với xây dựng tiền lương, tiền công theo thị trường, tăng tiền lương cần theo năng suất lao động”.
Năng suất lao động và tiền lương là hai mặt của một vấn đề phát triển kinh tế xã hội.
Việc quy định hệ số lương theo cấp nhân trong khối nhà nước của Việt Nam như hiện nay làm cho việc điều chỉnh, tính toán lương phức tạp, gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, khó so sánh tương quan giữa khu vực công-tư đối với những vị trí, cấp bậc tương đương.
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”, do Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, tổ chức ngày 13-12.
Cũng chính vì những bất cập về chính sách tiền lương hiện nay, nên tại hội thảo nhiều chuyên gia và đại diện hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị cho việc cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới nhằm tạo ra động lực tăng năng suất lao động và sự tăng trưởng của kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng hạn chế của việc quy định trình độ bằng cấp chuyên môn có thể gây ra phân biệt trong trả lương mà không coi trọng hiệu quả công việc. Do đó, Việt Nam nên thiết kế chế độ lương dựa trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp. Bởi, dựa trên bằng cấp càng làm cho hệ thống lương phức tạp hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tham dự hội thảo nhận định rằng, cải cách tiền lương nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và tác động trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết.
“Việt Nam đang có nhiều thuận lợi hơn trong cải cách lương bởi Đảng và Chính phủ đang quyết tâm rất cao trong việc đổi mới hoạt động, tinh gọn bộ máy, vận hành nền kinh tế – xã hội theo các quy luật của thị trường”, bà Lan nói.
Chỉ đạo hội thảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng lần cải cách tiền lương này sẽ tiếp nối thành tựu của các lần cải cách trước đây và phải cải cách mạnh mẽ, căn bản hơn.
Phó thủ tướng đề nghị Tổ soạn thảo đề án cải cách tiền lương nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo ví trí việc làm, coi đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nền hành chính năng động.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trả lương theo chức nghiệp là việc sắp xếp vị trí vào các ngạch lương nhất định và mỗi ngạch có nhiều bậc. Cách thức này tạo ra ổn định trong hệ thống công chức để gắn bó lâu dài, làm việc suốt đời trong hệ thống hành chính, tạo ra hệ thống thang bảng lương đơn giản, thăng tiến dựa vào thâm niên và trình độ đào tạo nhưng ít tạo động lực cạnh tranh, phấn đấu theo hiệu quả và làm tăng biên chế.
Còn trả lương theo vị trí việc làm là trả lương theo thứ bậc, tính chất công việc gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Với cách thức này sẽ kích thích cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhưng có nhược điểm là thiếu ổn định.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho biết kinh nghiệm của nhiều nước là áp dụng linh hoạt hai hình thức này và đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ cách thức áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.
“Mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối. Ngoài ra, nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực”, Phó thủ tướng nói.