Tuy nhiên, sau hai tháng thực hiện, thay đổi rõ nhất là các cơ sở kinh doanh túi nylon lại tăng giá mặt hàng này rất mạnh, còn mục đích chính là hạn chế và sử dụng tiết kiệm túi nylon thì chưa thấy có chuyển biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ, vật liệu để sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường hay sản phẩm thay thế khác lại lúng túng vì chưa có quy định rõ ràng.
Vậy những bất cập này do đâu? Liệu biện pháp chế tài trên có đạt được kết quả như mong muốn, hay người tiêu dùng lại phải gồng mình trả thêm chi phí mua bao bì đựng hàng hóa? Làm thế nào để người dân hiểu rằng không sử dụng túi nylon để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính họ, của các thế hệ sau, chứ không phải cứ đóng thuế theo đúng luật rồi túi nylon vẫn nhan nhản mọi nơi? Vì vậy, có ý kiến rằng việc hạn chế sử dụng túi nylon là cần thiết, đúng đắn, nhưng cách làm thì cần bổ sung theo hướng mở, nghĩa là phải có chính sách khuyến khích sản phẩm thay thế có hiệu quả tương đương thì mới thuyết phục được các nhà sản xuất bao bì chuyển sang loại bao bì thân thiện với môi trường và từ đó, người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen sử dụng túi nylon.
Túi nylon, từ đâu mà có?
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải không phân hủy trong lòng đất rất đáng báo động và các nhà khoa học về môi trường đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, trong đó rất đáng ngại là các sản phẩm bao bì nhựa, túi nylon khó phân hủy gia tăng không thể kiểm soát nổi. Ước tính tại TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 50 tấn túi nylon bị thải ra môi trường, còn lượng túi nylon được tái chế không đáng kể.
Túi nylon là vật dụng đựng hàng phổ biến ở chợ, người bán, người mua đều thích dùng vì sự tiện lợi của nó
Khoảng hai thập niên qua, túi nylon được xem là sản phẩm công nghiệp của cuộc sống hiện đại. Tiện dụng, gọn gàng, túi nylon nhanh chóng lên ngôi, thay thế cho những vật để bao gói “gốc quê” như lá chuối, lá sen, lá dong, túi đệm… rồi tràn ngập các chợ, siêu thị và hệ thống bán lẻ. Nhiều người biết rõ tác hại của túi nylon nhưng vẫn vô tư sử dụng vì hậu quả của nó không phải “nhãn tiền”. Chỉ sau một lần sử dụng, túi nylon bị thải ra, tràn ngập ngoài bãi rác, vương vãi khắp các hệ thống kênh rạch, ao hồ, bị vùi dưới đất sâu gây tắc nghẽn cống rãnh, ứ đọng nước thải, gây xói mòn, thoái hóa đất, hạn chế sự phát triển của cây trồng, chưa kể khả năng gây độc và là nguyên nhân của bệnh ung thư… Nhiều tổ chức quốc tế khi vận động bảo vệ môi trường cũng kêu gọi hạn chế sử dụng túi nylon, nhưng ở ViệtNam, tình trạng sử dụng túi nylon vẫn lan rộng.
Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon
Túi nylon được xác định là loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng hiện nay, tại các siêu thị, chợ, mọi người bán hàng vẫn phát miễn phí các loại túi nylon cho khách do giá của nó quá rẻ. Vì vậy, để thay đổi hành vi của người sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất mức thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng túi nyon là 45.000 đồng/kg.
Theo kết quả khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu của việc sử dụng túi nylon quá nhiều như hiện nay là do thói quen và nhận thức chưa đầy đủ của người dân về tác hại của túi nylon. Dễ sản xuất, dễ mua, tiện dụng, giá lại rẻ nên hầu như ở đâu, túi nylon cũng có mặt, từ việc đựng con cá, mớ rau ngoài chợ, bịch chè, xôi hàng rong cho đến hàng hóa trong siêu thị đều có sự tham gia của nó. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình lên UBND TP.HCM kế hoạch thực hiện giảm thiểu sử dụng túi nylon theo hướng tác động đến người bán lẻ và người tiêu dùng để chuyển sang các loại túi sử dụng nhiều lần. Được như vậy thì không chỉ có tác dụng tiết kiệm được nguyên vật liệu và năng lượng, mà còn hạn chế được những hệ lụy về môi trường.
