Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tệ nạn tham nhũng đe dọa việc thực thi các kế hoạch dẫn đến sự hợp nhất kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đang được cả thế giới theo dõi. Trong một báo cáo công bố vào ngày 23-4 vừa qua, tổ chức này kêu gọi các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập một bộ phận chịu trách nhiệm đề ra các nguyên tắc chống tham nhũng trong khuôn khổ một cộng đồng kinh tế khu vực. Chủ tịch của Minh bạch Quốc tế Indonesia là bà Natalia Soebagjo cho rằng Đông Nam Á là khu vực có nhiều nền kinh tế giàu có và phát triển nhanh, nhưng cũng là nơi có nhiều người nghèo nhất hành tinh. Theo bà, chống tham nhũng trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội.
Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu rõ tình trạng tham nhũng tiếp tục hoành hành tại nhiều nước Đông Nam Á, chỉ số minh bạch trung bình của chín trong 10 nước Đông Nam Á là 38/100, theo quy ước 100/100 là hoàn toàn trong sạch, còn 0/100 là tham nhũng cao nhất. Mặt khác, trong một cuộc thăm dò rộng rãi tại các nước ASEAN, gần 50% những người được tiếp xúc tin rằng nạn tham nhũng đang gia tăng, chỉ có 1/3 cho rằng chính phủ nước họ đã chống tham nhũng có hiệu quả. Một số chính khách đang đề nghị thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN (tạm dịch từ “ASEAN Integrity Community”), thông qua tổ chức này, ASEAN có thể thiết lập những chính sách chống tham nhũng hữu hiệu, nâng cao sự hợp tác chống tham nhũng giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện cho xã hội dân sự và giới doanh nhân tham gia vào mục tiêu quan trọng này. Các chính phủ Malaysia và Myanmar đã sẵn sàng hỗ trợ cho việc thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN, tuy nhiên theo ông Srirak Plipat, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cần tổ chức nhiều hội nghị cấp bộ trưởng để thực hiện các chương trình hành động, mặt khác, một nền tảng xã hội dân sự và doanh nghiệp cũng cần được hình thành để đóng góp vào sự nghiệp chung của cộng đồng ASEAN.
Minh Chiếm theo IPS, Bangkok Post (DNSGCT)