Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và lập kế hoạch tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp tại Phố Wall, mới đây, trên tờ Business Insider, Alan Moore – chuyên gia tài chính, đồng sáng lập của hai tổ chức XY Planning Network và Serenity Financial Consulting chuyên về tư vấn tài chính cá nhân và doanh nghiệp – đã chia sẻ những kinh nghiệm mà ông thường dùng để tư vấn cho khách hàng của mình nhằm giúp họ xây dựng một nền tảng tài chính bền vững trong tương lai.
1. Nhớ trả tiền cho chính mình
Giống như bài học trong quyển Người giàu có nhất thành Babylon của George S. Clason, khái niệm quan trọng nhất Alan Moore luôn đề cập với khách hàng của mình trước tiên, đó là hãy hiểu việc trả tiền cho chính mình.
Nếu bạn nhận mức lương 20 triệu đồng/tháng và dành 19 triệu đồng để trả cho những khoản chi tiêu như nhà cửa, sinh hoạt phí, tiếp khách, xăng xe, các món trả góp hay mua sắm… thì mỗi tháng bạn thực sự chỉ trả cho chính mình 1 triệu đồng. Thật khó để mơ mộng một viễn cảnh tài chính tươi sáng trong tương lai gần!
Vì vậy, hãy làm quen với khái niệm chi trả cho mình và đặt làm ưu tiên hàng đầu mỗi khi nhận lương hay một khoản thu nhập nào đó, trước khi nghĩ những khoản chi khác.
2. Tập trung vào thu nhập
Theo lý thuyết kinh tế đơn giản, lợi nhuận = doanh thu – chi phí, vì vậy, nếu muốn tăng lợi nhuận, là khoản tiền trả cho mình như đã nêu trên, bạn có bốn lựa chọn: tăng doanh thu, giảm chi phí, làm mức tăng doanh thu lớn hơn mức tăng chi phí, hoặc vừa tăng doanh thu vừa giảm chi phí. Bạn có thể chọn một trong bốn cách này, tuy nhiên Alan Moore luôn muốn khách hàng của ông tập trung để tìm giải pháp nhằm tăng thêm thu nhập hằng tháng hoặc hằng năm của họ ở mức tối đa. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ông không khuyến khích họ tiết kiệm nhiều hơn, mà bởi theo Alan, việc bạn tìm giải pháp để tăng thu nhập của bạn mỗi tháng lên 1 triệu đồng sẽ dễ dàng hơn và ý nghĩa hơn nhiều cho cuộc sống của bạn so với việc phải tìm mọi cách để tiết kiệm thêm mỗi tháng 1 triệu đồng.
Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm tư vấn của mình, Alan Moore nhận thấy những khách hàng kiên định giữ mức chi tiêu trung bình từ 50 – 60% tổng thu nhập sẽ nhanh chóng hoàn thành kế hoạch tài chính hơn những người thường chi tiêu quá lố.
3. Đầu tư cho mình trước khi tập trung tiết kiệm để nghỉ hưu
Đầu tư, khiến tiền bạc làm việc cho bạn luôn là một phương pháp kiếm tiền bền vững nhưng rất khó khăn. Ngay những bậc thầy về đầu tư như Warren Buffett cũng không tránh khỏi những quyết định đầu tư sai lầm (từng mất khoảng 1,122 tỉ USD khi đầu tư vào trái phiếu của Energy Future Holdings, năm 2012). Vì vậy, khi còn trẻ, thay vì nghĩ đến việc tiết kiệm để nghỉ hưu, bạn nên đầu tư cho chính mình, tập trung vào việc tăng thu nhập bằng việc tham gia những khóa học ngắn hạn, gặp gỡ những người thành công, trải nghiệm những phương pháp kiếm tiền khác nhau… sẽ giúp bạn học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Điều đó sẽ giúp bạn giàu có nhanh hơn và có một cuộc sống thú vị hơn so với việc chỉ tập trung dành dụm thật nhiều.
4. Doanh nhân là một hình mẫu tốt của độc lập tài chính
Khi có toàn quyền quyết định về công việc, thu nhập và thời gian của mình, bạn đang thực sự được trải nghiệm cụm từ “độc lập tài chính”. Dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng nếu luôn bị chi phối bởi những yếu tố trên thì bạn khó có được cảm giác “độc lập”.
Là doanh nhân, theo Alan, không đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành chủ doanh nghiệp, phải điều hành nhiều nhân viên. Bạn chỉ cần xây dựng cho mình một hình thức kinh doanh (có thể đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản…) mà bạn hoàn toàn chủ động trong việc tạo thu nhập cho mình là được.
5. Không mua nhà
Alan Moore thường phải dành phần lớn thời gian tư vấn của mình để trao đổi với khách hàng của ông những vấn đề về nhà cửa. Cho dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, những bất động sản mua với mục đích sở hữu bằng hình thức trả góp 5-20 năm luôn là sự lựa chọn kém hợp lý trong kế hoạch tài chính.
Những bất động sản đểở thường có tính thanh khoản kém, tốn nhiều chi phí duy trì, chưa kể khoản nợ trả góp hằng tháng, hằng quý. Những khái niệm về nợ tốt hay nợ xấu chỉ là quan niệm tài chính, với Alan, nợ dù tốt hay xấu đều là nợ và nợ thì không thể mang lại cho bạn một cuộc sống hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một căn nhà – một gánh nặng tài chính – còn ngăn cản bạn đưa ra quyết định về cơ hội nghề nghiệp mới, vị trí công việc, trải nghiệm cuộc sống mới ở nhiều nơi khác nhau.
Nếu đã lập kế hoạch về hưu cho mình, hình dung nơi muốn sống và sở thích theo đuổi một cách rõ ràng khi về hưu thì bạn hãy nghĩ đến chuyện mua nhà. Nếu không, hãy ở nhà thuê và chỉ mua nhà nếu nó mang lại lợi nhuận cho bạn.
- Tuấn Thành