Giáo sư Hà Quang Hộ, Học viện triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phê phán: “Là con người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác… Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (tức Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” của Trung Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”.
Còn Giáo sư Trương Thự Quang, Đại học Tứ Xuyên, thì nhấn mạnh không thể tự vẽ ra đường lưỡi bò: “Quyền lợi của Trung Quốc cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì Trung Quốc không có quyền”.
Giáo sư Trương Kỳ Phạm, Học viện Pháp luật – Đại học Bắc Kinh, tỏ ra gay gắt hơn khi nói thẳng: “Tôi rất không đồng tình với kiểu hành xử chính trị quốc tế theo luật rừng. Cần giải quyết theo luật quốc tế và theo Luật Biển”.
Còn nhớ, hồi tháng 11 năm ngoái, tại một hội thảo diễn ra tại Washington (Mỹ) do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức với sự tham dự của hơn 150 học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo đến từ nhiều nước, các học giả và chuyên gia quốc tế đã phản bác các lập luận của Trung Quốc về chủ quyền đường lưỡi bò trên Biển Đông.
Bà Caitlyn Antrim – Giám đốc Ủy ban Pháp quyền đại dương của Mỹ – khẳng định, tuyên bố đường lưỡi bò không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ. Bà Antrim nói: “Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu, thậm chí không có giá trị theo luật pháp quốc tế”.
Những chứng cứ trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số tư liệu lịch sử vạch trần tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này giải thích tại sao Trung Quốc luôn né tránh đem vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra phân xử trước các định chế quốc tế.
Nguyễn Nam tổng hợp
Ảnh TTXVN