Đường lưỡi bò: sự hoang tưởng
Sự kiện gây quan ngại nhiều nhất chính là việc ngày 7-5-2009 Trung Quốc chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên tấm bản đồ thể hiện đường lưỡi bò (còn gọi là đường chữ U hay đường đứt khúc chín đoạn) trên Biển Đông, yêu sách không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó.
Đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%.
Chỉ một ngày sau đó, Việt Nam, Malaysia và sau đó là Indonesia đã lập tức lên tiếng phản đối và bác bỏ. Tiếp theo, ngày
5-4-2011 Philippines gửi thư ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời cho rằng tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là “không có căn cứ theo luật quốc tế”.
Thực tế, theo các tác giả Trung Quốc, đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Đông The Location Map of the South China Sea Islands do Fu Jiaojin, Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc xuất bản vào năm 1947.
Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng đường này do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947, một viên chức người Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin về việc Pháp chiếm đóng các đảo Trường Sa năm 1933. Tuy nhiên, các tác giả Trung Quốc cũng phải khách quan thừa nhận “không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?”.
Ngoài ra, Daniel Schaeffer – nguyên tùy viên quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan – trong “Biển Nam Trung Hoa: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò” và các nhà nghiên cứu nước ngoài khác cũng đều khẳng định rằng bản đồ đường lưỡi bò này xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân, chứ không phải của Nhà nước.
Học giả Trung Quốc thừa nhận đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý
Nhiều học giả Trung Quốc đã đặt lại vấn đề về cái gọi là “đường lưỡi bò” và cách hành xử của Trung Quốc.
Tại hội thảo liên quan đến tranh chấp Biển Đông ngày 14-6-2012 do Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử
Sina.com tổ chức, nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức Hải dương Trung Quốc, nói rằng “Chúng ta vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật… Đường lưỡi bò (chiếm gần 80% Biển Đông) là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974”.