Một nghiên cứu công bố hôm 29-9 quy tội số lượng và quy mô chăn nuôi gia súc lớn ở các vùng phát triển thuộc châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi tăng mạnh khiến khí thải mê tan (CH4) tăng theo, làm trái đất nóng hơn mức dự báo. Khí CH4 kém bền vững nhưng lại làm nóng trái đất hơn so với khí CO2.
Khí CH4 liên quan tới quá trình lên men phân gia súc, cũng như cách thức lưu giữ và xử lý chúng còn lạc hậu. Chuyên gia Bộ Nông nghiệp Mỹ, Julie Wolf cho rằng chính những thay đổi trong chăn nuôi gia súc lớn đã làm tăng CH4. Ghassam Asrar, Giám đốc Viện nghiên cứu phối hợp quốc tế Global Change, lưu ý một thực tế là khí CH4 từ phân gia súc ở Mỹ, Canada tăng không đáng kể và giảm ở châu Âu. Sở dĩ khí CH4 tăng mạnh trong thập niên qua còn là do khai thác nhiên liệu hóa thạch cùng những hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo Nhóm chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu GIEC, năm 2015 tỷ lệ khí không mùi, không màu này chỉ chiếm 16% lượng khí thải nhà kính; khí CO2 do đốt than, dầu lửa, khí tự nhiên chiếm 3/4 lượng khí thải nhà kính làm trái đất nóng lên.
Giáo sư Trường Đại học Edimbourg, Dave Reay cho rằng chế độ ăn uống nhiều thịt và các sản phẩm sữa không phải là nguyên nhân chính cho biến đổi khí hậu và so sánh: Cố gắng giảm tối đa phân gia súc không ngoạn mục bằng khai thác phong điện, quang điện.
- Theo Le Monde, Planète