Thực phẩm khô, bánh mứt cũng là mặt hàng ưu tiên sử dụng túi nylon
Luật Thuế Bảo vệ môi trường chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng túi nylon. Về nguyên tắc, tiền thuế được tính trên khối lượng sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra, riêng với các cơ sở nhỏ sản xuất túi nylon, túi xốp được giao thuế khoán. Thế nhưng việc kiểm soát lượng hàng bán ra không dễ vì thiếu hóa đơn, chứng từ, do đó nên thu thuế bảo vệ môi trường tại các cơ sở này chưa thể tiến hành ngay được. Luật cũng đề cập đến việc những đơn vị nào sản xuất túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường (do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành) sẽ không phải đóng thuế. Nắm bắt được chủ trương này, một số doanh nghiệp hiện nay đã có ý định đầu tư, chuyển đổi công nghệ sản xuất túi nylon thân thiện môi trường. Tuy nhiên, khi trao đổi với họ, chúng tôi được biết do các cơ quan thẩm quyền chưa ban hành tiêu chí cụ thể nên nhiều doanh nghiệp còn chần chừ chờ đợi.
Tiểu thương lo lắng
Tại nhiều chợ trong thành phố, giá bán túi nylon, túi xốp tăng rất cao, có nơi tăng đến 100%. Trước đây, các loại túi xốp, túi nylon bán sỉ có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 65.000 – 70.000 đồng/kg. Các loại bao bì chứa rác trước đây chỉ 20.000 đồng/kg nay tăng lên 45.000 đồng/kg. Chị Như Loan, tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5) cho biết, trước tết mua túi nylon giá 40.000 đồng/kg thì sau tết, hoạt động mua bán đìu hiu hơn nhưng tiền bỏ ra để mua túi nylon dự phòng lại tăng lên gấp đôi. Chị nói: “Người bán tăng giá mà không giải thích gì nên cả chợ xôn xao bàn tán, chỉ có vài người biết nguyên nhân do phải đóng thuế môi trường, còn lại đều ngạc nhiên không hiểu vì sao”. Hỏi về tác hại của túi nylon, chị phân vân: “Tôi có nghe nói về tác hại của túi nylon đối với môi trường là không phân hủy, nhưng tôi chuyên đóng hàng giao cho khách ở tỉnh nên túi nylon là sự lựa chọn số 1 vì vừa tiện dụng, vừa bền. Nếu có loại bao bì khác thay thế mà có chất lượng và giá cả chấp nhận được thì tôi nghĩ ai cũng sẽ đồng ý không dùng túi nylon nữa. Còn hiện tại, dù giá túi nylon có cao thì chúng tôi vẫn buộc phải sử dụng, nhưng sẽ tiết kiệm lại”.
Siêu thị Saigon Co.op tham gia bảo vệ môi trường bằng cách tuyên truyền, vận động người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nylon (Trong hình, khẩu hiểu “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường” được treo tại quầy tính tiền). Siêu thị Co.op Mart cũng đã thí điểm sử dụng bao bì tự hủy sinh học để tiến đến thay thế túi nylon thông thường trong chuỗi 21 siêu thị tại TP.HCM
Vợ chồng chị Phương chuyên kinh doanh giày dép ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng than rằng giá túi nylon tăng đột biến nhưng không thể tăng giá bán giày dép theo được. Chị nói: “Tình hình chung như vậy thì cũng đành phải chịu thôi. Nếu giá túi nylon sắp tới cứ lên nữa thì chắc chúng tôi phải xoay xở tìm chất liệu khác làm túi đựng hàng, ví dụ chuyển về túi giấy, nhưng chưa rõ chất lượng và giá cả có phù hợp không”. Bà Sáu, người bán hàng rong ở khu vực quận 1 (TP.HCM) thì ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi có biết việc không nên sử dụng túi nylon hay không. Bà phân bua: “Ở quê, người ta phá đất làm nhà hết nên bây giờ lá chuối đắt hơn túi nylon. Mà gói lá chuối thì dễ rách, còn giấy báo người ta cũng không chịu vì cho là mất vệ sinh, dùng túi nylon là tốt nhất rồi”.
Hiện nay, việc đánh giá các loại túi, bao bì nhựa thân thiện với môi trường được thực hiện theo tiêu chí “Nhãn xanh Việt Nam”, được triển khai trên toàn quốc từ tháng 3-2009 nhằm mục tiêu cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống, thực hiện đánh giá khả năng kiểm soát, hạn chế tác động đối với môi trường của các loại sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa tiêu dùng theo quan điểm xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm. Xem ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống là cần thiết, nhưng chưa đủ. Phải có thêm nhiều chính sách, quy định cụ thể cùng các biện pháp khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh – sạch, trong đó có việc tiến tới loại bỏ hẳn túi nylon ra khỏi đời sống xã hội. Đó chính là lực đẩy giúp các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ theo hướng cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường. Liệu trong năm 2012, TP.HCM sẽ tạo được đột phá trong lĩnh vực này không?
Ảnh Thành Long
Ngân An