Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh là “trung râm” sách cũ của cả nước, với khoảng vài chục hiệu sách rải rác ở khắp các quận nội ngoại thành với những biểu hiện sinh động và đa dạng dù có những lúc thăng trầm.
Một thời vang bóng
Trước năm 1975, sách cũ Sài Gòn chủ yếu bày bán ở “chợ sách chạy” trên lề đường ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nay). Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa (Phố sách Sài Gòn xưa, 2018), ngoài ra còn có những điểm bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (đường Cách Mạng Tháng Tám nay), bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (đường Trần Huy Liệu nay)…
Năm 1954, các khu bán sách cũ tập trung ở đường Cao Thắng, rồi phát triển ra khu vực chợ Cũ, đổ bán từng đống trên lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ. Trên lề đường Phạm Ngũ Lão (Công viên 23/9 nay), kéo dài xuống ngã tư Ký Con cũng có các quầy sách cũ. Sau ngày 30.4.1975, khu sách cũ Lê Lợi tự động giải tán, một số chủ quầy trở thành những người bán sách dạo ở đường Lê Lợi gần Thư viện Abraham Lincoln (khách sạn Rex nay).
Một thời gian sau, những người bán sách cũ được sắp xếp lại để vào bán ở chợ Dân Sinh (đường Yersin, quận 1). Nhưng do nằm trong khuôn viên chợ, lại xen giữa những gian hàng bán quần áo, vật dụng đồ nghề cũ, phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, nên hầu như họ không bán được. Vài tháng sau, các chủ sách chuyển về bán ở đường Đặng Thị Nhu gần đó, khi thành phố đã sắp xếp được một điểm bán sách lý tưởng.
Đây là một con đường nhỏ, dài chừng 200m, nằm vắt ngang hai đường Calmette và Ký Con, ở ngay khu vực trung tâm thành phố nên lúc nào cũng mua bán sôi động. Các sạp ở đây đóng cặp vào nhau từng đôi một, chừa lối đi hẹp hai bên hông, mỗi sạp chừng 3 – 4m2. Có khoảng gần 100 sạp như vậy. Sạp của cô Thủy, sau này dời về bán ở đường Lê Quang Định, mang số 86. Nơi đây bày bán đủ thứ, không chỉ có sách cũ mà bán đủ các loại văn hóa phẩm như băng dĩa nhạc, tiền xưa, tem cũ… Trong mỗi ô sạp, người chủ hàng ngồi lọt giữa những chồng sách cao lút đầu người. Sách còn treo lủng lẳng trên các lối đi.
Đúng là cả một “thiên đường” với những cơ man nào là sách, địa chỉ quen thuộc của những tay chơi sách Hà thành hay ở bất cứ nơi nào tìm đến đất Sài thành. Nhớ hồi còn khi còn học lớp 10 ở Trường PTTH Nhà Bè (nay là Trường PTTH Ngô Quyền), tôi đã tha về từ đây quyển atlas thế giới to đùng bằng tiếng Nga, mà lòng cứ khấp khởi mừng với số tiền dành dụm được. Một “thế giới” mở ra từ đó ở tuổi hoa mộng, vì mê địa lý nên ráng mày mò mấy chữ tiếng Nga để đọc cho ra các địa danh trong cuốn atlas này!
Khoảng những năm 1983-1984, sau khi chợ sách cũ Đặng Thị Nhu bị dẹp, những người bán sách cũ lại quy tụ về cửa hàng nằm ngay góc ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1). Cửa hàng do nhà nước mở ra, dưới hình thức “liên doanh” giữa các chủ sách cũ, có đến 5-7 chủ cùng bán chung, mỗi người chiếm lĩnh một góc. Cửa hàng sách 40 Nguyễn Huệ cũng có chỗ dành riêng cho những quầy sách cũ, bên cạnh việc phát hành sách mới.
Vào thời điểm này, đã xuất hiện một “chợ sách chạy” trên vỉa hè đường Kỳ Đồng (quận 3), khiến các anh cảnh sát giao thông phải vất vả đi gom dẹp. Hành nghề nơi đây phải chịu cảnh bị đuổi chạy vòng vòng vì mua bán “trái phép”, lấn chiếm lòng lề đường.
