Cho đến bây giờ, mỗi khi gửi một bài viết cho một tờ báo, tôi vẫn có niềm hồi hộp chờ đợi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trên trang giấy in như lần đầu tiên gửi bài đăng báo năm 15 tuổi. Ai là người sẽ đọc bản thảo của mình với tư cách người biên tập? Người đó có bằng lòng với những gì mình viết không? Người đó sẽ giúp làm tôn lên chất lượng bài viết của mình hay sẽ gạch xóa không thương tiếc những điều mình tâm đắc?
Quả thật, trong quãng đời viết báo, có những lần tôi đã bị sốc khi sản phẩm tinh thần của mình bị biến dạng vì không được sự đồng cảm của người biên tập hay người tổ chức trang báo.
Nhưng may mắn thay, tôi lại được gặp nhiều hơn những “bà đỡ” mát tay, những người không chỉ chăm chút cho trang viết của mình, mà còn gợi cho mình niềm cảm hứng cầm bút, sự tự tin vào những điều mình xác tín.
Đối với tôi, Nguyễn Trọng Chức là một trong những người như vậy.
Tôi đọc và yêu thích những bài viết về hội họa ký bút danh Nguyệt Cầm của anh trước khi là cộng tác viên của tờ Tuổi trẻ chủ nhật mà anh là thư ký tòa soạn.Chính trên trang báo này, sau những bài phê bình văn học, tôi đã trở lại với thể tản văn bị bỏ dở thời sinh viên là nhờ những lời động viên của Nguyễn Trọng Chức. Hoa bươm bướm một mùa hè đánh dấu sự trở lại đó vào năm 2000, là cú hích để tôi viết tiếp một loạt bài khác cùng thể loại, sau này tập hợp trong Ngôi nhà và con người, Bây giờ mà có về quê…
Cũng năm 2000 đó tôi còn có một kỷ niệm đẹp với Nguyễn Trọng Chức.Đó là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Saint-Exupéry, nhà văn mà cả anh và tôi đều yêu mến.Từ Paris, tôi gửi về cho anh một bài viết dài, thầm nghĩ rằng thế nào cũng bị rút ngắn vì quá dung lượng so với khuôn khổ của tờ tuần báo.Vậy mà anh đã sắp xếp và trình bày bài viết trên gần ba trang báo mà không hề gây cảm giác nặng nề cho người đọc, với những hình ảnh minh họa phải nói là tuyệt vời. Bài báo xuất hiện vào đúng ngày tôi về nước sau chuyến công tác, và đối với tôi, cho đến bây giờ, đó là bài báo làm tôi sung sướng nhất.
Những gặp gỡ như vậy giữa người viết và người làm báo không hề là ngẫu nhiên. Với Nguyễn Trọng Chức, tôi hiểu đó không chỉ là người cùng thế hệ mà còn là người cùng với mình thụ hưởng một khí hậu tinh thần nào đó, cùng chia sẻ và tôn trọng những giá trị nhất định để có thể thấu hiểu những dòng văn của nhau.
Trong cảm nhận của tôi, làm báo, với Nguyễn Trọng Chức, không chỉ là một công nghệ mà còn là một nghệ thuật. Nghệ thuật của ngôn từ. Nghệ thuật của hình ảnh. Nghệ thuật của cấu trúc… Tất cả là nghệ thuật truyền dẫn thông tin và tâm hồn đến người đọc. Hãy xem trang Hội họa mà anh phụ trách trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần hiện nay sẽ thấy rõ điều đó.
Nhưng vào độ tuổi 60, Nguyễn Trọng Chức và những người làm báo như anh chắc ngày càng hiếm. Trong thời buổi báo in mất dần độc giả và nhịp sống thì luôn tăng tốc như hiện nay, những sản phẩm báo chí như vậy có dần dần trở thành kỷ niệm hay không?