Một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm được mua tại chợ trời vào năm 2005 với giá chỉ 15 USD sắp được đem đấu giá tại nhà Christie’s mà theo ước đoán có thể đạt mức giá 300.000 USD!
Tám năm trước, bà Norma Ifill, cư dân của thành phố Philadelphia (Mỹ) khi đang dạo qua một khu chợ trời địa phương thì tình cờ nhìn thấy một chiếc vòng cổ bằng bạc trông thật lạ lẫm nằm trong một hộp giấy và đã không chần chừ bỏ ra 15 USD để mua nó. “Trông nó giống hệt đồ trang sức của một bộ lạc nào đó. Tôi đeo nó khoảng bốn, năm lần gì đó và lần nào cũng được người ta trầm trồ khen đẹp. Lúc đó tôi hoàn toàn không tưởng tượng nổi mình có một chiếc vòng cổ của Alexander Calder”. Tất nhiên bà Ifill cũng hoàn toàn không hay biết rằng 60 năm trước, món trang sức được mua với giá rẻ mạt ấy từng được trưng bày tại Bảo tàng MoMA danh tiếng.
Năm 2008, khi đọc được thông tin trên báo địa phương cùng vài hình ảnh về cuộc triển lãm đồ nữ trang do Alexander Calder tạo tác, được tổ chức tại Bảo tàng mỹ thuật Philadelphia, bà Norman Ifill vội đến xem. Lúc đó bà mới nhận ra chiếc vòng cổ 15 USD rất có thể là một tác phẩm nghệ thuật quý giá. Trò chuyện với cô Elisabeth Agro – giám tuyển của triển lãm, bà được khuyến khích đem chiếc vòng đến trụ sở của Quỹ Calder ở New York để nhờ thẩm định. Các chuyên gia ở đây xác nhận nó đích thị là một tác phẩm quý hiếm của nhà điêu khắc vĩ đại Alexander Calder (1898-1976), tác giả của các tác phẩm điêu khắc chuyển động (kinetic sculpture) – một phát kiến của ông trong lĩnh vực điêu khắc vốn từ bao đời nay chỉ có ở những tượng bất động. Ngoài các tác phẩm điêu khắc chuyển động cũng như những công trình điêu khắc khổng lồ ngoài trời, Alexander Calder còn vẽ rất nhiều tranh, làm thảm mỹ thuật, đồ trang sức… Trong cuộc đời sáng tạo dài lâu của mình, ở bất kỳ lĩnh vực nào ông chạm tới, Alexander Calder đều để lại cho đời những tác phẩm bất hủ. Bà Norma Ifill cũng được biết chiếc vòng cổ kỳ lạ mà bà đang sở hữu từng được triển lãm tại Bảo tàng MoMa năm 1943.
Suốt sự nghiệp của mình, Calder đã làm bằng tay khoảng 1.800 món đồ trang sức độc đáo, lạ lùng, khó ai có thể nghĩ các hình dạng như vậy lại có thể làm đẹp cho nữ giới. Thật ra, với Calder thì yếu tố nghệ thuật mới đem lại sự quý giá cho nữ trang chứ không phải chất liệu làm nên món đồ ấy, cho dù đó là kim cương đi nữa. Thật may mắn là hiện Bảo tàng Metropolitan ở New York còn lưu giữ được 90 hiện vật loại này, toàn bộ do Calder hiến tặng, số còn lại thuộc về các sưu tập cá nhân. Một số nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng, trong đó có nữ diễn viên kỳ cựu người Pháp Jeanne Moreau từng xuất hiện với đồ trang sức của Calder. Người đặc biệt ưa thích nữ trang Calder là bà Peggy Guggenheim, nhà sưu tập nổi tiếng, con gái của Benjamin Guggenheim, người đã bỏ mình trong vụ chìm tàu Titanic năm 1912 và là cháu của Solomon R. Guggenheim, người sáng lập Bảo tàng Guggenheim ở New York.
Ngày 26-9 tới đây, trong cuộc đấu giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại và hậu chiến tại nhà Christie’s ở New York, chiếc vòng cổ của bà Norman Ifill sẽ được rao bán. Theo chuyên gia Saara Pritchard của Christie’s, chiếc vòng có thể sẽ đạt được mức giá 200.000-300.000 USD.
Câu chuyện về chiếc vòng cổ của Calder cho chúng ta một bài học: khi bắt gặp một đồ vật gì lạ ở chợ trời mà mình thấy thích thú, đừng ngần ngại tóm lấy nó!
- Lê Bản