Người bán sách trên thị trường rất nhiều, nhưng tôi ấn tượng với Nguyễn Tuấn Bình bởi cách bán sách “không giống ai” của anh.
Trong khi mọi người muốn bán sách càng nhanh và nhiều càng tốt, thì gã bán sách có biệt danh “Bình Bán Book” chỉ bán những cuốn mình thấu hiểu nội dung. Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi biết anh đã rời vị trí Phó Giám đốc một công ty thiết kế cầu để đi bán sách. “Điều gì khiến anh có một quyết định rẽ ngang như vậy, trong khi bao nhiêu người làm sách đều than… nghèo?”, tôi hỏi. Anh trả lời:Làm cầu mình chỉ là một trong tất cả, làm sách mình sẽ là duy nhất.
___Duy nhất thế nào, anh giải thích rõ hơn?
Làm cầu bao năm, tôi chưa từng được mời phỏng vấn lên báo! Không là “duy nhất” thì là gì. Thực ra làm gì cũng cần cơ duyên. Tôi đã mười hai năm làm cầu, đứng vai chủ nhiệm dự án không ít công trình cầu trọng yếu của Thủ đô, nhưng công trình xây dựng là công sức tập thể, không có chỗ cho dấu ấn cá nhân. Con chữ là thứ “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, nơi tôi có thể phát huy cá tính, cái riêng của mình hơn. Sách vở bình yên và hợp với tôi. Nếu như chưa có ai “điểm sách cho độc giả” thì tôi làm. Trước hết vì đam mê sau là tạo nên dấu ấn trong vai “gã bán sách rong”.
___Có thể nói, anh là một trong số người duy nhất hiện nay chịu dành thời gian gạn lọc hàng chục đầu sách mỗi ngày để giới thiệu độc giả. Động lực gì khiến anh làm điều này?
Chỉ có đam mê thì mới làm việc này đến nơi đến chốn. Tôi yêu sách từ nhỏ, yêu “công việc” ngồi đọc. Theo năm tháng, tôi tích lũy được chút kiến thức và cũng hiểu phần nào về năng lực của các đơn vị làm sách. Một cách tự nhiên, tôi muốn lan tỏa và giới thiệu sách tốt tới mọi người. Sau một dạo tôi đăng nhiều bài bình luận về sách vở, dần dần tôi trở thành một “gã bán sách rong” như bạn thấy.
Chỉ có đam mê thì mới làm việc này đến nơi đến chốn. Tôi yêu sách từ nhỏ, yêu “công việc” ngồi đọc. Theo năm tháng, tôi tích lũy được chút kiến thức và cũng hiểu phần nào về năng lực của các đơn vị làm sách.
___Anh đã làm việc này trong bao lâu, từ những bài bình luận đầu tiên cho đến khi trở thành gã bán sách rong chuyên nghiệp?
Tôi đăng sách với tinh thần giới thiệu sách tốt tới các bạn cách đây chỉ ba, bốn năm, dần dần nhiều bạn quan tâm và biết tới tôi. Tất nhiên, bán sách cũng như bất kỳ công việc nào, không thể thuận lợi ngay từ những ngày đầu. Thú thật, có lúc tôi không còn tiền để mua sách nữa, nên tôi tìm đến các nhà xuất bản để có thể mua sách giá tốt nhất. Mỗi lần tôi mua năm cuốn, bán được bốn thì tôi có một cuốn cho riêng mình. Từ đó, tôi đăng sách thường xuyên hơn.
Trong thời gian đó, tôi vừa đăng giới thiệu sách thêm ngoài thời gian đi làm thiết kế cầu. Chỉ khi công việc liên quan tới sách đủ thuận lợi, tôi mới quyết định chuyển hẳn sang nghiệp “bán sách rong” từ tháng 1-2020, khi không còn áp lực nào, đồng thời cảm thấy đủ độ chín và tin tưởng vào bản thân.
Tôi biết ơn công việc thiết kế cầu, nó đã đưa tôi đến với nghề bán sách thuận lợi hơn. Bán sách kiểu “tay không bắt giặc” chắc tôi không làm được. Đi làm công trình, rong ruổi khắp cả nước, đã giúp tôi cả vốn về kinh tế lẫn kiến văn, đặc biệt là các va chạm xã hội. Khi về với làng sách, tôi đã vững vàng rồi nên thấy nó thanh thản lắm.
___Niềm vui của anh khi bán sách dạo là gì?
Giới thiệu sách tốt với bạn đọc: đó là việc có ích. Vậy là đủ vui! Nếu sách không đúng với tiêu chí của mình, tôi sẽ từ chối bán. Tiêu chí của trang Bình Bán Book là một tờ điểm tin sách, gạn lọc và giới thiệu sách tốt (tùy lứa tuổi, độc giả, khẩu vị, thể loại…). Sách tôi bán phải phù hợp và hữu ích, xuất phát từ hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Tôi không cố bán những cuốn sách mà ngay cả mình còn không thấy thích. Bán thêm một cuốn sách có được thêm gì cho tôi đâu?
