Có một mô hình nhà ở phù hợp với khu vực nông thôn vì chi phí xây dựng thấp, tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ và khá bền vững trong mưa bão. Mô hình này cũng phù hợp với những hộ dân ở vùng ngoại thành vì nhà được xây dựng bằng cách lắp ghép các vật liệu giống như lắp ráp một bộ lego khổng lồ, nên có thể hoàn thiện trong vòng vài ngày và có thể di dời một cách dễ dàng. Thậm chí, mô hình nhà dựng sẵn này có thể xây dựng trên những khu vực đầm lầy hoặc sông nước, có tên gọi là Prefabricated building, gọi tắt là Prefab.
Nhà có thể mang đi
Ở những thành phố “đất chật người đông” như TP. Hồ Chí Minh thì việc xây dựng những ngôi nhà với diện tích vừa, có thể di dời nhanh như Prefab trở thành một xu hướng nhà ở triển vọng. Hơn nữa, giá nhà ở TP. Hồ Chí Minh đang tăng lên do tình trạng thiếu vật liệu xây dựng trầm trọng nên nhu cầu về nhà ở giá rẻ cũng tăng lên. Một ngôi nhà Prefab có diện tích 63m2, bằng tôn cách nhiệt trên tấm xi măng có giá là khoảng 500 triệu đồng, nhà bằng gỗ có giá từ 550-580 triệu đồng.
Một trong những người đang tích cực phát triển mô hình nhà Prefab tại Việt Nam là ông Trần Quốc Trung, một kiến trúc sư sống và làm việc ở Mỹ gần 30 năm. Ông tốt nghiệp thủ khoa tại Trường Đại học Mỹ thuật và Kiến trúc California College of Arts (Mỹ). Ông cho biết: “Tôi đã có cơ hội trưởng thành từ môi trường làm việc ở các công ty xây dựng hàng đầu của Mỹ như SOM, ZGF…, từ đó tôi có cái nhìn sâu sắc về ngành kiến trúc và các công trình kiến trúc.
Khi bắt đầu bất cứ một công trình nào, điều mà chúng ta cần quan tâm nhất chính là cách giải quyết các vấn đề môi trường và công năng trước yếu tố mỹ thuật. Tôi quyết định mang những kinh nghiệm lâu năm về làm đẹp cho quê hương, xây dựng những công trình bền vững để giảm thiểu ô nhiễm, góp phần hạn chế sự biến đổi khí hậu, nhưng có vẻ như chưa nhiều người Việt quan tâm lắm đến những giá trị lâu dài này”.
Từ khi về Việt Nam từ năm 2010, ông Trần Quốc Trung từng đề xuất ý tưởng mới về cải tạo chợ truyền thống, cải tạo công viên và các dòng kênh đen trong thành phố nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đến năm 2014, ông quyết định sáng lập thương hiệu nhà Hippo, bắt tay vào thực hiện từng ngôi nhà nhỏ Prefab với định hướng thiết kế và sản xuất những căn nhà tiện dụng, giá rẻ có thể xây dựng trên mặt đất hoặc trên mặt nước.
Ông cho biết: “Cách xây dựng nhà Prefab này nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với nhà truyền thống. Công nhân sẽ dựng khung sắt lớn trên nền móng cọc đã được chuẩn bị sẵn. Chủ nhà có thể lựa chọn thiết kế, vật liệu (như tôn, xi măng, đá, gỗ…) theo sở thích và điều kiện tài chính.
Dạng nhà ở này phù hợp với người thu nhập thấp ở các khu đô thị vì không chỉ là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, hạn chế ô nhiễm môi trường mà chủ nhà còn có thể “mang” ngôi nhà đến một địa điểm khác gần như nguyên vẹn. Nhà lắp ghép này dễ xây dựng ở vùng địa hình đồi núi mà việc sửa sang, cơi nới nhà cũng khá dễ dàng và ít tốn kém. Chủ nhà có thể trang bị thêm các thiết bị tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên như hệ thống pin năng lượng mặt trời hay hệ thống xử lý nước thải.
Nhà Prefab cũng có thể làm quán cà phê, quán bar, villa, các khu resort cao cấp. Với những công trình lớn được xây theo kiểu lắp ghép, việc quản lý vật tư và kiểm soát chất lượng thi công cũng trở nên dễ dàng hơn mà việc di dời các công trình cũng rất nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Hướng đến một cộng đồng văn minh
Kỹ thuật xây nhà Prefab khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã có từ lâu trên thế giới. Theo thông tin đăng trên báo South Australia Record (Úc), căn nhà lắp ghép đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở London vào năm 1837. Ở Úc, các ngôi nhà lắp ghép đầu tiên được xây dựng từ những năm 1850.
Kỷ lục về xây nhà dựng sẵn thuộc về chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s, thời gian xây dựng, chuẩn bị đồ đạc và mở bán hàng chỉ trong 13 giờ đồng hồ, không tính thời gian chuẩn bị móng nhà. Nhà dạng này có thể “đặt” khắp mọi điều kiện địa hình, từ sa mạc đến các bờ sông và có thể chia nhỏ như xếp lego. Trong mười năm trở lại đây, các kiến trúc sư và nhà thiết kế đã mở ra một kỷ nguyên mới của nhà Prefab, với những ngôi nhà có thiết kế đẹp, hiện đại và vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
KTS Trần Quốc Trung hiện đang thực hiện một khu resort ở Quy Nhơn, có một hệ thống hút gió trên mái và nền đá dưới móng nhà sẽ tạo ra một chiếc máy điều hòa tự nhiên. Resort được xây bằng đá, mái bằng tranh, là những loại vật liệu rất phong phú tại địa phương. Việc tận dụng nguyên liệu tại chỗ giúp tiết kiệm chi phí và giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài những công trình về nhà ở, villa, resort vùng biển, nhà Prefab có thể phát triển thành các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân, nhà nông trại… “Mô hình này nhắm tới việc tận dụng không gian, vật liệu chất lượng cao hơn, điều khiển thông minh các tiện ích và kết nối với thế giới với quá trình chế tạo, lắp đặt và bảo trì chính xác”, ông Trần Quốc Trung cho biết.
Thời gian tới, những ngôi nhà lắp ghép được thiết kế, sản xuất và lắp đặt như máy móc, có khả năng tạo năng lượng điện, tái chế nước và xử lý rác thải để trở nên độc lập, không phụ thuộc vào mạng lưới điện. Nhà cũng sẽ được thử nghiệm trên những chiếc phao lớn để đáp ứng nhu cầu người dân sống ở đầm lầy hay các vùng sông nước. Mô hình nhà Prefab tiện dụng này hứa hẹn sẽ là một sản phẩm nhà ở hiệu quả có giá phải chăng nhằm đem lại một cuộc sống nhẹ nhàng và chất lượng hơn.