Chặng dừng chân đầu tiên tại Nhật Bản trong chuyến công du bốn nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thu hút sự chú ý của công luận, bởi vị trí kinh tế và quốc phòng của Nhật có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh châu Á đang có nhiều bất ổn, nhất là trong mối quan hệ Nhật – Trung Quốc về vấn đề biển Hoa Đông. Theo các nhà bình luận, nội dung cuộc thảo luận của hai phái đoàn Mỹ – Nhật có liên quan cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực. Về kinh tế, hai bên thảo luận về Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa ước thương mại lớn có liên quan đến 12 nước trong vùng. Ông Obama yêu cầu Nhật mở rộng cửa hơn nữa cho hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Phần lớn thời gian còn lại dành cho các phiên họp bàn về những biến động ngày càng gay gắt trên vùng biển châu Á nói chung và vùng biển Hoa Đông nói riêng. Người ta chờ đợi một sự cam kết rõ ràng của Mỹ dành cho đồng minh Nhật trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra quyết liệt với Trung Quốc và những gì ông Obama tuyên bố còn vượt quá sự mong đợi của Tokyo. Ông Obama tuyên bố rằng nhóm đảo nằm trong sự tranh chấp với Bắc Kinh được đặt trong khuôn khổ một cam kết là Mỹ sẽ hành động nếu như Nhật Bản bị tấn công. Hẳn nhiên ai cũng biết rằng ông muốn nói tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đã xác định chủ quyền còn Trung Quốc đang tạo ra một áp lực mạnh mẽ tại đây bằng những chuyến bay trên khu vực, cùng những chuyến tàu vũ trang tiếp cận quần đảo. Trong một bài trả lời bằng văn bản dành cho tờ nhật báo Nhật Yomiuri Shimbun, ông Obama khẳng định sẽ chống lại bất cứ mưu định nào nhằm làm tổn hại quyền kiểm soát của chính quyền Nhật ở các hòn đảo đang tranh chấp, cụ thể là lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư nếu như Trung Quốc cố tình muốn cưỡng chiếm bằng vũ lực. Tuy nhiên, sau đó, ông Obama cũng kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh hãy nỗ lực hơn nữa trong việc tìm một tiếng nói chung giữa hai phía.
Một phiên họp của hai phái đoàn Mỹ – Nhật tại Tokyo
Không ai ngạc nhiên về những cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á trước sự phô trương quyền lực ngày càng mạnh của Trung Quốc, song cách phát biểu thẳng, không úp mở của ông Obama cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Tất nhiên người ta chờ đợi phản ứng từ phía Trung Quốc. Trước tiên, tờBắc Kinh thời báo chỉ trích thái độ phấn khởi của giới truyền thông Nhật Bản trong cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ, nhất là tờYomiuri Shimbun đã dành hẳn năm trang để tường thuật và bình luận về những lời tuyên bố của ông Obama. Một số nhà bình luận khác ở Bắc Kinh cho rằng trong chuyến viếng thăm châu Á lần này, ông Obama đã phát biểu dưới sức ép của các nhóm diều hâu chống Trung Quốc ở Mỹ. Trên lập trường chính thức, ngày 23-4-2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản kháng lại quan điểm của phía Mỹ. Người phát ngôn của bộ này là ông Tần Cương tuyên bố “cái gọi là đồng minh Mỹ – Nhật là một sự dàn xếp tay đôi kể từ Chiến tranh lạnh và không được làm tổn thương chủ quyền đất đai và những quyền lợi phù hợp với lẽ phải của Trung Quốc”. Bắc Kinh có đủ lý do để lo ngại về chủ trương của Mỹ nhằm tái cân bằng thế lực tại châu Á, nhất là sau chuyến thăm Nhật, ông sẽ thăm tiếp ba nước Hàn Quốc, Malaysia và Philippines, vốn là những nơi đang có các mối quan hệ không tốt đẹp gì với Trung Quốc.
Lê Nguyễn tổng hợp