Có cửa tiệm hẳn hoi và chủ yếu dành cho khách nước ngoài là hai chủ hiệu sách ở trung tâm thành phố. Một là hiệu sách Xuân Thu, mà sau này Công ty FAHASA lấy đặt tên cho nhà sách ngoại văn ở đường Đồng Khởi (đối diện khách sạn Continetal), nằm trong khu thương xá gần rạp hát Eden, bây giờ là Trung tâm Thương mại Eden.
Hiệu sách này có 2 lối vào, từ đường Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, có máy lạnh mát rượi. Cô chủ tên Tài dáng người nhỏ con, tuy hơi khó tính nhưng rất ân cần với khách. Đối với tôi và chắc cũng như nhiều người mê sách, thì đó là một “kho tàng” tài liệu khảo cứu quý giá, bởi vì bán toàn sách “xịn” về lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước, nhất là sách thời Pháp và của miền Nam trước năm 1975.
- Xem thêm: Mùi sách
Nhiều lần ghé hiệu sách này, tôi cứ mân mê những cuốn sách quý, hỏi giá và đành ra về với tay không với sự thèm thuồng không dứt, mà vẫn cứ hay thích ghé lại. Anh Dũng, người cháu của cô Tài ngày trước bán sách chung ở cửa hàng này, về mở hiệu sách 209 Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh), sau lưng chợ Bà Chiểu, bán các loại sách nghiên cứu về văn học, sử, triết… Hiệu sách Lan Anh ở số 201 Đồng Khởi (gần góc đường Lê Thánh Tôn), nằm cạnh Saigontourist, cũng là địa chỉ ghé thăm thường xuyên của những khách hàng tìm tài liệu về lịch sử, văn hóa Đông Dương, Việt Nam xưa, nhất là sách tiếng Pháp.
Khoảng những năm 1985 trở đi, chợ sách cũ lại “nhóm họp” về đường Nguyễn Thị Minh Khai, với khoảng chục tiệm, chủ yếu nằm phía bên trường học Thăng Long bây giờ. Nơi đây là một phố sách cũ có tiếng trong Nam ngoài Bắc, với những cuốn quý hiếm và giá cũng khá “cứng” nữa.
Nhiều lần, chúng tôi phải làm xe ôm chở các ông bạn Hà Nội đến đây tìm sách, trong đó có cả nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Lần khác thì đi với anh Phạm Ngô Minh, một tay sưu tầm sách có tiếng ở Đà Nẵng. Ở đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tác giả của các cuốn sách, cũng là những người hay lùng sục sách cũ cho công việc của mình.
Có lần tôi đã gặp những người quen như các thầy Phan Nhật Chiêu, Nguyễn Quốc Lộc, Phan Lạc Tuyên… Các nhà sách mới như Minh Khai, Hà Nội thấy được tiềm năng kinh doanh của con phố này nên đã quy tụ về đây. Trong khi ngược lại, là sự ra đi của các hiệu sách cũ. Hiện chỉ còn lại 2 hiệu sách cũ trên con phố này, tiệm Quang Huy của em Linh, ở gần nhà sách Cá Chép và tiệm 470 (quận 3) ở phía bên kia đường.
Nhưng để đủ sở hụi thì giờ đây các hiệu sách này cũng phải bán cả sách mới và cũ, cũng để tiện cho người mua. Có một dạo, nhà sách Hà Nội dù chuyên bán sách mới nhưng vẫn nhận ký gửi những sách cũ thuộc dạng khảo cứu, tiếc là bây giờ cũng đã dời về đường Lạc Long Quân (quận 11).
Đến thập niên 1990, phố sách cũ lại một lần nữa “trôi dạt” về đường Trần Nhân Tôn (quận 10) với chừng 20 hiệu sách ở đường Đặng Thị Nhu của hơn 30 năm về trước. Thoạt đầu, nơi đây chỉ là những xe bán sách, tạp chí cũ, sẵn sàng “cơ động” vì… lấn chiếm lòng lề đường. Hiện nay, có 14 tiệm, bán cả sách cũ lẫn mới, phát hành cả lịch vào cuối năm.
