Dữ liệu về môi trường ô nhiễm ngày càng làm cho con người cảm thấy bất an. Theo những kết quả nghiên cứu mới nhất, trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người chết vì những lý do có liên quan đến ô nhiễm môi trường, chiếm gần 25% tổng số người qua đời hằng năm. Riêng số người chết do không khí ô nhiễm đã là 6,5 triệu người/năm. Nước uống không qua xử lý cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của 300 triệu người. Một năm sau khi Thỏa thuận Paris về thay đổi khí hậu có hiệu lực, bên cạnh việc Hoa Kỳ không tham gia, phần còn lại của thế giới vẫn chưa làm được bao nhiêu để cứu vãn hàng trăm triệu người đang và sẽ là nạn nhân của hạn hán, bão lụt và nhiều thiên tai khác.
Ngày 30-10-2017, cơ quan phụ trách về thời tiết của Liên Hiệp Quốc cảnh báo là lượng khí CO2 đã tăng với một “tốc độ kỷ lục” vào năm 2016. Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đã tăng 145% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài khí CO2, hai loại khí methane (CH4) và Nitrous oxide (N2O) cũng tăng nhẹ.
Tháng 11 vừa qua, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) vừa công bố một báo cáo có tên “Hướng về một hành tinh không ô nhiễm”, trong đó có năm thông điệp chủ yếu hướng đến các mục tiêu đã vạch ra: (1) Lãnh đạo và hợp tác ở mọi cấp, huy động tiềm năng các lĩnh vực công nghiệp và tài chính; (2) Xử lý những chất ô nhiễm tệ hại nhất, cải thiện luật lệ về môi trường; (3) Tiêu thụ và sản xuất bền vững, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, thay đổi cách sống, ngăn ngừa và quản lý chất thải tốt hơn; (4) Đầu tư sản xuất và tiêu thụ sạch để chống lại ô nhiễm, tăng cường quỹ đài thọ công tác theo dõi ô nhiễm và hạ tầng cơ sở; (5) Mở chiến dịch thông tin cho mọi người trên toàn cầu.
Những biện pháp đã vạch ra cần được đưa vào chương trình hành động của hàng trăm chính phủ trên thế giới, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc. Trong lúc mọi người đều bị tác động bởi sự ô nhiễm, một số trực tiếp chịu ảnh hưởng của hóa chất nơi làm việc, hoặc sống ở 80% thành phố mà không khí không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Bên cạnh đó, 3,5 tỉ người đang sống dựa vào sản phẩm của biển bị ô nhiễm, 2 tỉ người vẫn không có nhà vệ sinh đủ sạch… là những bài toán không dễ giải quyết của các cơ quan môi trường trên thế giới.