Có nhiều cảnh báo là phụ nữ không nên đi du lịch ở Armenia một mình vì an ninh có vẻ không tốt, nhưng những bài viết hấp dẫn trên Lonely Planet khiến cô bạn cùng học tại Đại học Quốc gia Tbilisi hăm hở rủ tôi bắt xe buýt từ Tbilisi (Georgia) đi Yerevan.
Sau năm giờ ngồi xe cùng 15 phút làm thủ tục ở biên giới, chúng tôi đã đến thủ đô của quốc gia xinh đẹp này. Yerevan ngày nay được quy hoạch rất hiện đại, đã có hàng loạt kiến trúc mới thay thế dần các công trình được xây trong thời kỳ Xô viết. Thành phố êm đềm và rực rỡ, đầy sức sống với những nhà hàng, quán cà phê được trang trí ngập tràn hoa.
Garni – ngôi đền cổ xưa nhất Armenia
Ngày đầu tiên, chúng tôi băn khoăn không biết sẽ thăm thú ở đâu vì có quá nhiều điểm hấp dẫn. Lịch sử lâu đời của Armenia trên ngã tư đường của các đế chế cổ đại khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời để khám phá di tích cổ. Các di chỉ khảo cổ thời Trung cổ, thời đại đồ sắt, đồ đồng và thậm chí thời đồ đá chỉ cách thành phố vài giờ đi xe. Sau khi tham khảo nhiều trang web về du lịch, chúng tôi quyết định bắt taxi đến thung lũng Azat, tỉnh Kotayk cách Yerevan khoảng 30km để khám phá hai di tích cùng lúc là đền Garni và tu viện Geghard.
Điểm dừng chân đầu tiên là đền Garni – ngôi đền lâu đời và được lưu giữ tốt nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng đất nước Armenia. Ngôi đền nằm ở rìa của vách đá hình tam giác và là một phần của pháo đài Garni. Khi bước chân vào cổng, một kiến trúc quen thuộc đập vào mắt khiến chúng tôi nghĩ mình đang ở Hy Lạp. Trên bục cao, một tòa nhà hình chữ nhật xuất hiện, với sáu cột đá ở bên ngắn và tám cột bên dài, bánh xe nước hình tam giác với phù điêu trang trí như đền Parthenon thu nhỏ. Hai mươi bốn cột đá tượng trưng cho 24 giờ trong ngày. Đến gần khối kiến trúc hai ngàn năm tuổi này du khách nào cũng dễ nhận ra các cột đá bazan ở đây sẫm màu hơn các cột đá cẩm thạch trắng ở Hy Lạp. Niên đại của ngôi đền này vẫn còn tranh cãi, nhưng nhiều người tin rằng được vua Trdat I xây dựng vào thế kỷ thứ II. Sau khi Armenia du nhập Kitô giáo, ngôi đền này trở thành cung điện mùa hè của vua Trdat III. Đền bị các trận động đất phá hủy vào năm 1679 và được khôi phục lại vào năm 1930. Một số người khác lại tin rằng đây là ngôi đền thờ thần Mặt trời Mithra – biểu tượng của ánh sáng và sự thật. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của một thị trấn ở phía trước của pháo đài được xây dựng từ thời trung cổ. Trên đồi giáp làng từ phía bắc là nghĩa trang.
Do vị trí địa lý thuận lợi, thành Garni bất khả xâm phạm trong hơn 1.000 năm: hẻm núi đá như một rào cản tự nhiên ở ba bên và các bức tường với 14 tòa tháp vuông bảo vệ con đường duy nhất để vào pháo đài. Tường pháo đài được xây dựng bằng các khối đá bazan khổng lồ màu xanh, chiều dài tháp hơn 310m, chiều dày 2m. Nhiều du khách và các nhà khoa học đến đây đều bày tỏ sự ngưỡng mộ các kiến trúc sư cổ đại.
Chúng tôi có dịp thăm bốn phòng tắm bằng nước lạnh, ấm, nóng và các bể chứa nước còn sót lại mà nước tắm được hâm nóng trong tầng hầm. Những mảnh tường thạch cao bị vỡ đây đó có hai lớp: những bông hoa màu trắng và màu hồng và một sàn khảm với 15 màu sắc là câu chuyện của thủy cung bao quanh bởi các vị thần biển, các nàng tiên cá với nét mặt đặc trưng của người phương Đông cùng các loài tôm cá. Tên tuổi của các vị thần được viết bằng tiếng Hy Lạp.
Không xa đó, trong hẻm núi của sông Azat, một kỳ quan độc đáo của thiên nhiên được gọi là “Bản giao hưởng của đá”. Đó là một vách núi với các cột đá bazan được hình thành một cách tự nhiên sau một đợt phun trào dung nham núi lửa. Điều đáng ngạc nhiên là những viên đá rất đối xứng mà nhìn vào từ xa trông giống như một cây đàn organ lớn. Người hướng dẫn khuyên du khách là hãy đứng ngắm từ xa vì thỉnh thoảng có vài viên đá rơi xuống. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây thật đáng cho chuyến đi mạo hiểm.
