Tối 22-10-2016 tại Gem Center (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đakao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra một phiên đấu giá nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhằm gây quỹ cho chương trình phẫu thuật “Thiện Nhân và những người bạn” với kết quả đạt được rất khả quan.
Được Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam (Live to love Việt Nam) tổ chức, phiên đấu giá đã đưa ra 10 tác phẩm nghệ thuật và một tượng Phật được chế tác bằng ngọc lưu ly và vàng ròng. Toàn bộ hiện vật đấu giá đã được bán, thu về cho quỹ trên 5 tỉ đồng (223.600 USD). Được mua với giá cao nhất là bức tranh sơn dầu Phố cổ Hà Nội, một tác phẩm có kích thước vào loại hiếm (55 x 72cm) của họa sĩ Bùi Xuân Phái vào thời gian ông sáng tác – khoảng những năm 1968-1972, khi mà cuộc sống khó khăn thời chiến tranh khiến các loại vật tư mỹ thuật rất khó tìm và cố họa sĩ thường vẽ rất nhiều tranh khổ nhỏ hoặc rất nhỏ trên giấy với chất liệu phổ biến là bột màu. Bức tranh này có giá khởi điểm khá cao: 77.000 USD nhưng cuối cùng đã bán được với giá thuộc loại kỷ lục ở Việt Nam: 102.000 USD.
Tác phẩm khổ lớn (150 x 180cm) Tôi – diều gió của họa sĩ đương đại Lê Kinh Tài, người được coi là có tranh bán với giá “khủng” bậc nhất hiện nay, có giá khởi điểm lên đến 60.000 USD cũng được mua với giá rất cao: 80.000 USD. Tác phẩm được họa sĩ vẽ năm 2009 với chất liệu sơn dầu và acrylic trên bố. Tuy nhiên, đáng kinh ngạc nhất lại là một bức tranh khổ nhỏ (42 x 31,5cm) được vẽ bằng mực tàu và bột màu trên giấy, có tựa Gửi đêm mà người vẽ là thi sĩ Bùi Giáng, một tên tuổi kỳ lạ của văn chương miền Nam. Tác giả của những thi tập Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Màu hoa trên ngàn… và hàng loạt sách khảo luận về triết học, văn chương, sách dịch, sách giáo khoa… đã vẽ Gửi đêm năm 1992; tranh có giá khởi điểm chỉ 2.500 USD nhưng đã được bán với giá 27.000 USD.
Tranh của Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang, Đinh Thị Thắm Poong, Đào Xuân Tình, Nguyễn Văn Đức, Lê Hào; điêu khắc trên giấy và mi ca của Nguyễn Ngọc Vũ đều được mua trên mức giá khởi điểm, thậm chí gấp mười lần như tranh sơn dầu Sơn nữ của Đào Xuân Tình vẽ năm 2016, khổ 120 x 90cm đã được bán với giá 15.000 USD trong khi giá chào chỉ là 1.500 USD, hay bức tranh sơn dầu Vườn xuân (vẽ phong cảnh Hà Giang, khổ lớn 175 x 135cm) của Nguyễn Văn Đức có giá khởi điểm 2.500 USD đã được bán với giá 8.500 USD.
Có thể nói việc tổ chức đấu giá được tiến hành khá chuyên nghiệp, kết quả đạt được khác hẳn với nhiều vụ đấu giá “dỏm” từng diễn ra không ít lần, khi đó kẻ mua thường là các đại gia sau khi hào hứng phóng ra những con số hàng tỉ đồng đã “bỏ của chạy lấy người”; gần đây nhất là trong phiên đấu giá do Công ty Bảo Việt tổ chức vào tháng 5-2016, người đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá cặp chóe Tứ linh với mức giá 6,05 tỉ đồng, nhưng sau đó tập đoàn này đã từ chối mua hiện vật nói trên!
- Phạm Đán Bình