Ai cũng biết là đồ chơi không phải để ngắm (chỉ có các cô ở nhà trẻ mẫu giáo thỉnh thoảng sợ các học sinh phá nên xếp vào tủ kính thôi). Các bậc cha mẹ, ai cũng biết đồ chơi phải để cho trẻ được quyền tháo ra lắp vào, cho nó chạy, vặn vẹo tìm tòi, và như vậy thì không có thứ đồ chơi nào là không hỏng cả. Việc phá của là tất nhiên. Người ta còn biết rằng để cho trẻ em bẻ đồ chơi ra, biết cảm giác, thì mới là chơi. Chứ cái ôtô, cái nhà, búp bê… thì chỉ một chút là chán.
Cha mẹ đều biết: không cho trẻ tha hồ thỏa mãn với nhiều đồ chơi. Trẻ phải được biết rằng muốn có đồ chơi là phải có lý do: ngoan, thưởng, dịp lễ tết, sinh nhật. Cũng không phải cứ vòi vĩnh là được.
Vậy nhưng trẻ con ở đô thị bây giờ có cả thùng đồ chơi. Đủ loại ôtô, xe máy, xe tải, mỗi thứ đều chỉ chơi được một lúc, rồi thì cảnh này khá phổ biến: bánh xe long lở, gãy thành, nằm cả đống với các chú siêu nhân cụt chân cụt tay. Những con vật bằng nhựa không cử động được là vật mau chán nhất.
Mỗi kỳ sinh nhật, ngày Quốc tế thiếu nhi hoặc ở nhà có ai đi công tác xa về, đều có đồ chơi cho trẻ. Lũ con trai thích trò đánh nhau, xe tăng, súng các loại. Ông bố mua cả găng đánh bốc với cái bọc dài treo giữa nhà cho con đấm. Rồi các cây nhựa cho con ném bowling. Những hộp xếp hình nhiều vô kể, lộn tùng phèo không biết bộ nào vào với bộ nào.
Những đứa lần đầu tiên đi nhà trẻ, mẫu giáo, buổi sáng mếu máo khóc lóc, chiều đến sau “chiến công” chịu đựng một ngày đã được cha mẹ đền bù, thưởng bằng cách mua cho một đồ chơi nào đó. Vì vậy mà ở trước cổng hay căng tin các trường mẫu giáo, ngoài kem, kẹo bánh, ngước ngọt và sữa tươi ra, bao giờ cũng có bày bán các đồ chơi, từ bong bóng bay cho tới các thứ ôtô, súng lục, siêu nhân. Trẻ đi qua sao được.
Không chỉ thưởng công cho “ngày đầu”, dần dần ngày nào trẻ cũng đòi bố mẹ mua đồ chơi cho. Rồi không chỉ trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng vậy. Mới có chuyện trẻ gần như mua đồ chơi… hằng ngày. Đó thực sự là vấn nạn. Vấn nạn không chỉ vì tốn tiền, nhà cửa bề bộn mà còn vì hình thành một thói quen dùng đồ chơi với tốc độ chóng mặt. Nhưng sự trưởng thành nhận thức của bọn trẻ bây giờ thật đáng kinh ngạc. Chúng quan tâm tới những chuyện phi thuyền, trái đất vào các hành tinh, các loài vật và thời cổ đại.
- Xem thêm: Giao con cho tivi!
Quà của trẻ con bây giờ không như ngày xưa ngóng mẹ về chợ để ăn “một xu bánh đa” hay cái chong chóng giấy xanh đỏ để chơi. Quà bây giờ “khủng” hơn: có những thứ tiền triệu. Sách cũng vậy, có những quyển sách to bằng nửa cái valy, giá rẻ cũng bảy, tám trăm ngàn đồng. Nào là lịch sử hình thành trái đất, nguồn gốc các loài vật… Nhiều hình ảnh, như một thứ từ điển để trẻ con có thể xem hằng ngày. Đó là chưa kể các loại robot lắp ráp có con cũng gần triệu đồng. Thành ra, đồ chơi của trẻ em cũng là nơi phát huy ý tưởng sáng tạo của các nhà sản xuất và đòi hỏi phải tốn kém khi sở hữu.
Cha mẹ không có thời gian chơi với con. Lúc nào họ cũng cảm thấy mệt, không có thì giờ nghỉ ngơi. Vì thế đồ chơi là thứ có thể dỗ cho con trẻ, tạm thời không phải canh chừng trong vài giờ. Để cho cha mẹ thở.
Mà bọn trẻ lại rất mau chán. Chúng lại không chịu chơi một mình, còn khi chơi với nhau còn mệt nữa – đứa này giành đồ, đứa kia khóc gào đòi. Đằng nào cũng khổ cả. Nhiều khi đồ chơi mua về chỉ cuốn hút bọn trẻ được giây lát mà thôi.
- Xem thêm: 6 bí quyết để nuôi dạy trẻ ngoan
Những trò chơi dân gian ngày xưa như lò cò ở hè phố, trốn tìm ở các gốc cây, bây giờ đâu còn nữa. Bây giờ cái gì cũng phải chi tiền ra. Để có ngày hè cho con, bây giờ ít người gửi con về quê như ngày xưa. Ngay những đứa có quê cũng chẳng gắn bó gì. Không có máy lạnh, toa lét thì đâu có bóng loáng như ở thành phố.
Có ai cho con về lội ruộng tắm sông đâu. Ở quê lại muỗi mòng, thiếu tiện nghi. Vì thế nhiều đứa có quê chỉ để ngồi xe hơi về ăn giỗ, đám cưới, rồi đi chứ không gắn bó gì. Hè của bọn trẻ là chuyến đi nghỉ biển đắt tiền, ở resort và máy lạnh, đến bữa đi ăn hải sản.
Con người ngày càng đòi chi phí lớn để trở thành người bình thường thôi. Cứ nhìn cha mẹ ta xưa, hay những đứa trẻ đi học vùng sâu vùng xa, mới thấy trẻ con ở thành phố tốn kém quá. Chúng bước chân ra cửa là tiền đi theo.
Để phục vụ cho nhu cầu bình thường nhất, như chỉ chơi thôi cũng đã tốn kém kinh khủng. Ấy vậy mà người đô thị lớn lên vẫn thấy mình luôn thiếu các kỹ năng…