Bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong một phát biểu gần đây khẳng định các nghiên cứu cho thấy dân số châu Á đang già nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nhật Bản được dự báo sẽ trở thành nước đầu tiên được xếp vào hạng “cực kỳ già” vào năm 2030, tức 28% dân số nước này sẽ từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, 20% dân số Hàn Quốc cũng sẽ có độ tuổi từ 65 trở lên vào năm 2030.
Trung Quốc và Thái Lan cũng đang đối phó tình trạng dân số lão hóa, lực lượng lao động sẽ ít đi trong tương lai và điều này có khả năng làm giảm tăng trưởng năng suất lao động. IMF ước tính những nước này có thể đối mặt với mức tăng trưởng GDP thấp hơn đến 1 điểm phần trăm so với hiện nay.
Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, vì vậy tốc độ tăng trưởng thấp của các nước này có nguy cơ gây tác động dây chuyền ra toàn thế giới.
Để giải quyết vấn đề lực lượng lao động thiếu hụt do dân số già, bà Lagarde kêu gọi các chính phủ châu Á nâng cao tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động bằng cách cung cấp các khoản phúc lợi chăm sóc con nhỏ cho những bà mẹ đi làm.
Nỗi lo dân số già ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế đã được mổ xẻ tại một hội nghị ở Seoul – Hàn Quốc giữa tuần qua, do Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và IMF đồng chủ trì.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm nay, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở châu Á phải hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề dân số già, nếu không thì “một số nơi ở châu Á sẽ già trước khi giàu”.
- N.Đ
Xem thêm:
- Nỗi lo dân số già
- Châu Á – Thái Bình Dương đối diện với dân số già
- Dân số già cản trở tăng trưởng kinh tế