Từ Queenstown, ý định thuê xe tự lái đi Milford Sound của chúng tôi sớm tiêu tan sau khi nghe người địa phương cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cung đường trên. Vậy là phải mua tour! Lên xe từ sáu giờ sáng, một chút sau sương tan, cả nhóm mới thấy quyết định này là hoàn toàn sáng suốt. Cảnh hai bên đường đẹp đến nỗi không hành khách nào muốn rời mắt khỏi ô cửa kính. Đường ra khỏi Queenstown một bên là hồ Wakatipu nên thơ, còn một bên là dãy núi Remarkable hùng vĩ. Wakatipu có hiện tượng thủy triều giả rất đặc biệt: Cứ năm phút một lần, mực nước hồ lại dâng lên và hạ xuống khoảng 12cm.
Trên cung đường đẹp nhất thế giới
Không chỉ đẹp, cung đường gần 300 cây số còn vô cùng ngoạn mục. Hành khách ai nấy xuýt xoa thán phục bác tài. Đường hẹp, xe to dềnh dàng, những đoạn đèo hình zíc-zắc rồi những khúc cua quanh cùi chỏ cứ nối tiếp nhau mà xe vẫn bon bon giữ đều tốc độ. Bác tài kiêm luôn công việc hướng dẫn, luôn miệng kể chuyện, pha trò, giải thích cặn kẽ về từng điểm đến. Đi một đoạn, xe dừng ở hồ Mirror Lake. Đúng như tên gọi, hồ này quanh năm mặt nước phẳng lặng như gương, khồng hề có chút gợn sóng. Nhờ vậy khung cảnh tuyệt đẹp trên bờ được phản chiếu y như thật. Đứng bên mép hồ, tôi có cảm giác mình đang đứng giữa hai bầu trời xanh lồng lộng. Điều thú vị là lúc vừa xuống xe trời còn âm u, vậy mà chỉ một thoáng sau ánh nắng đã nhảy nhót trên các ngọn cây rồi tràn xuống làm sáng bừng cả mặt hồ. Thời tiết ở đây vốn nổi tiếng đỏng đảnh, vừa sương khói mờ mịt đó rồi lại nắng rực rỡ ngay đó, nhiều khi chỉ đi qua vài dặm đường mà du khách tưởng mình đã bước vào một vùng đất khác.
Rồi sau rất nhiều lần nín thở bởi những dốc đá kỳ vĩ, xe dừng trước đường hầm Homer dài thứ nhì New Zealand để hành khách được uống nước lấy từ dòng suối bên đường. Nghe bác tài bảo là nước suối này tinh khiết hơn cả nước máy vì đó là băng trên ngọn núi trước mặt tan chảy xuống. Uống nước no nê, cả đoàn lên xe và chăm chú nhìn Avenue of disappearing Mountains, một ngọn núi nổi tiếng do hiện tượng ảo giác, tức là xe càng chạy tới gần núi, người ta lại thấy nó càng nhỏ dần.
Trước khi tiến vào vùng Fjord Land, xe dừng tại thị trấn Te Anau. Fjord là từ để chỉ các vịnh biển hẹp hình chữ U được hình thành vào cuối kỷ băng hà – khi sông băng rút đi và nước biển tràn vào thay thế. Nói một cách dễ hình dung thì những cái fjord này giống như những ngón tay của biển, trong đó Milford Sound là fjord đẹp nhất, hùng vĩ nhất. Cung đường từ hồ Te Anau đến Milford Sound được bình chọn là một trong những cung đường đẹp nhất thế giới và được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn nổi tiếng.