Mấy tiệm ở gần góc đường Trần Phú thì có thế mạnh về truyện tranh bộ. Dần dần, khách mua cũng biết đến khu sách cũ này nhiều hơn. Giá thuê mặt bằng nơi đây nhẹ hơn ở khu sách cũ Minh Khai, nằm gần nhiều trường học, tọa lạc trên trục đường thuận tiện mua bán, nên thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên, người ham đọc sách. Một vài hiệu sách bán cho đến 19 giờ, nhận yêu cầu đặt sách của khách, có thể thiếu lại nếu là khách quen.
Hiệu sách “Phước Hậu” của anh Hậu lớn nhất ở phố sách này với cơ man những sách báo, nguồn sách rất phong phú, sách được phân chia theo từng lĩnh vực, rất tiện cho người xem. Mặt tường bên trong cùng là chỗ để một dãy các từ điển đủ loại, có tủ kiếng bày những cuốn quý hiếm cho khách có tiền. Ngày trước, anh cũng có tiệm sách cũ ở phố sách Nguyễn Thị Minh Khai. Cách bán hàng lịch sự của anh và mức giá hợp lý, nguồn hàng phong phú, nên khiến cho khách hàng luôn muốn ghé lại ở những lần sau. Một số phim cũng chọn nơi đây làm bối cảnh.
Hiện vẫn còn một “chiếu hàng” trước tòa nhà Lottery Tower, chỗ Công ty Xổ số kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh và xe sách di động bên kia đường của em Hạnh, cặp vách nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. Em nhà ở Bình Thạnh, có chồng chạy lấy hàng nên nguồn hàng lúc nào cũng có, bán ở đây đã được 7 năm, thoạt đầu là bày sách trên tấm bạt ở trước Trường Cao đẳng Phát Thanh – Truyền hình 2, sau dời qua phía đối diện bên kia đường.
Điểm thú vị ở những “tiệm lề đường” này là sách bán với giá rất mềm, có khi bán mà như cho, đôi khi gặp được những cuốn rất hay, có cả sách nước ngoài. Họ chỉ bán đến trưa là nghỉ, bán cho đến những ngày giáp Tết và khai trương lại khá sớm. Cứ tấp vào đây là thế nào bạn cũng kiếm được một vài cuốn cầm về.
Vợ chồng em Hiệp ban đầu cũng bán trên vỉa hè, gần góc Hùng Vương, nay đã thuê cửa tiệm hẳn hoi ở gần góc đường Trần Phú, vừa bán online luôn với face là “Hiệp Trần Nhân Tôn”. Buôn bán chung trên lề đường này nhưng họ luôn giúp đỡ nhau, có khi bán dùm bạn hàng, nếu chủ nhân của nó kẹt đi đâu chốc lát. Nỗi lo của họ là những ngày mưa gió là sợ sách ướt, ế ẩm vì thưa vắng người mua.
Cũng trên đường Trần Nhân Tôn, băng qua giao lộ đường Nguyễn Chí Thanh – Hùng Vương, đoạn gần chợ Phường 2 (quận 10) hiện còn 3 tiệm sách cũ: Nhiên, Quốc Long, Xuân. Mấy tiệm sách này nằm xen lẫn với những quán cà phê ở khu dân cư đông đúc, trong đó có tiệm của chị Xuân người Huế bán nhiều loại giáo trình, sách giáo khoa, truyện. Khoảng năm 2011, học trò Trường PTTH Nguyễn An Ninh nằm trên con đường này thường hay kéo nhau ra mua truyện ngôn tình.
Hồi đó, có 2 tiệm sách cũ ở đường Nguyễn Chí Thanh, ngay trước Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và 1 tiệm ở phía đối diện, cạnh con hẻm có quán cơm của chị Tư mà buổi trưa tôi thường ghé ăn. Tiệm này, nay đã dời về bán ở đường Trần Nhân Tôn với cái tên là Quốc Long. Ngay trước ký túc xá của Trường Đại học Tài chính (nay là Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), ngày ấy cũng có mấy người bán sách cũ trên lề đường, chủ yếu bán cho sinh viên và người lao động.