___Làm việc một cách chăm chút và tâm huyết như vậy, anh có được sự hỗ trợ nào từ tác giả hay nhà xuất bản không?
Tôi bước vào làng sách từ con số không. Thậm chí tôi đã phải liên hệ với các đơn vị làm sách và nhà xuất bản qua số điện thoại trên website hay qua fanpage chứ không có mối quan hệ nào. Đến nay, giữa tôi và các đơn vị xuất bản đã có sự tin tưởng. Họ giúp tôi rất nhiều, chẳng hạn như tôi được hỗ trợ về thông tin, kế hoạch xuất bản. Nhiều đơn vị hỗ trợ in sách riêng để tôi phục vụ tốt hơn cho lớp bạn đọc có “gout”. Ngoài ra, một số đơn vị làm sách còn giúp tôi xin chữ ký dịch giả, tác giả, giúp công tác vận chuyển, đặc biệt là các đơn vị xuất bản phía Nam. Công việc thầm lặng đó, tôi rất cảm kích.
___Xin chữ ký tác giả giùm cho bạn đọc là việc hơi mất thời gian, anh lại rất nhiệt tình trong việc này, tại sao vậy?
Vì nó là tình yêu sách! Việc xin chữ ký đôi khi là cái cớ để mình được gặp gỡ, tiếp xúc với người viết, người làm ra tác phẩm. Lưu lại dấu ấn viết tay của người làm sách là cái “thú” mà chỉ có người yêu sách mới hiểu được.
___Năm nào báo chí cũng “than” là người Việt Nam ít đọc sách, theo anh thì điều này có đúng không?
Không gì đúng hơn, con số nói lên tất cả. Việt Nam gần 100 triệu dân mà hầu hết đầu sách chỉ có thể bán lay lắt 1.000 bản trong ba, bốn năm thì không biết nói gì hơn. Kinh tế cải thiện cùng nền tảng văn hóa tiến bộ thì ngành sách mới phát triển được. Đáng mừng là văn hóa đọc đang đi lên, bạn đọc sách ngày càng đông đảo, theo cảm nhận của tôi.
Sách tôi bán phải phù hợp và hữu ích, xuất phát từ hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Tôi không cố bán những cuốn sách mà ngay cả mình còn không thấy thích. Bán thêm một cuốn sách có được thêm gì cho tôi đâu?
___Khi giảng dạy ở trường Đại học Giao thông Vận tải, anh có khuyến khích các bạn sinh viên của mình đọc sách không?
Một ông thầy đi bán sách như tôi thì được sinh viên yêu mến và tôn trọng, nhưng việc truyền cảm hứng đọc sách thì “bất khả thi”, tôi cũng có chút thất vọng. Muốn sinh viên dành thời gian đọc giáo trình để thi đã khó, huống hồ là “mở rộng kiến văn”. Thật ra, sách là một món quà đáng quý, nhất là được tặng loại sách mình thích đọc. Tuy nhiên, người mua sách làm quà rất ít. Gặp những người mua sách để tặng, tôi sẽ nói: “Ước gì ai tặng sách cho mình!”.
___Vậy anh có hay tặng sách cho người khác không?
Không, tôi rất ít tặng sách. Vì phải biết người ta yêu sách mình mới tặng. Mà người chịu đọc sách bây giờ ít quá. Sách quý lại càng ít nữa. Tôi rất hay được tác giả, người làm sách tặng với lời đề tặng cảm động. Tôi vô cùng trân quý những tình cảm đó, vì sách là đứa con tinh thần của tác giả. Tôi hiểu điều này vì tôi cũng thử viết lách. Hiện tôi đã hoàn thành được bốn tác phẩm cả dịch lẫn sưu tầm, trong đó có hai cuốn sưu tầm trước tác của học giả Nguyễn Hiến Lê, hy vọng ra mắt trong đầu năm 2021.
___Trong rất nhiều tác giả, anh chọn học giả Nguyễn Hiến Lê, hẳn đây là người anh có ấn tượng đặc biệt?
Tôi luôn xem vị học giả khả kính này là thầy dù chưa từng gặp ông. Có thể nói, con người tôi hôm nay chịu ảnh hưởng hoàn toàn từ thầy, từ thói quen tự học, đến đức khiêm cung, cả cái tâm muốn hướng đạo thanh niên và rất nhiều những việc có ích cho xã hội mà ông đã làm.
Muốn sinh viên dành thời gian đọc giáo trình để thi đã khó, huống hồ là “mở rộng kiến văn”. Thật ra, sách là một món quà đáng quý, nhất là được tặng loại sách mình thích đọc. Tuy nhiên, người mua sách làm quà rất ít. Gặp những người mua sách để tặng, tôi sẽ nói: “Ước gì ai tặng sách cho mình!”.
___Công việc sưu tầm và viết có gì thú vị đến nỗi anh tập trung cho cuốn sách trong cả năm trời?
Không ai làm văn, dịch sách để ra tiền! Nó chỉ nên hiểu như thú vui “sáng tác”, được tạo ra sản phẩm của mình. Cái thú đó thì chẳng phải riêng nghề sách, làm bất kỳ công việc gì ai cũng đều khát khao có tác phẩm mang dấu ấn riêng mình. Nó là đam mê, mà là đam mê thì đôi khi không thể giải thích được.
___Và anh sẽ tự bán sách của anh chứ?
Nói thật, bán sách của người khác thì dễ, còn bán sách mình tôi thấy hơi… ngượng.
___Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị về nghề bán sách rong.