Tu viện trong sườn núi
Rời đền Garni, lái xe thêm 9km dọc theo hẻm sông Arat về phía đông, chúng tôi đến Tu viện Geghard – có nghĩa là tu viện hình mũi giáo. Xe cộ phải dừng lại bên ngoài rất xa và phải cuốc bộ trên một con đường lát đá gồ ghề để vào cổng chính. Hai bên đường đi là những quầy hàng lưu niệm cùng đặc sản của Armenia là bánh mì gata tròn dẹt to như cái mâm và lavash – một loại bánh tráng làm từ trái cây phơi khô có vị chua ngọt mà ai đến đây một lần đều muốn ăn thử cho biết. Gần lối vào có một hốc đá tương truyền là hố thiêng, nếu ai ném lọt hòn đá vào đấy thì ước gì được nấy. Khi chúng tôi đến đây đang có nhiều người ném những hòn đá vào hố để thử vận may.
Theo các tư liệu lịch sử, tu viện có tên gốc là Ayrivank, có nghĩa là tu viện trong hang động, được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ IV, nhưng 500 năm sau bị người Ả Rập phá hủy và chỉ được phục hồi vào thế kỷ XIII. Theo quy chuẩn trong kiến trúc Armenia thời trung cổ, cấu trúc các tòa nhà trong tu viện tái tạo hình dáng túp lều nông dân, trong đó cột ở trung tâm hỗ trợ mái nhà bằng một dầm gỗ với một lỗ ở giữa để đón ánh sáng. Không gian bên trong tu viện gây ấn tượng mạnh mẽ với những chạm khắc tinh xảo trên các trụ, mái vòm và bức tường bằng đá. Phần cổ nhất của khu phức hợp tu viện là nhà nguyện nhỏ St Gregory, nằm về phía đông, bên ngoài nhóm chính, được đẽo trực tiếp vào đá của sườn núi.
Không biết xuất phát từ đâu mà có truyền thuyết nói rằng chúa Jesus bị treo trên cây thánh giá và được tông đồ Thaddeus đưa đến tu viện này. Trong nhiều thế kỷ, truyền thuyết có vẻ huyễn hoặc này khiến tu viện trở thành nơi hành hương của nhiều tín đồ đạo Kitô ở Armenia. Hằng ngày, kỳ quan này thu hút nhiều du khách khắp nơi trên thế giới và trở thành di sản thế giới được UNESCO công nhận nhờ vào cấu trúc xây dựng độc đáo và được đào sâu trong ngọn núi bazan.
Chúng tôi đi về phía nam tòa nhà để chiêm ngưỡng bức tranh chạm khắc trên đá (khachkar) mô tả cuộc đối đầu của một con sư tử và con bò – biểu tượng của gia đình Zakarian từng sở hữu Tu viện Geghard sau khi họ đã giúp Armenia đánh bại người Seljuks. Phía đông tu viện các nhà nguyện bằng đá, theo cầu thang lên cao cũng có các nhà nguyện đẽo sâu vào hốc đá dựng đứng cùng những bức khachkar chạm khắc tinh xảo. Trong các gian thờ, ánh sáng mặt trời yếu ớt rọi qua các kẽ đá làm tăng thêm vẻ kỳ bí cho các bức tranh chạm khắc trên tường. Giữa một căn phòng hình vuông là nơi ngọn suối thiêng chảy ra. Cho đến hôm nay, những người hành hương về đây vẫn nói rằng muốn được một lần uống nước từ con suối này với niềm tin sẽ được thêm sức mạnh, tránh được mọi tai ương bệnh tật.
Theo cầu thang ngược lên một lối ra khác, chúng tôi nghe vang vọng đâu đó tiếng hát và chợt thấy trước mắt mình ba người phụ nữ đang hát một cách say mê. Giọng hát du dương quyến rũ đến nỗi ai trong đoàn du khách cũng đờ người ra, quên mất chụp ảnh. Cho đến khi tiếng hát tắt dần tất cả như bừng tỉnh, chúng tôi nhận ra đến lúc phải trở về vì trời đã sẩm tối. Trên đường trở ra, chúng tôi chỉ ước mình có thêm nhiều thời gian để xem kỹ các bức tranh khắc ở đây cũng như để ngắm nhìn cho thỏa khung cảnh hùng vĩ của quần thể này. Đây có lẽ là nơi chúng tôi vương vấn hơn cả mỗi khi nghĩ về Armenia, một đất nước nhỏ bé nhưng có một lịch sử phong phú, thú vị.