Sài Gòn còn có rất nhiều hiệu sách cũ nhưng nay đã biến mất theo thời cuộc. Khoảng năm 1994-1995, khi chưa mở rộng đường Lê Đại Hành, đoạn trước trường đua Phú Thọ (quận 11) là một “chợ sách cũ” đúng nghĩa của nó, với rất nhiều người dựng sạp, trải bạt bày bán ven đường cùng với những người bán đồ lạc xon, bán đến cả chiều tối. Hồi đó, đường này chưa làm lề bằng bê tông, khu vực trường đua còn bị nhiều nhà dân lấn chiếm. Đối diện phía bên kia đường cũng có một hiệu sách cũ với mặt bằng khá rộng, sau này chị chủ dời lên phía đường Âu Cơ và nay đã dẹp rồi. Đường Võ Văn Tần xưa có mấy hiệu sách cũ, nổi tiếng nhất là tiệm Kỳ Thư với nhiều sách xưa có giá trị, giá cả vì thế mà cũng ngất ngưỡng. Tiệm của anh Cầu Minh Ngọc trên con đường này, ở phía đối diện, duy trì được vài năm rồi cũng phải đóng cửa vì mặt bằng tăng giá. Trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần Xe đạp Martin 107 của Lâm Xuân Thi nổi tiếng một thời có hiệu sách cũ nhiều người biết tiếng.
- Xem thêm: Thèm trang sách xưa
Một hiệu sách cũ khác ở ngã tư Hàng Xanh, nằm gần tiệm bán cháo đậu nổi tiếng mấy chục năm, cạnh bưu điện Hàng Xanh. Đầu khoảng năm 1990, tôi mua được cuốn Xứ Trầm hương của Quách Tấn (Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn, 1965), với giá 120.000 đồng, mà đến giờ vẫn nâng niu cuốn sách quý ấy bởi sự đam mê đọc sách địa chí của mình. Trên đường Lê Quang Định, gần góc đường Trần Quốc Tuấn (phường 1, quận Gò Vấp) ngày trước cũng có vài tiệm sách cũ. Rồi các hiệu sách cũ ở Trường Đại học Sư phạm, đường Thạch Lam, Phạm Viết Chánh… Tiệm bên hông chợ Bến Thành, đường Phan Bội Châu, nơi có nhiều sách hay và giá đắt không kém. Phía quận 5, chỉ duy nhất có 1 quầy sách cũ ở góc đường Nguyễn Văn Đừng – Trần Hưng Đạo.
Phố sách cũ trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) vào thời “vàng son” có đến gần 20 hiệu sách cũ, mà nay chỉ còn có 3 hiệu sách bán cầm cự: “Thiên Thanh”, “Tín Nghĩa”, “190”. Đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3, quận Gò Vấp), đối diện với Bệnh viện Quân y 175 một thời sầm uất, lúc cao điểm có đến 15 hiệu sách cũ, chị chủ hiệu sách cũ “Lâm Gia” người Bình Định, có 4 hiệu. Hiện nay (cuối năm 2019), chỉ còn duy nhất cửa hàng của chị ở số 98 Nguyễn Thái Sơn, cũng là cửa hàng sách cũ đầu tiên ở con phố này vào năm 1991. Sách của chị bán với giá y như đã “niêm yết”, hầu như không bớt đồng nào, nhưng bù lại là nguồn sách khá phong phú.
Đường Lê Quang Định, đoạn gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng là một con đường sách cũ của Sài Gòn với 5 – 7 hiệu sách, hình thành từ năm 1993, nhưng nay cũng chỉ còn có 3 tiệm ở số 49 của cô Thủy, số 60 của em Lộc (con cô Thủy), và hiệu sách “Bừng Sáng” của ông Quỳnh ra sau đó. Chú Long, chồng cô Thủy ngày trước có đến 6 hiệu sách cũ ở các đường Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng… Cô Thủy (sinh năm 1953), trước bán sách cũ ở phía Trường Lê Văn Tám (đường Phan Đăng Lưu), đối diện với chợ Bà Chiểu, rồi dời về Lê Quang Định. Vào Sài Gòn từ năm 15 tuổi, đến nay cô đã có “thâm niên” bán sách cũ đến 44 năm, từ thời ở đường Lê Lợi, chợ Dân Sinh, chợ sách Đặng Thị Nhu và có lẽ là người kỳ cựu nhất trong làng sách cũ Sài Gòn còn hành nghề.