Chúng tôi những tưởng mình hóa thân thành các nhân vật trong phim khi đi dạo giữa khu rừng mênh mông toàn những cây lớn, cao vút phủ đầy rêu xanh. Dưới chân là suối chảy xiết qua khe đá nghe ầm ào, nhìn kỹ mới thấy dòng nước cũng nhỏ thôi nhưng do chảy xoáy lâu năm tạo nên nhiều lỗ hổng lớn trong các tảng đá. Đá có hình thù như sọ người, các hốc đá tương tác với nước tạo nên các âm thanh kỳ quái rùng rợn. Rồi tiếp đó, trên con đường xuyên núi, chúng tôi đi qua nhiều khu rừng, nhiều cánh đồng hoa ven sông và những hồ nhỏ xanh biếc cho đến khi gặp con đường dẫn tới thung lũng Hollyford ở Marian Camp. Ở đây đường chia thành hai hướng, một dẫn tới Hollyford và một dẫn tới Milford Sound.
Vịnh thiên đường
Là thắng cảnh hùng vĩ nhất trên đảo Nam của New Zealand, Milford Sound mỗi năm thu hút hàng triệu du khách. Ngay cả trong mùa đông, khi tuyết lở thường xuyên và đường đóng băng rất nguy hiểm, các xe du lịch vẫn tra xích vào bánh xe để chống trượt rồi đưa những người ưa mạo hiểm đến đây khám phá vẻ đẹp có một không hai trên thế giới. Vịnh Milford Sound bề ngang có chỗ chỉ rộng mấy trăm mét nhưng dài đến 16 cây số. Đi thuyền từ điểm Dale – miệng của vịnh vào đến cuối vịnh chỉ mất hơn một giờ đồng hồ mà chúng tôi thấy được khá nhiều điều mới lạ. Được bao quanh bởi các mặt đá thẳng đứng cao ít nhất là 1.200 mét, fjord này có cấu tạo rất kín, nhờ đó dù ngoài cửa biển Tasman kia đang ầm ầm giông bão thì trong đây chỉ mưa nhẹ và vịnh vẫn yên bình nên thơ. Thành ra nó trở thành chỗ trú ẩn của tàu bè khi khẩn cấp. Từng được nghe nói có nhiều fjord mà mực nước bên trong vịnh còn sâu hơn cả mực nước đại dương tiếp giáp với nó, đến Milford Sound chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến điều này: Chiếc du thuyền đồ sộ chở cả đoàn có thể cập sát các vách đá mà không hề sợ mắc cạn.
Dưới nắng trưa, hơi nước bốc lên từ những con thác tạo thành những màn sương huyền ảo và những đám mây nhẹ như khói. Chỉ nửa tiếng đồng hồ trước đây, hai bên vách đá có hàng trăm ngọn thác mới hình thành sau cơn mưa rào, tiếng nước đổ ầm ầm xuống biển có lúc nghe muốn nhức cả tai. Mưa tạnh, ngước mắt lên, những mỏm đá cao chót vót tùy theo óc tưởng tượng của người ngắm mà trở thành ngọn Voi, ngọn Sư Tử… oai vệ. Còn dưới nước và trên những mỏm đá bằng phẳng hơn là cá heo đang đùa giỡn và những bầy hải cẩu đang phơi nắng. Thiên nhiên tráng lệ vùng Fjord Land còn được tô điểm bằng chim chóc, động vật quý, hiếm. Nào là cá heo thoắt ẩn thoắt hiện, nào là cánh cụt tròn vo xinh xắn tụ tập từng cụm, rồi sư tử biển kềnh càng mà uyển chuyển. Kém lanh lợi nhất là bọn hải cẩu nằm làm biếng ì trên gờ đá, giương cặp mắt lồi dòm khách du lịch như dò xét, xong rồi thản nhiên ngủ tiếp!
Khách trên tàu chẳng ai nói với ai tiếng nào. Người nào người nấy chăm chú lắng nghe tiếng hải cẩu kêu bên tai mình, rồi chạm tay vào những dòng thác lạnh buốt trên trời đổ xuống. Chưa đủ, có cô gái trẻ còn vốc thứ nước trong lành đó dấp lên cả tóc tai mặt mày và không chớp mắt nhìn ngắm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên, để tin rằng thiên đường là có thật, và không hề xa cách…