Những cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, tình hình chính trị ổn định, cùng với những diễn biến không mấy thuận lợi của kinh tế Trung Quốc mở ra một khả năng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam mạnh hơn, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là một trong những tín hiệu tốt cho nền kinh tế vào những tháng đầu năm 2016.
Báo cáo thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây cho thấy 63% doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ta mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh trong năm 2016. Con số này nói lên một ưu thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh, khi chỉ có 38,1% các nhà kinh doanh người Nhật muốn mở rộng đầu tư tại Trung Quốc, 49% tại Thái Lan, 44,6% tại Malaysia và 51% tại Indonesia.
Trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam, 58,8% doanh nghiệp Nhật cho biết có lãi, số doanh nghiệp hoạt động lỗ là 26,2%, tỷ lệ này không có gì bi quan khi có đến 85% doanh nghiệp hy vọng sẽ tăng doanh thu và tin tưởng tiềm năng phát triển khi mở rộng kinh doanh. Xét về lợi thế môi trường đầu tư, các nhà kinh doanh Nhật đánh giá Việt Nam đứng thứ ba trong số 15 nước có giá nhân công rẻ. Có lẽ điều làm chúng ta e ngại chính là rào cản ngôn ngữ, phần đông doanh nghiệp Nhật cũng nghĩ như vậy, chỉ có 7,7% cho là không đáng lo.
Cuộc khảo sát của JETRO thực hiện với 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Mặc dù kết quả khảo sát được cho là tích cực về mặt hấp dẫn đầu tư, nhưng khi đánh giá về mức độ rủi ro thì quả thật cũng đáng lo, trong đó 63,3% doanh nghiệp cho rằng rủi ro lớn nhất là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và thiếu minh bạch, 61,1% cho rằng đó là thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách ưu đãi không nhất quán giữa các địa phương cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì bức tranh thu hút đồng vốn từ Nhật Bản vẫn được xem là sáng sủa. Tính đến cuối năm 2015, Nhật có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 38,7 tỉ USD, đứng thứ hai trong số 105 quốc gia và lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư tại nước ta.
Trong 18 chuyên ngành lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam thì công nghiệp chế biến – chế tạo đứng hàng đầu, chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là kinh doanh bất động sản chiếm 4,5% tổng vốn đầu tư, thư ba là lĩnh vực xây dựng với 3,9% vốn đầu tư. Doanh nhân Nhật đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành trong đó nhiều nhất là Thanh Hóa, tiếp đến là Hà Nội, thứ ba là Bình Dương.
Nhật Bản là nước gắn bó với quá trình đổi mới của chúng ta. Hai mươi năm qua, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với 27 tỉ USD, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch hai chiều năm 2015 lên đến 32 tỉ USD và là đối tác đầu tư hàng đầu với 38 tỉ USD.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, với xu hướng lão hóa dân số tại Nhật hiện nay, những năm tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp nước này lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Đón luồng gió đầu tư này, chắc chắn Nhà nước sẽ cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư nhanh hơn nữa.
Thông tin đầy lạc quan trên đây khiến không ít người liên tưởng đến hiệu quả đồng vốn FDI của Trung Quốc ào ạt đổ vào nước ta thời gian gần đây, mà theo các chuyên gia quá nhiều dự án đã bào mòn tài nguyên, hủy hoại môi trường.
Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, nếu năm 2012 vốn đầu tư của Trung Quốc đăng ký ở Việt Nam là 312 triệu USD thì một năm sau đó đã tăng đột biến đến 2,3 tỉ USD với 110 dự án được cấp mới.
Gần đây nhất, trong tháng 1-2016, tổng vốn đăng ký, cấp mới và tăng thêm là 179,5 triệu USD, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ ba các nước có vốn FDI tại Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ở nước ta, Tập đoàn Texhong được xem là tên tuổi nổi bật với một nhà máy sợi 300 triệu USD đã đi vào hoạt động trong năm 2013, một năm sau đó khởi công dự án hạ tầng khu công nghiệp Texhong Hải Hà ở Quảng Ninh với vốn đầu tư 215 triệu USD, đồng thời rót thêm 300 triệu USD thực hiện dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại đây.
Theo tin trên các báo, tập đoàn này cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 2.000MW, cũng như dự kiến mời gọi khoảng 200 doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư tại Quảng Ninh trong kế hoạch biến khu công nghiệp Texhong Hải Hà trở thành chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may khép kín.
Sáu tháng trước đây tại Bình Thuận, nhà máy nhiệt điện Vinh Tân 1 vốn đầu tư 2 tỉ USD đã được khởi công. Đây là dự án BOT do một liên doanh gồm Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam, Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc thực hiện, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 95% vốn.
Trong danh mục đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể kể đến dự án lốp xe Việt Luân vốn đầu tư 400 triệu USD tại Tây Ninh, dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung tại Lào Cai vốn đầu tư 337,5 triệu USD.
Thực tế cho thấy đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đang gây ra một nỗi lo ngại với những cảnh báo từ lâu của các chuyên gia và nhà nghiên cứu. Trên báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Chính sách thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Trung Quốc là nước thặng dư đồng vốn nhưng chưa có công nghệ cao như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nên đầu tư của họ thường tập trung khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ như các dự án trên đây. Và như vậy tất nhiên không có lợi cho nước tiếp nhận đầu tư. Tiến sĩ Thành nhận định hiện nay giá khoáng sản đang thấp nên các địa phương do áp lực của ngân sách càng muốn bán nhiều. Doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng cơ hội này để mua được tài nguyên giá rẻ.
Một số chuyên gia khác có cùng nhận định khi cho rằng đem công nghệ lạc hậu khai thác tài nguyên thì vừa mất tài nguyên vừa hủy hoại môi trường.Tình trạng này đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xem xét lại các quy định vềthu hút đầu tư nước ngoài mà điều kiện tiên quyết là vốn FDI phải kèm theo công nghệ cao và cải thiện năng suất lao động.
Gia Minh (DNSGCT)