Rải rác đây đó trên những con đường ở thành phố, kể cả vùng ven hay ngoại thành, bạn vẫn còn có thể bắt gặp những hiệu sách cũ như trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Khắc Nhu (quận 1), Lê Trọng Tấn, Tây Thạnh (quận Tân Phú), Phú Mỹ (quận Bình Thạnh), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)… Ngay dốc nhà thờ Thủ Đức, chỗ gần vòng xoay vào cuối tuần thường có một xe ba gác bày bán sách cũ. Hiệu sách cũ nằm gần cửa hàng sách FAHASA Quận 9 trên đường Lê Văn Việt là nơi lui tới của đông đảo sinh viên ở một khu vực tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học.
Anh chàng học sư phạm Bá Tân hồi năm 2016 mở hiệu sách cũ bên đường Trần Não (quận 2), nay đã sang quận 1, mở tiệm cà phê sách “Saigon năm xưa” (tên cuốn sách nổi tiếng của cụ Vương Hồng Sển) ở số 50 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, “quận Nhứt”. Ở đây, có biểu diễn nhạc acoustic, chủ nhân đặt một kệ sách về Sài Gòn xưa và nay để đọc tại chỗ. Đặc biệt, hiệu sách thường tổ chức đổi sách cho mọi người. Vào chủ nhật, mỗi người đến đây có thể lấy đi 1 cuốn sách hoặc “1 đổi 1”, như một thông điệp muốn lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người. Nguồn sách này do các người yêu sách gửi tặng thường xuyên.
Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc về những cuốn sách khó tìm, nhất là sách in ở Sài Gòn trước năm 1975, các tiệm sách cũ giờ đây bán cả những bản photocopy với giá cả phải chăng so với bản gốc.
Các kỳ hội sách tổ chức 2 năm một lần ở TPHCM gần đây đã thấy xuất hiện các gian sách cũ, thậm chí ở Hà Nội cũng vào tham gia như “Sách cũ Hà Thành” của Lê Văn Hợp. Có lần em vào bán ở Đường sách.
Năm 2017, Nhà xuất bản Trẻ mở Trung tâm sách cũ tại 50 Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1), chuyên bán những đầu sách của nhà xuất bản từ 5 năm về trước. Sách ở đây còn mới, ở dạng tồn kho, nên gọi là “sách cũ”, được bán với giá rất hạ.
Thư viện của Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) mấy năm gần đây đều có tổ chức tuần lễ bán sách cũ. Gồm sách, tạp chí tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh thanh lý từ thư viện và do bạn đọc tặng, tiền bán sách sẽ dành cho việc làm từ thiện.
Sẽ rất là thiếu sót nếu không nói đến thị trường sách cũ trên mạng, cũng sôi nổi không kém phần. Một số tiệm sách cũ giờ chuyển sang bán trên mạng. Theo Phạm Quang Huy, một người bán sách trên mạng, thì từ năm 2012 ở Sài Gòn đã có “Book sales” của Thương (nay đã nghỉ bán), “Bán sách mua kem” của Phạm Quốc Hưng; “Sách cũ Gia Định” của Phạm Quang Huy bán sau 1 năm.
Năm 2016, ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), có mấy quầy sách cũ cùng tham gia thị trường: “Bách Hợp” của chị Chi, “Quán Sách Mùa Thu” của Meomeo (2 quầy), và một tiệm phía đầu đường Hai Bà Trưng của anh Long vừa mới mất. Các quầy này bán sách khá “tinh tuyển”, nguồn sách ngoại văn khá phong phú, nhất là sách của Meomeo có giá khá cao, nhiều cuốn có giá bạc triệu, được khuyến mãi bao bìa bằng plastic. Chủ nhân của nó có tổ chức trưng bày và trao đổi sách xưa, quý hiếm. Những cuốn sách thuộc loại “thường thường bậc trung” ở phố sách này giá có thể đã gấp đôi ở phố sách Trần Nhân Tôn, nhưng vẫn bán được do ở khu vực trung tâm, “chợ sách” này có nhiều khách viếng thăm. Mỗi lần ra đây là hồi ức về đường sách Đặng Thị Nhu lại ùa về trong tôi, đó là một hình ảnh đẹp của Sài Gòn ngày xưa.
