Theo hãng tin Bloomberg, đồng tiền của Mông Cổ đang giảm giá mạnh chưa từng thấy, giữa lúc chính phủ nước này chật vật chống lại một cuộc khủng hoảng kinh tế. Riêng trong tháng 8-2016, đồng Tugrik của Mông Cổ đã mất giá 7,8% và trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới.
Đất nước nằm hoàn toàn trong nội địa này sở hữu một trữ lượng lớn chưa được khai thác các khoáng sản giá trị như vàng, đồng và than. Nhưng giá hàng hóa cơ bản trên thế giới đã sụt mạnh trong thời gian gần đây. Ngoài ra, nhu cầu của Trung Quốc, nước mua 90% hàng xuất khẩu của Mông Cổ, cũng sa sút.
Chính phủ Mông Cổ đã thừa nhận rằng nước này “đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế”.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mông Cổ Choijilsuren Battogtokh nói Chính phủ đã mất khả năng trả lương cho công chức và quân đội.
Nguyên nhân khủng hoảng được cho là xuất phát từ các chính sách quản lý kinh tế sai lầm của Đảng Dân chủ Mông Cổ.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ khi Chính phủ Mông Cổ thiếu nhất quán trong các quy định về đầu tư và thỏa thuận khai mỏ, khiến nhiều công ty nước ngoài bỏ đi. Trong thời gian từ năm 2011 đến quý I-2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mông Cổ đã giảm 85%.
Hồi đầu năm nay Đảng Nhân dân Mông Cổ, một chính đảng dân túy, đã giành quyền lãnh đạo sau khi người dân nước này mất niềm tin vào Đảng Dân chủ nắm giữ quyền lực đã nhiều năm ở nước này. Lãnh đạo đất nước trong tình hình kinh tế khó khăn, Đảng Nhân dân Mông Cổ đang kêu gọi các định chế quốc tế giúp đỡ.
Do thiếu tiền mặt, Mông Cổ đã vay mượn nhiều. Hiện nước này đang gánh một khoản lãi khổng lồ từ số nợ gần 23 tỉ USD.
Giới quan sát dự báo Mông Cổ có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ hoặc cần tới một vụ giải cứu từ bên ngoài. Ngày 17-8, một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tới thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ để tìm cách giúp đỡ quốc gia này.
Là nước có đường biên giới với Trung Quốc và Nga, nền kinh tế Mông Cổ lệ thuộc nhiều vào hai quốc gia này.
Từ năm 2003 đến 2013, thương mại giữa Trung Quốc và Mông Cổ đã tăng lên đến 6,7 tỉ USD và dự kiến tăng lên 10 tỉ vào năm 2020.
Mông Cổ có hơn 1.200 doanh nghiệp đăng ký có vốn đầu tư của Trung Quốc và khoảng 900 công ty liên doanh. Khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng hiện vượt quá 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài ở Mông Cổ.
Trong khi đó Nga là nước cung cấp điện gần như độc quyền tại đây với hơn 25 triệu USD mỗi năm cho 2,8 triệu dân. Chính phủ cũ của Mông Cổ mong được tự chủ trong việc xây dựng thủy điện để độc lập về năng lượng nhưng lực bất tòng tâm.
T.K (DNSGCT)