Vùng đất của những triền nho
Nhiều lâu đài, dinh thự quyền quý, những ngôi nhà đẹp đẽ, phố xá từ thời Trung cổ phong quang, quốc lộ và đường sắt chạy dọc cả hai bên sông… tất cả toát lên sự no đủ, giàu có của cả vùng. Có lẽ vì lịch sử lâu đời trồng nho làm rượu vang, đất đai trù phú thuận lợi cho nông nghiệp và giao thương đường sông nhộn nhịp đã làm cho chốn này thịnh vượng. Những triền đồi ven sông độ dốc lý tưởng hưởng đủ nắng gió sông Rhine cho các luống nho căng mọng ngậm no đường, thổ nhưỡng đặc biệt đất mùn trên nền đá đã đưa thung lũng sông Rhine thành vùng trồng nho làm rượu lớn nhất nước Đức.
Êm đềm cuộc sống bên dòng Rhine
Nổi tiếng với các giống nho Riesling, Burgunder, Müller-Thurgau hay Dornfelder, hằng năm hàng triệu lít vang tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vẫn giữ vững là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Những triền xanh mướt mát của nho mùa hạ hay ngả vàng hóa đỏ lúc thu sang góp phần thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến vãn cảnh mỗi năm. Người người dập dìu vào quán thử rượu nhà làm, êm dịu hơn rất nhiều thứ vang đóng chai hàng loạt bán ngoài siêu thị. Cũng có thể men rượu đượm hương hơn khi có cả men tình?
Triền đồi sau vụ gặt đẹp như tranh
Ngồi trong cabin cáp treo giữa miên man màu xanh các luống nho ở Rüdesheim, lúc ấy chưa nhấp ngụm vang nào mà đã thấy bay bổng lắm. Cảm giác lâng lâng vẫn ngập tràn khi lững thững đi dạo trên đỉnh đồi, ngước lên nhìn tượng đài Germania (hoàn thành năm 1883) cao tổng cộng gần 50 mét lồng lộng giữa bầu trời xanh bồng bềnh mây trắng. Chọn cách đi bộ xuống phố, băng qua con đường xuyên rừng già, thi thoảng nhón tay bứng mấy quả dâu đen chín mọng và khúc khích cười kể chuyện cổ cho nhau, đường về dường như ngắn lại dù lòng đâu có muốn. Vậy là lại vội vàng tìm cách kéo dài thêm. Một quán nhỏ nằm giữa đồi nho xanh rờn hiển nhiên thành cái cớ tuyệt vời níu chân người lữ khách. Vang trắng, vang đỏ, vang hồng hay vang bọt, đều sóng sánh ánh màu trong nắng quái chiều hôm.
Đi dạo trong trung tâm thị trấn Bacharach tưởng mình về thời Trung cổ
Khắp nẻo lối mòn, suốt dọc dòng sông, mọi góc quảng trường, phố cổ, chỗ nào cũng lãng mạn đến da diết lòng. Tháng 8, tháng 9 mới chớm thu, cả vùng trung du thung lũng sông Rhine mở hội. Các cô lĩnh ngôi Nữ hoàng Mật ong, Chim én, Lúa mì… và đặc biệt Nữ hoàng Vang nho sẽ đội vương miện, mặc váy đẹp tay cầm cốc rượu to khác thường tới dự hội. Dọc dải sông 67km, lần lượt các thành phố, thị trấn bắn pháo hoa cho đến giữa tháng 9, đặc biệt hội lớn nhất ở Koblenz thu hút cả nửa triệu người kéo về. Suốt cả tháng trời, sông Rhine bừng ánh sáng pháo hoa từ bắn lên tàu thuyền, lâu đài, cung điện trên núi bắn xuống, đều chung một tên gọi không thể nào nồng nàn hơn được nữa: Rực lửa dòng Rhine (Rhine in Flammen).
Bài Minh Lý – Du Nhân
Ảnh Nam Vinh