“Boa Boa Bookstore” (viết tắt của Book Of Awesome) là tên của một hiệu sách cũ chuyên bán sách ngoại văn nằm trên lầu 2, chung cư 42 Trần Cao Vân, đối diện hồ Con Rùa (quận 3), mở gần chục năm nay. Cửa tiệm có không gian nhỏ nhưng thiết kế đẹp, ấm cúng, khách nước ngoài hay đến đây trao đổi, mua sách, có đặt sách ở nước ngoài theo yêu cầu của khách. Cô chủ tên Thảo (sinh năm 1990), xinh xắn lại rất giỏi tiếng Anh.
Gần đây, ở Sài Gòn còn có các “hiệu sách” online “Momo Bookstore” của Tạ Trọng Hậu, “Saigon năm xưa” của Bá Tân, “Sách cũ Sài Gòn” của Trương Tấn Tài, “Sách cũ Jenny” của Lư Vịnh Mẫn, “Sách cũ Gia Định” của Phạm Quang Huy, “Hà Phước Hoàng”, “Thư quán Pinocchio” với tiệm sách ở 337 Trần Hưng Đạo, “Hoàng Tuệ”, “Quang Vinh Trần” của em Vinh, con anh Minh với hiệu sách “Hồng Phúc” trên đường Trần Nhân Tôn…
Đến cuộc bể dâu
Anh Nam, chủ hiệu sách cũ Xưa & Nay ở khu cư xá Bắc Hải (quận 10) cho biết, những năm 1990-2000 là thời hoàng kim của nghề sách cũ. Ngày ấy, Internet chưa phổ biến lắm, sách cũ in lại cũng chưa nhiều và đời sống còn nhiều khó khăn, nên lượng sách quý hiếm lưu hành trên thị trường còn khá dồi dào. Nhưng đến nay, nhất là những sách xưa cũ, có giá trị cứ theo chân người mua ra nước ngoài. Hiện nay, dù có tiền nhưng rất khó mua bộ sách địa chí của Huỳnh Minh (Gia Định xưa và nay, Vĩnh Long xưa và nay…), tập san Sử Địa, Việt Nam khảo cổ tập san, Bách khoa, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn… mà chỉ có thể mua được với bản photocopy. Ngay cả sách của Sơn Nam in trước 1975, bây giờ cũng khó săn lùng.
Nghề bán sách cũ không còn phát đạt như xưa bởi đời sống người dân đã được nâng cao, họ giữ lại những cuốn sách hay cho tủ sách gia đình mình. Nhiều hiệu sách cũ giờ đây đã chuyển sang bán thêm sách mới, in lịch. Một số cửa hàng tiếng là bán sách cũ nhưng sách mới lại nhiều hơn. Những khu sách cũ như Minh Khai, Trần Huy Liệu, Điện Biên Phủ ngày càng “teo tóp” bởi nguồn thu mua sách quý hiếm đã cạn, một phần do giá mặt bằng quá cao. Giới trẻ bây giờ thích đọc sách trên mạng hơn, nên người mua sách cũ chủ yếu là dân trí thức, thầy cô giáo, người làm nghiên cứu. Dân chơi sách ngày càng nhiều hơn do đời sống khấm khá, sách quý hiếm được ăn lùng ráo riết nên ngày càng cạn kiệt, nhất là sách in ở miền Nam trước năm 1975. Giờ đây, người chơi sách mua vào nhiều hơn là bán ra!
Trải qua nhiều thăng trầm, sách cũ Sài Gòn vẫn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhiều tầng lớp xã hội, từ trí thức cho đến giới bình dân, từ người già cho đến trẻ em. Gần như mỗi người dân Sài Gòn đều ít nhiều có máu mê sách cũ, họ tìm đến với sách để giải quyết nhu cầu công tác, học tập, nâng cao kiến thức, giải trí, thú vui sưu tầm. Vì thế, sách cũ Sài Gòn vẫn mãi là một góc tâm hồn của người dân đô thị này. Nhìn vào đấy, ta càng hiểu thêm được cái hồn cốt của những cư dân nơi đây.